Nông dân và doanh nhân
Doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 27/01/2020
Nuôi tôm công nghiệp ở Trà Vinh |
Những con chuột làm nghèo nông dân
Từ khi có Chỉ thị 05-CT/TW ban hành ba năm nay, toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh học tập, làm theo lời Bác thành công việc thường xuyên, ý thức tự giác, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Nhưng có lẽ lời nói trên từ lâu chưa được hiểu rõ, thấm nhuần tư tưởng rất chí lý tuyệt vời của Bác nên ngày nay nông dân ta đại đa số vẫn còn nghèo, kéo theo một loạt hệ lụy: ngân sách nhà nước thu không đủ chi vì nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp và nhân dân quá nhỏ, mặt bằng lương của lao động Việt Nam vẫn trong số thấp nhất thế giới.
Nay nhân dịp Tết con Chuột, ông bà ta thường nói “cháy nhà ra mặt chuột”, chúng ta phải bắt những con chuột đã và đang gây ra tình cảnh thu nhập quá thấp của nông dân ta, để nông dân sớm giàu lên, có nhiều tiền để mua sắm, tiêu xài, nhà cửa khang trang... thúc đẩy khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển, mọi người phát đạt, đóng góp cho ngân sách nhà nước phong phú, đất nước ta giàu như Bác Hồ đã nói.
Con chuột thứ nhất là từ chủ quan của chính người nông dân. Phần đông cứ theo kinh nghiệm lão nông, ít chịu tuân thủ quy trình kỹ thuật mới, quá “ghiền” phân bón hóa học và thuốc hóa học trừ sâu bệnh, cho nên phải sản xuất với chi phí tốn kém, không cạnh tranh được với những nông dân nghiêm chỉnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Thêm vào đó, nông sản nguyên liệu của họ lại không an toàn vệ sinh thực phẩm vì còn lưu tồn dư lượng thuốc trừ sâu, trừ bệnh hoặc chất kháng sinh, có hại cho người tiêu dùng, không xuất khẩu được.
Link bài viết
Cũng từ nhà của bác nông dân. Quá tự do, ưa làm ăn cá thể, muốn trồng gì thì trồng, trồng rồi chặt; đất đai manh mún, khó được cơ giới hóa càng làm hại chất lượng sản phẩm; không thích làm ăn với doanh nghiệp, lệ thuộc thương lái.
Con chuột thứ hai là từ bên ngoài vào mua sản phẩm của nông dân, bao gồm thương lái hoặc công ty cần nông sản nguyên liệu. Ban đầu, công ty nghe theo nhà nước, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, từ từ hai bên không muốn nhìn mặt nhau vì thường xuyên bẻ kèo: khi nông dân trúng mùa, giá nguyên liệu trở nên rẻ, công ty không mua theo giao kèo mà tìm chỗ nào khác rẻ hơn để mua; khi hàng hóa hiếm, giá tăng cao, nông dân giấu bán cho người khác trả giá cao hơn giao kèo.
Khi nông dân và doanh nghiệp không tin lẫn nhau, thương lái sẽ vào cuộc, từ từ chỉ còn thương lái là người mà cả nông dân và doanh nghiệp đều thích chơi, mặc tình cho anh ta thao túng. Sự thể như vậy vì bản thân công ty hoặc doanh nghiệp không có đầu ra ổn định, không tổ chức được vùng nguyên liệu, không dám ôm về một khối lượng nguyên liệu mà không nơi tiêu thụ.
Con chuột thứ ba đi theo cả một hệ thống chính sách tập trung, chỉ đầu tư cho an ninh lương thực mà không dành kinh phí đầu tư cho sản xuất ngoài cây lúa, thúc đẩy nông dân sản xuất lúa gạo thặng dư. Nông dân muốn nuôi tôm thì tự đào ao nuôi, muốn trồng cây ăn trái thì lén lên liếp trồng, hoặc trồng xung quanh nhà. Trong khi đó, giá lúa bấp bênh, mà giá gạo luôn thấp hơn gạo Thái Lan, gạo Mỹ vì mọi thương lái quốc tế đều biết gạo Việt năng suất cao nhưng chứa quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Sản xuất lúa gạo đang là ngành lương thực chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. |
Ngoài ra, ta còn nhiều chuột khác nữa làm giới hạn sự thoát nghèo của nông dân. Ví dụ, chính sách hợp tác hóa nông nghiệp quá phức tạp, vừa không thu hút nông dân tham gia nhiệt tình, vừa không tạo điều kiện cho hợp tác xã (HTX) sản xuất có lời cho xã viên, hoặc bản thân một số nông dân muốn tiếp tục ở trong danh sách nông dân nghèo để được hưởng chính sách xóa nghèo.
