Tài chính - ngân hàng năm 2020: Những diễn biến khó lường
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 06/02/2020
Kỳ vọng
Chính sách tiền tệ của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng theo xu hướng chung của ngân hàng trung ương các nước, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chống chọi với những rủi ro địa - chính trị, cũng như những sự kiện mang tính bất ngờ như dịch Corona. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 đặt ra mục tiêu 14%, tuy nhiên không loại trừ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh linh hoạt và mở rộng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong khi đó, sau nhiều lần giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2019, mặt bằng lãi suất năm 2020 được cho là sẽ tiếp tục ổn định, thậm chí kỳ vọng có thể giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều rủi ro và cạnh tranh ngày càng gia tăng. NHNN có thể lựa chọn công cụ giảm thêm lãi suất điều hành để định hướng thị trường và tạo nguồn vốn có chi phí rẻ hơn cho các nhà băng.
Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng có thể tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng (NH). Nhiều dự báo cho thấy, kết quả kinh doanh của các NH sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020, tiếp nối xu hướng đã đạt được trong hơn ba năm qua. Cùng với quy mô dư nợ tín dụng ngày càng mở rộng, hệ số sinh lời cải thiện khi chi phí vốn đầu vào ngày càng rẻ hơn, tiến độ xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt, các nhà băng tiếp tục nâng tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập lên cao hơn nhờ vào việc triển khai các sản phẩm mới như bancassurance, ngân hàng số...
Việc nguồn vốn không ngừng gia tăng, cả vốn huy động từ khách hàng lẫn vốn chủ sở hữu sau những giải pháp tăng vốn điều lệ thành công, đã giúp các NH nâng cao nội lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và có thêm nguồn vốn dồi dào phục vụ phát triển kinh doanh. Mới đây, ba NH là Vietcombank, Vietinbank và Agribank hứa sẽ tăng thêm vốn trong năm nay, tiếp nối việc tăng vốn của BIDV vào cuối năm 2019 sau thương vụ bán vốn khủng cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Chính sách nới lỏng tiền tệ với môi trường lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như đã nói, mà còn là điều kiện cần để duy trì sức mua của khu vực tư nhân, từ đó đóng góp cho đà tăng trưởng kinh tế, cũng như đảm bảo khả năng huy động vốn giá rẻ của Chính phủ thông qua thị trường trái phiếu. Trong năm 2019, lợi suất trái phiếu chính phủ liên tiếp rớt về mức thấp kỷ lục và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay, tạo điều kiện để Chính phủ có thể quay trở lại thời kỳ mở rộng chính sách tài khóa.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi với chính sách nới lỏng tiền tệ. Dù trong những ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, thị trường đã chịu tác động mạnh từ nỗi lo ngại dịch Corona lan rộng, VN-Index bị thổi bay hàng chục điểm.
Năm 2020 cũng là thời điểm đánh dấu thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang tuổi 20, với khá nhiều thông tin tích cực hỗ trợ trong thời gian tới, như cơ hội nâng hạng thị trường, Luật Chứng khoán sửa đổi được thi hành, dòng vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục rót ròng và các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước...
Cẩn trọng cũng không thừa
Dù vậy, trước những sự kiện “thiên nga đen” như dịch bệnh vừa qua, thì sự thận trọng của ngành NH trong năm nay cũng không thừa. Trong trường hợp dịch Corona lây lan mạnh và gây ra những thiệt hại nặng nề hơn, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực là điều có thể thấy trước. Thủ tướng Chính phủ đã cho biết có thể hy sinh tăng trưởng để đối phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.
Trong trường hợp dịch Corona lây lan mạnh và gây ra những thiệt hại nặng nề hơn, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực là điều có thể thấy trước. Thủ tướng Chính phủ đã cho biết có thể hy sinh tăng trưởng để đối phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.
Rõ ràng với vị trí địa lý nằm ngay cạnh Trung Quốc - là nơi phát sinh dịch Corona, đồng thời có quan hệ thương mại sâu rộng với nước này, những ảnh hưởng và tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam sẽ không hề nhỏ nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Đặc biệt với độ mở kinh tế ngày càng lớn, kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với xu thế giảm tốc trước hàng loạt rủi ro.
Với lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2019, dịch Corona có thể làm trì trệ sản xuất, thương mại, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. Giá vàng và USD tăng mạnh trong những ngày qua đã phần nào phản ánh nỗi lo ngại đó.
Ngoài thương mại, sản xuất, du lịch cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề và giảm sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Một nỗi lo ngại khác là khi kinh tế phát triển chậm lại, sản xuất, giao thương bị trì trệ sẽ làm gia tăng rủi ro nợ xấu đối với hệ thống NH, một yếu tố không bao giờ tốt cho nền kinh tế.