Thời trang Việt bước ra thế giới
Phong cách sống - Ngày đăng : 07:00, 31/01/2020
- Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn ra mắt bộ sưu tập Power
- Zilingo mua lại Công ty Phần mềm nCinga Innovations
- Thời trang thay đổi từ khi ta... chưa kịp biết?
- 6 điều chưa biết về NTK Nguyễn Công Trí
Cách đây 15 năm, thời trang Việt chỉ được thế giới biết đến qua phim ảnh hoặc những buổi giao lưu hữu nghị giữa các quốc gia. Áo dài là trang phục phổ biến nhất, đến độ các nhà thiết kế (NTK) lao vào cuộc cách tân liên tục. Những cuộc tranh luận dữ dội cũng bắt đầu từ đây. Ở góc độ kinh tế, thời trang Việt chỉ được biết đến qua những sản phẩm gia dụng, gia công xuất đi các nước...
Bước sang thập niên 2000, câu chuyện bắt đầu đổi khác. Đó là một quá trình gieo hạt, ươm mầm từ những cây đa, cây đề và nỗ lực không ngừng của các NTK. Vietnam Collection Grand Prix, cuộc thi chuyên về thời trang do NTK Minh Hạnh tổ chức được xem là có sức ảnh hưởng nhất. Cuộc thi này đã phát hiện ra nhiều tài năng thiết kế như Nguyễn Công Trí, Lê Thanh Phương, Trương Anh Vũ, Đặng Thế Huy, Hải Long...
Những sân chơi dành riêng cho thời trang cũng lần lượt ra đời. Từ Vietnam’s Next Top Model dành cho giới người mẫu, đến Project Runway dành cho nhà thiết kế. Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam ra đời không lâu sau đó, Việt Nam gia nhập sân chơi thời trang dành cho Hiệp hội các nhà thiết kế châu Á. Thời trang Việt đi vào guồng quay hối hả. Các công ty về người mẫu như Elite, BeU Model hoạt động mạnh mẽ. Các công ty mới liên kết với công ty quốc tế hình thành như Nomad MGMT. Bên cạnh đó là viện đào tạo người mẫu mọc lên như nấm ở hai miền Nam - Bắc.
Cuối thập niên 2000, bộ mặt thời trang Việt rục rịch thay đổi. Các tạp chí thời trang quốc tế đổ xô vào Việt Nam. Elle, Bazzar’s, L’Officel, Cosmopolitan, Esquire... liên tục cập nhật các xu hướng thời trang mới nhất đang diễn ra trên thế giới. Các show diễn chuyên về thời trang xuất hiện, tạo sân chơi cho rất nhiều NTK trẻ.
Tiếp đó, các show diễn cá nhân quy mô thành hình. Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, Phương My, Lê Thanh Hòa, Lâm Gia Khang, Thủy Nguyễn, Chung Thanh Phong, Li Lam, Vũ Ngọc & Son... và nhiều cái tên nữa, tạo nên một diện mạo sôi động chưa từng thấy.
Nền tảng mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ tạo nên độ lan tỏa và thành công cho những thương hiệu này. Người mặc bắt đầu quan tâm đến xu hướng, chờ đợi thiết kế mới từ các NTK, khái niệm mùa thời trang xuất hiện.
Sự đổ xô của các hãng thời trang nhanh như Mango, H&M, Zara, Uniqlo... các thương hiệu cao cấp như Chanel, Gucci, Cartier, Giovanni, Calvin Klein, Moschino... vào Việt Nam, với các cửa hàng hoành tráng ở những trung tâm thương mại đắt đỏ cho thấy một diện mạo sôi động, hấp dẫn của thị trường thời trang Việt. Trong dòng chảy hướng đến châu Á của thời trang thế giới, cùng những dịch chuyển tích cực của thời trang trong nước, một số NTK đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Sự phát triển của thời trang Việt, cùng với sự bùng nổ của Internet, các NTK trong nước đã cho thấy những bước tiến ngày càng trưởng thành trong việc chinh phục thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
NTK Công Trí
Công Trí bước ra thế giới, khởi đầu với bộ sưu tập (BST) Em hoa ra mắt tại Tokyo Fashion Week. Đầu năm 2019, Công Trí đến với sàn diễn New York Fashion Week, đánh dấu sự gia nhập thị trường này. Từ lúc khởi dựng thương hiệu, hướng đi của Công Trí luôn thống nhất: “mượn” người nổi tiếng quảng bá sản phẩm. Trước là những ngôi sao trong nước, hiện tại các mẫu thiết kế của anh được nhiều sao hạng A ở Hollywood chọn mặc, điều mà hiếm NTK nào mới xuất hiện làm được.
Công Trí khiêm tốn thừa nhận, anh là người may mắn trước những thành công bất ngờ: “Trong cuộc sống, tôi thường vẽ viễn cảnh thất bại và sống thế nào trong thất bại đó. Làm được như vậy, thành công sẽ chắc chắn hơn”.
Chuyên viên trang điểm Hung Van Ngo và các stylist giới thiệu mẫu thiết kế của tôi đến các ngôi sao là một chuyện, còn họ muốn mặc hay không lại là chuyện khác. Số lượng các thiết kế của tôi được các sao mặc, chỉ bằng một nửa số đồ tôi gởi đi. Có những người thấy chưa phù hợp nên họ chưa dùng. Có người đồng ý mặc rồi nhưng lại đổi ý phút chót.