Những con chuột làm cho nông dân nghèo trên đây cũng hoành hành ở nhiều quốc gia khác chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Nhưng nhiều quốc gia đã tiêu diệt chúng tận gốc nên nông dân họ rất giàu, như ở Nhật Bản đã thực hiện từ lâu rồi. Chính phủ Nhật Bản đã thiết kế Luật HTX nông nghiệp rất tài tình, khiến mỗi nông dân đều gia nhập nhiệt tình vì họ thấy nếu ở ngoài HTX làm ăn riêng lẻ thì bị thiệt thòi. Bây giờ, nông dân Nhật giàu ngang hàng với các tầng lớp khác trong xã hội Nhật, Liên minh HTX nông nghiệp là chủ ngân hàng lớn, chủ công ty bảo hiểm nhân thọ, chủ mạng lưới siêu thị, chủ công ty du lịch lớn.
“Quốc gia hưng vong, doanh nhân hữu trách”
May mắn thay cho nông dân Việt Nam, hiện nay Chính phủ ta đã thấy sự khó khăn thoát nghèo của nông dân vì chỗ nào cũng đầu tư quá nhiều ngân sách để khuyến khích sản xuất thặng dư lúa với giá rẻ mạt. Ngân sách ta đã nghèo mà còn đem đi đầu tư không kinh tế như vậy.
Thủ tướng đã thấy rõ nên Chính phủ đã ra Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2012 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, kêu gọi các địa phương phải bớt diện tích đầu tư sản xuất không kinh tế để cho nông dân sản xuất có lợi nhuận cao hơn, phải lợi dụng thiên nhiên, biến những trở ngại thành cơ hội làm giàu.
Ví dụ, vùng nhiễm mặn, thay vì phải trồng lúa như các vùng ngọt nên phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngăn mặn, đưa nước ngọt từ xa về để trồng lúa lợi tức quá thấp, thì nên lợi dụng nước mặn thiết kế công trình thích hợp nuôi tôm, vừa thuận thiên nhiên, vừa đạt sản phẩm giá trị cao, cơ hội làm giàu nhanh. Đừng để nông dân tự phát nuôi tôm không tổ chức, không bảo đảm có lợi vì một mình không quản lý điều kiện nuôi một cách khoa học.
Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. |
Nghị quyết 120/NQ-CP được xem như cơ sở chính sách bước đầu toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện câu nói của Bác Hồ “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”.
Mặc dù Nghị quyết đó ban hành gần ba năm, nhưng đến nay các ban ngành của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương vẫn còn lúng túng. Lúng túng vì đầu óc chúng ta vẫn còn chưa đầy an ninh lương thực, cả hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng là cho trồng lúa cao sản 2-3 vụ/năm, không thấy gì ngoài cây lúa cả.
Lúng túng quá, một số địa phương tiếp tục xin Trung ương đầu tư thêm để trồng lúa nhiều hơn nữa, và cũng lại được kinh phí nhà nước rót về. Suy cho cùng, chúng ta thấy sự lúng túng này xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là địa phương không biết trồng cây gì, nuôi con gì thay thế một hay hai, hay ba vụ lúa trong năm?
Dù có biết cây gì, con gì thì lại không biết ai tiêu thụ? Bây giờ mới vỡ lẽ: không thấy bóng dáng doanh nhân nào trong chuỗi phát triển kinh tế mới này thì không thể nào thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, và lời nói của bác Hồ về nông dân và nông nghiệp sẽ tiếp tục không ai thực hiện.
