Nông nghiệp Việt Nam trên đường "chào sân" EVFTA
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:00, 28/01/2020
EVFTA sẽ giúp rau và trái cây giảm 520 trong số 556 dòng thuế để tụt xuống 0%, trong khi 85,6% và 93% dòng thuế áp dụng tương ứng cho rau và trái cây chế biến cũng sẽ giảm xuống 0%. |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định toàn diện cao mà Việt Nam ký với 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Mặt khác, đây là hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển.
Điều này thể hiện sự đánh giá cao của EU đối với Việt Nam và EU xem đây là mô hình cho các nước đang phát triển mà sắp tới EU sẽ đàm phán để ký FTA. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến sẽ là động lực rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cũng như các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Lộ trình cắt giảm thuế
Ngày 30/6/2019, EVFTA và IPA (Hiệp định bảo vệ đầu tư) được ký chính thức tại Hà Nội. Hai thỏa thuận sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu (EP) để được chấp thuận. EVFTA dự kiến sẽ được EP phê duyệt vào đầu năm 2020. Trong khi đó, sẽ mất ít nhất hai năm để IPA được phê chuẩn bởi EP và các nghị viện thành viên.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN với giá trị thương mại gần 50 tỷ EUR (khoảng 56 tỷ USD). Việt Nam và Singapore là hai nền kinh tế ASEAN có hiệp định thương mại sâu rộng, toàn diện với EU, và lợi ích sẽ mang lại cho Việt Nam trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm và nông nghiệp.
Sau khi thỏa thuận thương mại có hiệu lực, EU sẽ loại bỏ khoảng 85,6% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, tương đương 70,3% doanh thu của Việt Nam từ xuất khẩu sang EU.
Trong vòng 7 năm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, EU sẽ loại bỏ 99,2% thuế quan, tương đương 99,7% doanh thu của Việt Nam từ xuất khẩu sang EU. Về 0,3% doanh thu xuất khẩu Việt Nam còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế suất, với thuế suất thuế nhập khẩu được đặt ở mức 0% trong hạn ngạch.
Ở chiều ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết cắt giảm 48,5% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (chiếm 64,5% doanh thu nhập khẩu). Sau 7 năm, 91,8% dòng thuế, tương đương 97,1% doanh thu xuất khẩu của EU, sẽ được Việt Nam xóa bỏ. Sau 10 năm, khoảng 98,3% dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu) sẽ bị cắt giảm. Đối với 1,7% số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế suất theo các cam kết của WTO hoặc một lộ trình đặc biệt để xóa bỏ thuế quan.
Thách thức rất lớn
Khi gia nhập EVFTA, các thách thức mà nông nghiệp Việt Nam dễ gặp là:
- Nông dân và doanh nghiệp (DN) nhỏ không có tiềm lực tài chính, họ luôn tìm cách để thu lại thật nhanh số tiền đầu tư, nên chưa quan tâm nghiêm túc đến an toàn thực phẩm, cũng như chất lượng.
- Nông sản Việt cơ bản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, nên giá trị gia tăng không nhiều, không bán được giá cao. Các DN, cơ sở chế biến còn nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ.
- Cạnh tranh gay gắt của các nước có lợi thế về hàng hóa nông sản xuất khẩu tương tự như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... về giá cả, mẫu mã, chất lượng, chủng loại mặt hàng.
- Đầu tư từ các DN FDI sẽ cạnh tranh mạnh mẽ và áp đảo các DN trong nước. Việc điều chỉnh khung pháp lý theo hướng bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực thi các yêu cầu về môi trường và lao động sẽ làm tăng chi phí, trách nhiệm của DN, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Cà phê Việt Nam có thể cạnh tranh để xuất khẩu vào EU. |
- Sự thiếu thông tin của các DN về chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật sẽ tạo ra những hạn chế khi có tranh chấp với nước ngoài.
- Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế; công tác nghiên cứu, dự báo thị trường mặc dù đã có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết, chưa song hành và hỗ trợ kịp thời DN trong các hoạt động tiếp thị, xúc tiến bán hàng.
- Những biện pháp phi thuế quan có ý nghĩa quan trọng trong khu vực nông nghiệp gồm yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; truy xuất nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất là thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
- Những hạn chế từ giá nguyên vật liệu, năng lượng, vận chuyển cao cho đến các tiêu chuẩn chất lượng cao cho thấy ngành chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác để tiếp cận thị trường EU.
- Chưa có quy trình chuẩn hóa cho sản xuất và xuất khẩu từng sản phẩm nông sản cụ thể, xuất khẩu sản phẩm mang tính tự phát, xa rời nhu cầu thị trường, đầu tư phân tán, kém hiệu quả, chủ yếu cung cấp tại thị trường nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, khó tiếp cận thị trường quốc tế.
Cơ hội không nhỏ
Bên cạnh các thách thức lớn, DN trong nước cũng đón nhận nhiều cơ hội khi xuất khẩu Việt Nam bước vào "ngôi nhà" EVFTA.
- Hiệp định sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU, đồng thời giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.