“Với vị trí và bấy nhiêu kinh nghiệm, ở Việt Nam tôi có thể tự hào nhưng ở thị trường nước ngoài, tôi không là ai cả. Tôi biết phải kiên nhẫn, không bao giờ bỏ cuộc. Tôi phải vượt qua rào cản về tâm lý trước rồi mới động viên ê kíp được. Tôi hiểu mình chỉ là nửa hạt cát trên sa mạc thôi, phải nghĩ như vậy mới cố gắng được”, Công Trí chia sẻ.
NTK Phương My
Phương My chọn một hướng đi khác, bắt nguồn từ những mối quan hệ lúc cô còn là sinh viên, trở thành thực tập sinh và stylist tại các tạp chí thời trang thế giới. Kiến thức, kinh nghiệm, tài năng và lòng quyết tâm đã đưa thương hiệu Phương My chinh phục thị trường thời trang với 30 cửa hàng đặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu được xuất hiện tại nhiều tuần lễ thời trang và tạp chí quốc tế uy tín nhắc đến như Collezioni Haute Couture - tạp chí thời trang cao cấp hàng đầu của Ý, mỗi năm chỉ phát hành 4 lần nhằm tổng hợp thông tin thời trang cao cấp nổi bật trên thế giới từ các sàn diễn Paris, Milan, Dubai, Sao Paulo, Tokyo...
“Cú đáp” của Phương My tại New York Fashion Week 2019 sau ba lần mạnh dạn từ chối, không còn là một cuộc dạo chơi hay quảng bá thương hiệu mà là lời khẳng định: Cô đã có những bước chuẩn bị chắc chắn chinh phục thị trường này. Phương My khắc họa hình ảnh người phụ nữ Á Đông, vừa mềm mại, dịu dàng, tinh tế, vừa quyến rũ và mạnh mẽ.
“Câu hỏi mọi người đặt ra là Phương My chuẩn bị gì hoặc sẽ mang gì đến tuần lễ thời trang New York? Thế nhưng, để làm một thương hiệu, câu hỏi của chúng tôi lại là: New York Fashion Week mang đến điều gì cho Phương My? Nếu nói như cách thứ nhất thì mục tiêu của Phương My là New York Fashion Week. Thật ra, đó chỉ là bước khởi đầu để mở ra những câu chuyện mới. Câu chuyện mới đó mở ra ra sao, Phương My sẽ bước tiếp thế nào nằm ở việc sau diễn show, chúng tôi có mở được thị trường mới không, sản phẩm sẽ bán vào những đâu. Nếu không trả lời được câu hỏi đấy, Phương My cũng chỉ là kẻ mang chuông đi đánh xứ người. Tham gia tuần lễ thời trang quốc tế rồi về bán đồ ở Việt Nam thì không cần thiết”, Phương My cho hay.
NTK Thủy Nguyên
Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 2006, Thủy Nguyễn sang Ukraine học 8 năm và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Mỹ thuật tại Kiev, Ukraine. Sau khi về Việt Nam, chị bất ngờ lấn sân lĩnh vực thời trang và ghi dấu ấn bởi những BST vừa đậm hồn Việt (như đưa tranh Đông Hồ làm họa tiết áo dài), vừa hiện đại mà vẫn giữ dấu ấn cá nhân rạng rỡ.
Tháng 9/2019, Thủy Nguyễn có hai buổi giới thiệu BST tại New York Fashion Week và Paris Fashion Week. Tại Mỹ, chị có show diễn cùng các nhà thiết kế độc lập khác tại Pier59 Studios, từng là địa điểm tổ chức của những thương hiệu nổi tiếng như Miu Miu, Victoria’s Secret, Vera Wang, Marc Jacobs...
Tại Pháp, Thủy Nguyễn giới thiệu BST dưới hình thức thuyết trình cho khách hàng và báo chí (fashion presentation). Khác với fashion show, hình thức này giúp chị có cơ hội kể về ý tưởng, điểm nổi bật, quá trình thực hiện, từ đó tạo sự liên kết, giúp người xem có những đánh giá cụ thể hơn.
Ở BST này, Thủy Nguyễn sử dụng phom dáng, đường cắt cúp đơn giản trên nền gấm in hoa rực rỡ cho khách hàng Âu - Mỹ. Thủy Nguyễn nhận xét: “Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ưa chuộng gấm, các tông màu rực rỡ, họa tiết bay bổng. Trong khi đó, chất liệu của phương Tây thiên về sự đơn giản, trung tính. Tôi muốn mang những trải nghiệm mới lạ và bất ngờ về gấm đến người yêu thời trang quốc tế”.
“Thiết kế trang phục kiểu Tây để bán cho người Tây thì dễ dàng hơn. Thiết kế đồ mang nét văn hóa Việt cần có sự quan sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Các đánh giá và phản hồi của giới chuyên gia, báo chí sẽ giúp tôi điều chỉnh và tiếp tục phát triển”, Thủy Nguyễn chia sẻ.