Đấu giá bản sao các kiệt tác hội họa
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 01:00, 08/02/2020
Cuối tháng 1/2010, tại nhà Sotheby’s ở New York (Mỹ), một loạt tác phẩm cổ điển đã được đưa lên sàn. Một nàng Mona Lisa khác, trông hệt như nhân vật trong kiệt tác của Leonardo da Vinci đã được chốt giá 106.250 USD (giá ước tính từ 60.000 - 80.000 USD). Tác giả là một họa sĩ khuyết danh ở Ý thế kỷ XVII, người nối gót Leonardo da Vinci, đã vẽ bức tranh này hơn một thế kỷ sau khi bậc thầy vĩ đại qua đời vào năm 1519.
Bức Thánh Jerome cầu nguyện ở chốn hoang vu của Leonardo da Vinci là báu vật của Bảo tàng Vatican, từng được Bảo tàng Metropolitan mượn để trưng bày nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của tác giả. Bản sao kiệt tác này được Sotheby’s đưa lên sàn và tin rằng đây là bản sao duy nhất mà người vẽ là một họa sĩ Ý thế kỷ XVI hoặc thế kỷ XVII, đã được bán với giá gõ búa 100.000 USD.
Tác phẩm bộ ba Khu vườn lạc thú trần gian - một bản sao kiệt tác của danh họa người Hà Lan Hieronymus Bosch (1450-1516), được chốt giá 118.750 USD.
Bức tranh sao chép tác phẩm Đức mẹ và Chúa hài đồng của Bernardino Luini (1842-1532) - một môn đệ sống cùng thời với Leonardo da Vinci được bán với giá 112.500 USD. Đây là mức giá rất cao so với giá ước tính ban đầu chỉ 20.000 - 30.000 USD.
Một bản sao bức Vinh quang của tửu thần Bacchus, nguyên tác của danh họa Tây Ban Nha Velázquez (1599-1660) được chốt giá 30.000 USD (giá ước tính 10.000 - 15.000 USD).
Ngoài các bản sao tác phẩm, nhà Sotheby’s còn đưa lên sàn tranh của các họa sĩ khuyết danh song là những môn đệ hay người nối gót các danh họa cổ điển.
Thường tranh sao chép được xem là tranh giả mạo. Tuy nhiên, các bản sao kiệt tác nói trên lại hoàn toàn hợp pháp, bởi theo ông Christopher Apostle - người phụ trách lĩnh vực tác phẩm các bậc thầy cổ điển của Sotheby’s: “Thông thường, bản sao là cách duy nhất để họa sĩ có thể truyền bá một tác phẩm nổi tiếng hay rất thành công của họ. Bản thân các họa sĩ đó có thể tổ chức một xưởng sáng tác, ở đó họ đưa ra các tác phẩm độc đáo và các môn đệ của họ vẽ các bản sao”.
Cho đến ngày nay, việc sao chép các kiệt tác thời Phục hưng hay Baroque vẫn là công việc thường xuyên trong đào tạo của các trường mỹ thuật, qua đó giúp sinh viên hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp mà họ sẽ theo đuổi suốt đời. Một số bức sao chép thậm chí còn được vẽ bởi chính học trò của các họa sĩ nổi tiếng như Leonardo da Vinci. Hầu hết tranh sao chép được thực hiện sau khi các bậc thầy đã khuất, tuy nhiên bức Thánh Jerome cầu nguyện ở chốn hoang vu lại được vẽ chỉ sau vài thập niên; còn bức tranh bộ ba của Hieronymus Bosch mới được sao chép trong thế kỷ vừa qua.
Dù là tranh sao chép song các bản copy nêu trên vẫn thu hút sự chú ý khi được đưa ra thị trường và có giá cũng không nhỏ. Chỉ mới năm ngoái, một bản sao chép bức Mona Lisa đã được bán trên sàn đấu giá của Sotheby’s và đạt mức giá đáng kinh ngạc: 1,7 triệu USD - giá kỷ lục của bức tranh sao chép.
Ông Christopher Apostle cho biết: “Khi thị trường của chúng tôi mang tính toàn cầu hơn, chúng tôi có nhiều hơn khách hàng ở các khu vực như châu Á và các thị trường mới nổi. Tôi nghĩ rằng một bức tranh sao chép rất thích hợp ở giai đoạn khởi đầu của nhà sưu tập, những người có thể mua tranh mà không phải bận tâm về bản chính của Leonardo da Vinci hay Caravaggio”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia - nhà tư vấn nghệ thuật người Anh Tim Warner-Johnson thì “sẽ tuyệt hơn nếu bạn có được một bức tranh sao chép cùng thời với Leonardo da Vinci thay vì một bản sao chép ở thế kỷ XIX”. Ông cũng cảnh báo các cuộc đấu giá loại này có thể thu hút nhiều “người mua đột xuất” khiến lạm phát về giá. Theo ông, thay vì mua các tranh sao chép kiệt tác các bậc thầy cổ điển, các nhà đầu tư tiềm năng nên chọn mua tác phẩm bởi các lý do riêng tư của mình vẫn tốt hơn.