- Nước ta có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
- Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ châu Âu. |
- Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ châu Âu. Bên cạnh đó, EU sẽ xuất khẩu vào Việt Nam các dịch vụ chất lượng cao và các DN Việt Nam sẽ trở nên có khả năng cạnh tranh cao hơn trong dài hạn.
- EU cũng đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho các mặt hàng của Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa đã được hưởng GSP, khi tham chiếu sang FTA sẽ không bỏ ưu đãi đó, nói cách khác là sẽ được hưởng lợi theo mức cao nhất. Điều này có tầm quan trọng rất lớn đối với Việt Nam khi chỉ có 42% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Đề án ưu đãi tổng quát.
- Việt Nam có thế mạnh ở một số ngành hàng nông sản, có thể cạnh tranh trực tiếp với các ngành tương tự ở EU như cà phê rang, cà chua, đường, gạo. Cà phê chế biến không thuộc những nhóm hàng nhạy cảm nên chắc chắn sẽ được hưởng thuế suất 0% sau 7 năm.
- EVFTA sẽ giúp tăng doanh thu của Việt Nam từ xuất khẩu sang EU khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% năm 2025; 44,37% vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ thấp hơn so với xuất khẩu, đạt khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025; 36,7% vào năm 2030.
- Với các cam kết bãi bỏ gần 100% thuế nhập khẩu theo thỏa thuận của hai bên, có nhiều cơ hội lớn để tăng xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, nông sản và hải sản (bao gồm gạo, đường, mật ong, và rau quả), các sản phẩm gỗ và những thứ khác.
Với EVFTA, ngành chịu nhiều thách thức nhất là nông nghiệp, sẽ phải thay đổi để bước vào "ngôi nhà" châu Âu. |
- Nhiều mặt hàng thủy sản được giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, mặt hàng nào lâu thì cũng chỉ tối đa ba năm sau khi hiệp định có hiệu lực, thuế sẽ về 0% như con cá tra, tôm. Như vậy, các DN ngành này sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu USD tiền thuế mỗi năm.
Trong thời gian đầu, không thể tăng xuất khẩu tôm, cá tra, dệt may, mà để làm được điều này, DN Việt cần chuẩn bị tốt các chuẩn mực về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, môi trường. Thuế suất về 0% sau 7 năm với cá da trơn, tôm nước ấm.
Giờ đây, EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam với mức thuế chung của Hệ thống ưu đãi (GSP) lần lượt là 4,2% và 7%. Với các mức thuế quan đó, Việt Nam đã có lợi thế so với hai nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc, bởi vì hai quốc gia này không được hưởng thuế quan GSP của EU. Tôm chế biến sẽ có biểu giảm thuế 7 năm, không bao gồm cá ngừ đóng hộp và cá viên với hạn ngạch thuế quan là 11,5 tấn mỗi loại.
- Thuế đối với gạo sẽ được giảm xuống 0% sau 3-7 năm; rau và trái cây sẽ được giảm 520 trong số 556 dòng thuế để tụt xuống 0%, trong khi 85,6% và 93% dòng thuế áp dụng tương ứng cho rau và trái cây chế biến cũng sẽ giảm xuống 0%. Ngoài ra, Việt Nam sẽ cấp đăng ký và bảo hộ cho hơn 160 chỉ dẫn địa lý (GI) của EU, trong khi EU sẽ thực hiện tương tự với 39 GI Việt Nam.
Tất cả chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến thực phẩm và nông sản. Quá trình bảo vệ GI cho các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ sẽ có tác động tích cực đến nhận thức, sự chú ý và đầu tư của người dân vào nguồn lực địa phương, danh tiếng và giá trị của các sản phẩm được bảo hộ.
Giải pháp cho tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức
Nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) cần đặt hàng các cơ quan, tổ chức (trường đại học, viện nghiên cứu...) xây dựng quy trình chuẩn cho việc sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ (organic) chủ lực của Việt Nam trên cơ sở Chương trình quốc gia về phát triển các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
- Xác định quy mô thị trường trong ngắn hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược phát triển nguồn hàng nông sản organic (quy hoạch vùng nguyên liệu, giống cây con, phương thức canh tác, thu hoạch, chế biến...).
- Xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và thị trường xuất khẩu. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp, phá hoại môi trường, cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín nông sản Việt Nam.
- Nghiên cứu việc thành lập các kho ngoại quan, trung tâm logistics ở nước ngoài để hỗ trợ DN tập kết, phân phối hàng hóa đến các thị trường quốc tế với chi phí thấp.
- Xây dựng và thúc đẩy hợp tác giữa "5 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tài trợ vốn (ngân hàng, tổ chức tín dụng không là ngân hàng...) và nhà nông trong quá trình sản xuất và xuất khẩu các nông sản hữu cơ chủ lực.
- Cần kêu gọi nhiều nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là sau khi thu hoạch. DN trong nước nên tăng cường chế biến sâu, nông dân nên chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác bền vững.
(*) Tác giả là Tiến sĩ khoa học, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM