Làng nghề rau nhút miền Tây tất bật xuyên Tết

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 27/01/2020

Ông Nguyễn Văn Hùng, người đã có 5 năm trồng rau nhút kể: “Loại rau nầy khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, mùa mưa hay nắng đều phát triển tươi tốt.

Không như một số làng nghề trồng rau màu khác sẽ nghỉ "xả hơi” sau thời gian chạy nước rút cung cấp sản phẩm phục vụ thị trường, làng nghề rau nhút ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lại tất bật xuyên Tết trong sự phấn khởi của hàng trăm người chuyên canh loại rau nầy.

IMG-3255-4202-1580124618.jpg

Lý giải về sự tất bật suốt những ngày Tết, bà Văn Thị Tuyết cho biết: "Năm nay, người tiêu dùng ưa chuộng loại rau này quá nhiều, nên thương lái đề nghị cung cấp liên tục trong những ngày Tết với giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với ngày thường. Vậy nên cả ấp làm luôn. Cực nhưng lãi nhiều hơn”.

Nhớ lại trước đây, trong khi người trồng rau loay hoay lựa chọn cây gì để có nguồn thu nhập cao, không bị dội hàng, nhẹ công chăm sóc, thì hàng chục nông dân tại ấp Hồi Trinh lại rất thành công với mô hình trồng rau nhút - loại rau đã và đang mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây từ nhiều năm qua. Hồi Trinh cũng là nơi được xem là "vương quốc” rau nhút của tỉnh Vĩnh Long với hơn 150ha.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp phấn khởi nói: "Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương từ việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng phù hợp với đặc điểm đất vùng trũng như Xuân Hiệp, phù hợp với khả năng lao động của người dân; không phải bỏ nhiều chi phí đầu tư; có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Chúng tôi đang mở rộng mô hình hiệu quả này”.

Theo nhiều nông dân tại Hồi Trinh, trước đây người dân chỉ chuyên trồng lúa hay trồng một số loại cây ăn trái như cam, bưởi, xoài nhưng hiệu quả thấp vì mặt đất thấp nên thường xuyên ngập úng. Từ khi thực hiện mô hình trồng rau nhút thì hiệu quả kinh tế tăng từ 7 - 10 lần, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo vươn lên khá giàu, từ đó kéo theo xây dựng nhiều nhà kiên cố, các tuyến đường giao thông nông thôn hoàn chỉnh, các thiết chế văn hóa khang trang sạch đẹp…trong đó sức dân đóng góp là rất lớn từ nguồn thu nhập khá ổn định từ rau nhút.

IMG-5121-4367-1580124618.jpg

Ông Phan Văn Sành, một trong những người tiên phong thực hiện mô hình nầy kể lại: "Tôi cứ suy nghĩ, vì sao mình không chọn mô hình nào phù hợp với thói quen canh tác; phù hợp với đất trũng quê mình nhưng phải có đầu ra ổn định, ít bị rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và phù hợp với "túi tiền” của nông dân khi bắt đầu thực hiện. Sau khi tham khảo một số mô hình khác nhau, tôi chọn rau nhút để trồng thử nghiệm và phát triển mạnh cho đến hôm nay”.

Hiện nay, anh Sành đang sỡ hữu trên 10 công đất trồng rau nhút, với giá bán hiện từ 15.000 - 17.000đ/kg, bình quân mỗi ngày anh có trong tay từ 800.000 - 1.000.000đ tùy thuộc giá thị trường.

Thấy mô hình ăn nên làm ra của anh nên hàng chục nông dân trong ấp đã đến tham quan, học tập, làm theo trên 7 năm qua và tất cả đều thành công. Hiện nay, bình quân ấp Hồi Trinh cung cấp ra thị trường từ 4 - 4,5 tấn rau nhút tùy theo đơn đặt hàng của thương lái. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là TP. HCM, các tỉnh miền Đông nam bộ

Ông Nguyễn Văn Hùng, người đã có 5 năm trồng rau nhút kể: “Loại rau nầy khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, mùa mưa hay nắng đều phát triển tươi tốt. Hồi đó trồng theo phương thức truyền thống (găm rễ xuống mặt đất) hiệu quả không cao lại tốn kém vật liệu bao chắn xung quanh các gốc rau; từ khi ông Phan Văn Sành nghiên cứu cách trồng cho rễ nổi trên mặt nước thì hiệu quả tăng từ 3 - 4 lần. Nhà tôi có 5 công rau nhút, bình quân mỗi năm trừ hết chi phí đầu tư, tôi còn lãi từ 170 đến 200 triệu, cao gấp 10 lần so với làm lúa, nhờ vậy mới cất được căn nhà trên 500 triệu và mua sắm phương tiện đi lại, giải trí rất thoải mái”.

Nhiều người trồng rau nhút ở Hồi Trinh cho biết, quan trọng nhất là không để nguồn nước bị ô nhiễm vì sẽ làm chúng kém phát triển và chết rất nhanh, nhất là vào thời điểm mưa dầm. Thường mỗi tháng thu hoạch rau 2 lần (mỗi lần cách nhau 12 - 15 ngày). 

IMG-2103-7598-1580124619.jpg

Sau thu hoạch sẽ rãi phân để chúng hồi sức tăng trưởng. Loại rau này chỉ phát triển mạnh ở phần ngọn mà không phải ở phần gốc như nhiều loại rau màu khác, vì vậy nếu trồng quay bộ rễ chúng lên trên sẽ phù hợp hơn và giúp chúng không bị thối rễ vì ngâm lâu trong nước. Nhiều người trồng còn linh động khi dùng các ống nhựa để cố định các bộ rễ thay vì dùng các cây tre, tầm vông, dây kẽm như trước vừa tiết kiệm chi phí lại vừa tăng năng suất.

Không chỉ giúp hàng chục nông dân làm giàu, rau nhút còn tạo công ăn việc làm quanh năm cho hàng trăm lao động tại chỗ với mức thù lao từ 180.000 đến 220.000đ/người/ngày tùy công việc cụ thể. Ở những ngày mùng 1 đến mùng 6 tết năm nay tiền công sẽ là 250.000 đến 300.000đ/người/ngày.

Đơn giản, dễ làm, thu nhập cao, không cần nhiều vốn, không quan ngại trước thời tiết diễn biến bất thường, đầu ra nhanh chóng, thuận lợi, giá cả ổn định, đó là những ưu điểm để người dân ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp mạnh dạn chọn rau nhút để làm giàu. Tết này người dân Hồi Trinh đã có một cái tết sung túc, ấm no hơn bao giờ hết.

Phan Minh Huy