Ăn gì ngày Tết?
Sống khỏe - Ngày đăng : 08:00, 26/01/2020
Đối với người Việt thì mâm cúng Tết từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng, đặc trưng để đón một mùa xuân đầm ấm, sum vầy bên gia đình. |
Tết là thời điểm gia đình, dòng tộc đoàn tụ, sum họp đón xuân. Dù thành thị hay thôn quê đến nay vẫn giữ được khá nhiều món ăn truyền thống, những thức cúng gia tiên vốn đã lưu truyền qua nhiều thế hệ như bánh tét, bánh ít, bánh dầy, bánh chưng, thịt heo kho hột vịt, khổ qua hầm, tôm khô dưa kiệu, dưa cải, các loại mứt, rượu, trà…
Đối với người Việt thì mâm cúng Tết từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng, đặc trưng để đón một mùa xuân đầm ấm, sum vầy bên gia đình. Những món ăn này không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt ẩm thực mà còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc, với tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên, ông bà, cũng như ước mong một năm mới với nhiều thành công, may mắn.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm khi phải ăn những loại thực phẩm quen thuộc ngày Tết với nhiều dầu, mỡ, nhất là những người thích uống rượu bia. Từ đó, họ đã bắt đầu lựa chọn các loại thức ăn khác để thay đổi khẩu vị trong các tiệc nhậu hay trong các bữa ăn gia đình ngày Tết.
Ông Trần Văn Tám, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết “Năm nào tôi cũng về quê ăn Tết, cứ mỗi lần như vậy tôi rất thích ăn các món đặc sản vùng quê Bến Tre như mắm tép, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, ba khía trộn mắm đường tái chanh, dân dã nhưng hấp dẫn lắm…”.
Nhiều người chọn cho mình các món ăn “khô” như khô các sặc rằn, cá lóc, tôm khô... |
Nhiều người chọn cho mình các món ăn “khô” như khô các sặc rằn, cá lóc, tôm khô dùng dùng với củ kiệu, dưa cải, dưa hấu, kim chi, cà pháo, rau muống ngâm tỏi. Số khác lại thích các món ăn “nước” như cháo gà, cháo vịt hay cà ri vịt, gà, có người thích các món lẩu “thập cẩm”, lẩu hải sản với thành phần chủ yếu là tôm, mực.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình lại chọn cho mình các món ăn riêng biệt đầy hấp dẫn như cá lóc nướng cuốn bánh tráng, gỏi cuốn với tôm, đu đủ, cá trê chiên, nướng chấm nước mắm gừng.
Ngoài ra, một số người tổ chức ăn nhậu ngày Tết chọn “mồi” từ các thực phẩm chế biến sẵn, vừa không mất thời gian nấu nướng, chế biến, lại vừa lạ miệng, gọn, nhẹ, dễ dọn dẹp như khô mực, lạp xưởng, các loại khô, thịt đã đóng gói…
Ngày nay, xu hướng ăn chay đã không còn là tập tính quen thuộc của người cao tuổi, của các Phật tử, thay vào đó, ngày càng nhiều người trẻ chọn cho mình những loại thức ăn chay ngày Tết, vừa để thanh tịnh tâm hồn vào những ngày đầu xuân, vừa thưởng thức được các món ăn thuần khiết, lạ miệng.
Lê Thị Xuân Nguyên, sinh viên trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Em rất thích ăn chay vào các ngày đầu và giữa tháng âm lịch, riêng ngày Tết, em ăn chay suốt từ ngày giao thừa đến mùng 7 Tết, ăn vậy thấy lòng rất nhẹ nhàng thanh thản lắm…”.
Đây cũng là một trong các lý do, thực phẩm chay làm khô bán rất “chạy” trong những ngày cận Tết để đáp ứng nhu cầu của nhiều “thượng đế” với nhiều tên gọi rất “ngộ nghĩnh” như thịt heo kho “Tàu”, cá lóc kho khô, tôm xào hột vịt, khổ qua nhân thịt bằm, mắm chưng hột vịt…
Về thức uống, từ khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm, chất độc hại, có cả trường hợp tử vong vì uống phải rượu không rõ nguồn gốc. Từ đó, các loại bia từ bình dân đến cao cấp bán rất “chạy” trong dịp Tết.
Tuy nhiên, nhiều người lại thích uống rượu đế “chánh gốc” tại lò cho chắc ăn, cho đủ “đô” say lại an toàn bản thân. Năm nay, số lượng người sử dụng bia rượu đã giảm hẳn sau Nghị định 100 của Chính phủ về việc xử phạt khá nặng đối với người uống rượu, bia điều khiển các phương tiện lưu thông.
Ăn gì? Uống gì ngày Tết? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đối với những người “kỹ tính” thì xem ra không dễ dàng chút nào vì phải tính toán chi li, chu tất để đáp ứng được khẩu vị của các thành viên, khách đến thăm viếng, đảm bảo tuyệt đối sức khỏe của mọi người nhưng lại vừa phù hợp với túi tiền của gia đình mỗi khi xuân về, Tết đến.