Tôi thấy rằng, xưa kia tổ tiên mình nói “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” vì lúc ấy là thời chiến. Thời kinh tế ngày nay, ta phải nói “Quốc gia hưng vong, doanh nhân hữu trách”. Các nhà kinh tế lớn của thế giới đã xác định ba chủ thể của sự quản trị một quốc gia là: “Nhà nước - người lao động sản xuất - doanh nhân”. Vai trò doanh nhân trong cái kiềng ba chân này nếu bị lu mờ thì người lao động không thể phát triển giàu lên được.
Bổn phận của Nhà nước là có chính sách và hành động để khuyến khích giúp đỡ doanh nhân hoạt động cho thật tốt, đạt lợi nhuận cao thì cả khu vực lao động có đầu ra ổn định, giàu lên. Cả hai khối doanh nghiệp và lao động cùng giàu, đóng thuế nhiều cho ngân sách, Nhà nước giàu.
Nhưng ở nước ta hiện tại, mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp và nông dân, nhưng trong quá trình thực thi thì vẫn còn quá nhiều thủ tục khó khăn khiến hai khu vực này chưa phát huy tiềm năng.
Mặc dù hiện nay Việt Nam cũng có vài doanh nghiệp đại gia, nhưng chưa thấm thía gì cho ngân sách nhỏ bé của nước ta. Nhà nước, cán bộ có trách nhiệm của Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn, thay vì làm khó dễ các thủ tục, cho các doanh nghiệp nước ta phát triển thành công thì họ mới đóng góp nhiều thuế cho ngân sách.
Link bài viết
Doanh nhân thành công, nông dân và nông nghiệp mới giàu mạnh
Những nhà đầu tư nước ngoài đều đặt hy vọng vào thị trường 92 triệu dân Việt Nam, tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại làm lơ được. Trước mắt, quan sát thị trường nông sản: người tiêu dùng thích mua trái cây nhập từ Mỹ, Úc, Nhật Bản giá cao vì họ tin tưởng vào an toàn thực phẩm. Họ cũng thích ăn gạo Thái hoặc gạo Campuchia vì ngon và an toàn. Tại sao doanh nghiệp ta không làm được vậy? Ta cứ để cho nông dân sản xuất và thương lái thu gom thì làm sao có nguyên liệu ngon và an toàn?
Dĩ nhiên, trong thời gian qua có nhiều trục trặc bẻ kèo nhau, nhưng chúng tôi nghĩ khi có Luật HTX nông nghiệp hấp dẫn và hợp lý hơn, thì mỗi HTX nông nghiệp sẽ là một chuỗi cung ứng nguyên liệu nông sản ngon và an toàn cho doanh nghiệp làm thương hiệu và tiêu thụ trong nước. Ví dụ, hiện nay ta đã có giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới. Gạo này hiện nay bán tại nơi sản xuất đã được giá 27.000 đồng/kg, đưa ra đến Hà Nội giá lên gần 35.000 đồng/kg. Tính ra, giá đó tương đương 1.200 - 1.500 USD/tấn ở nội địa mình, làm sao xuất khẩu được giá đó?
Tương tự như vậy, đối với trái cây nhiệt đới mà miền Nam rất phong phú, ít có doanh nghiệp đứng ra trực tiếp tổ chức với nông dân trồng, mà chỉ để nông dân tự phát rồi thương lái thu mua mà thôi, làm sao nông dân giàu bền vững được? Rất may, chúng ta có vài doanh nghiệp rất giỏi, biết ký hợp đồng dài hạn với khách hàng lớn rồi tổ chức nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, không vi phạm hóa chất cấm, giúp nông dân có đầu ra ổn định giá tốt, mà công ty lại có nguyên liệu tối hảo để cung cấp cho khách hàng không bao giờ bị trả về.
Ngày Tết, nói chuyện doanh nhân và nông dân để nhớ đến lời nói của Bác Hồ. Chúng ta mong sao Nhà nước có chính sách và hành động mới hơn nữa cho doanh nhân phát triển thật thành công thì nông dân và nông nghiệp nước ta mới giàu mạnh. Nghị quyết 120/NQ-CPnăm 2012 được xem như cơ sở chính sách bước đầu toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện câu nói của Bác Hồ “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”.