Tín dụng xanh
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 30/01/2020
Ngay từ ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực tham gia xây dựng hệ thống tài chính xanh gồm 5 thành tố: tín dụng xanh; trái phiếu xanh; cổ phiếu xanh; quỹ tài chính xanh; bảo hiểm xanh, nhằm huy động và khuyến khích nguồn lực xã hội đầu tư vào các ngành sản xuất xanh, giảm bớt các khoản đầu tư gây ô nhiễm môi trường. Tài chính xanh có hai chức năng chủ yếu là thúc đẩy phát triển các ngành “sản xuất xanh” và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án ít gây rủi ro đối với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường, các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.
Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã chuyển hướng triển khai các gói tín dụng hướng vào tăng trưởng xanh, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, dự án thân thiện với môi trường... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định, các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng cần tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. NHNN đã phối hợp với IFC xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong 10 ngành cụ thể (nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại) nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện để phục vụ cho công tác thẩm định, ra quyết định cấp tín dụng.
Theo một số chuyên gia trong nước, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện được mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2020, trong đó 70% là từ khu vực ngoài nhà nước. Việc sử dụng khung chính sách tài chính xanh tích hợp, kết hợp với các sản phẩm và công cụ tài chính xanh để xây dựng các chương trình tín dụng xanh quốc gia, các đề án trái phiếu xanh, chỉ số xanh sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh một cách toàn diện và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững. Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng dự báo, Việt Nam đến năm 2020 có thể giảm thiểu được 85,12 triệu tấn CO2 và 197,9 triệu tấn CO2 vào năm 2030 nhờ phần đóng góp quan trọng của tín dụng xanh nói riêng và tài chính xanh nói chung.
NHNN Việt Nam, từ đầu năm 2015 đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các NHTM thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, gắn tăng trưởng tín dụng xanh với quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Các TCTD cần tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện: (i) Bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) Sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; (iii) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (v) Sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đến đầu năm 2017, NHNN ban hành tiếp Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và thị trường bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc hơn nữa. Theo NHNN, trong quý IV/2017, dư nợ tín dụng xanh đạt 180.121 tỷ đồng, đến quý III/2018 đạt tới 235.717 tỷ đồng và cuối quý I/2019 lên mức 242.355 tỷ đồng (trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, chiếm 77%, cho vay ngắn hạn 54.000 tỷ đồng). Đến cuối tháng 5/2019, riêng cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch đạt dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 17.000 khách hàng có dư nợ. Tuy tỷ trọng còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, nhưng tín dụng xanh có xu hướng tăng ngày càng nhanh.
Nhìn chung, phần lớn nguồn vốn tín dụng cho các dự án xanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc một phần từ nguồn tài chính nhà nước thông qua các quỹ của Việt Nam, sự đóng góp trực tiếp của các NHTM còn khiêm tốn do: (i) Nhận thức về ngân hàng xanh, tín dụng xanh còn hạn chế; (ii) Thiếu khung pháp lý hỗ trợ tín dụng xanh, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành, cơ chế động lực cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp phát triển tín dụng xanh; (iii) Thiếu các quy định về thẩm định, tiêu chí và cơ chế đánh giá quản lý rủi ro, việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, việc xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm; (iv) Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; (v) Chi phí ngân hàng đầu tư lớn, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong dài hạn do các dự án vay vốn tín dụng xanh thường có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư dài; (vi) Doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng; (vii) Doanh nghiệp thiếu thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh; (viii) Thời gian xin cấp tín dụng xanh dài, thủ tục vay vốn phức tạp; (ix) Thiếu tài sản đảm bảo do khoảng 90% doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ.