WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona
Quốc tế - Ngày đăng : 00:30, 31/01/2020
Các nhân viên y tế cấp cứu một bệnh nhân ở bệnh viện tại Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
"Nguyên nhân đằng sau quyết định này không phải đến từ tình trạng đang diễn ra tại Trung Quốc, mà là tình trạng đang diễn ra tại những quốc gia khác", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Động thái trên của WHO diễn ra khi số ca nhiễm nCoV gia tăng chóng mặt, lên đến hơn 9.000 ca trên toàn thế giới, vượt qua số ca nhiễm Hội chứng Hô hấp cấp nặng SARS trong năm 2002-2003, theo SCMP.
Đến dự cuộc họp khẩn của WHO, đại diện Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, đã có 7.711 trường hợp xác nhận dương tính với nCoV và 12.167 trường hợp còn đang nghi ngờ tại Trung Quốc. Trong đó, 1.370 ca có tình trạng nguy hiểm, 170 trường hợp tử vong, 124 bệnh nhân đã hồi phục và được cho ra viện.
Ngoài ra, đại diện WHO cũng cho biết đã có 83 trường hợp mắc bệnh tại 18 quốc gia ngoài Trung Quốc. Trong đó, chỉ 7 trường hợp chưa từng đi đến Trung Quốc, 3 trường hợp lây nhiễm từ người sang người, 1 trường hợp nguy hiểm, và chưa có trường hợp tử vong.
"Trong những tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và, nhiều nước cũng đã phản ứng với mầm bệnh này theo những cách chưa từng có trước đây", ông Ghebreyesus nói.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều 30/1 (giờ địa phương) - Ảnh: Reuters |
Vị Tổng giám đốc cũng nói rõ, tuyên bố của WHO không đồng nghĩa với việc tổ chức này không tin tưởng khả năng phòng bệnh của Trung Quốc, song điều WHO lo ngại nhất hiện nay chính là việc nCoV lan đến các quốc gia khác có hệ thống y tế yếu hơn.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO về một cuộc khủng hoảng y tế ở mức toàn cầu, thường dùng cho những dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng hành động.
Theo tờ New York Times, tuyên bố của WHO không có giá trị về mặt pháp lý, song là lời cảnh báo đến tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc về tình trạng hiện nay.
Các quốc gia theo đó sẽ tự quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, lọc khách tại cảng hàng không hoặc thực thi những biện pháp bảo vệ khác hay không. Dù vậy, theo ông Ghebreyesus, không có lý do gì để hạn chế hoạt động du lịch hoặc thương mại với Trung Quốc vì nCoV.
Được biết, đây là lần thứ 6 WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Những lần tuyên bố trước được đưa ra đối với dịch cúm H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt bùng phát trở lại và dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch virus Zika năm 2016 và dịch Ebola ở Congo năm 2019.
Theo ông Ghebreyesus, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp luôn là một quyết định khó khăn, vì hành động đóng cửa biên giới và hủy chuyến bay có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Hiện, một số quốc gia đã bước đầu phát triển được vắc xin ngừa nCoV, song còn cần thời gian thử nghiệm trên động vật trước khi có thể sử dụng cho con người. Ước tính, thời gian bình quân để vắc xin ngừa nCoV có thể sử dụng được trên người là khoảng 1 năm.
Từ chiều 27/1/2020, Bộ Y tế Việt Nam đã ra mắt bản tin cập nhật về tình hình phòng, chống dịch viêm phổi cấp do nCoV trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (https://www.moh.gov.vn/) và trang chủ của Báo Sức khỏe và Đời sống, đồng thời công bố 3 số điện thoại đường dây nóng gồm 19003228, 0989671115 và 0963851919 để tiếp nhận thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và tư vấn cách phòng chống dịch. |