Corona và những cuộc giải cứu
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:49, 08/02/2020
Vừa nhanh tay lựa chọn những trái dưa hấu xanh tốt được chất thành đống trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), bà Nguyễn Gia Khánh chia sẻ: “Giá bán tại đây chỉ 5.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với các điểm bán khác. Điều quan trọng là mình mua để giải cứu giúp họ khi cơn dịch bệnh Corona hoành hành khiến dưa hấu không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Hôm nay tôi dự định mua 100kg để phân phối cho hàng xóm ăn chơi và gửi tặng các tổ nấu cơm, cháo, nước sôi miễn phí tại các bệnh viện”.
Chỉ trong 5 giờ đồng hồ ngày 8/2/2020, hàng chục tấn dưa hấu có xuất xứ từ tỉnh Gia Lai chở vào đã hết sạch trong sự vui mừng của người bán. Ông Chia Xon, ngụ tỉnh Gia Lai cho biết: “Mấy mươi năm cả xóm tôi mới có trận này, giờ bán giá 5.000 đồng, tuy lỗ nhưng có còn hơn không. Bình quân mỗi công đất tôi lỗ khoảng 10 triệu đồng. Rất mang ơn người dân Cần Thơ đã giải cứu kịp thời”.
Hiện nay, một mặt hàng chiến lược khác của đồng bằng sông Cửu Long cũng lao dốc rất thảm hại và đang chờ những cuộc giải cứu là cá tra. Nhiều người nuôi cho biết, giá cá tra trước dịch bệnh Corona từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn xấp xỉ 17.000 đồng/kg. Người nuôi lỗ rất nặng bởi thương lái đã ngừng mua do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, còn các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ mua cầm chừng, nhỏ giọt.
Ông Chương Văn Khanh, chủ cơ sở thu mua chế biến cá tra tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ kể: “Tôi nuôi cá tra chuyên canh trên diện tích 50.000 mét vuông, bình quân mỗi năm xuất bán trên 300 tấn cá. Năm nay “sống dở chết dở” bởi bán không xong, còn nuôi tiếp thì thêm hao tốn thức ăn. May là tôi dùng cá nuôi của mình để chuyển sang phương án làm khô, mắm cá tra cùng một số sản phẩm khác để hạn chế thua lỗ”.
Theo nhiều người nuôi quy mô lớn tại Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc (TP. Cần Thơ); Châu Thành, Tân Châu (An Giang); Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang)… thì giá bán cá từ 21.000 đồng/kg người dân mới đủ vốn bỏ ra. Với giá bán như hiện nay thì chuyện lỗ nặng thì điều tất yếu. Tất cả vẫn đang mong chờ những cuộc giải cứu mong manh từ Nhà nước lẫn người tiêu dùng, cùng các doanh nghiệp chế biến.
Tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi được xem là vương quốc chôm chôm của quê hương Đồng Khởi với diện tích trồng trên 1.000ha, nhiều nhất là chôm chôm đường, Thái, Java…Nếu như thời điểm này vào năm trước, chôm chôm các loại có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg thì giá bán hiện nay chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đã vậy, thương lái cũng không mặn mòi việc thu mua bởi con đường xuất khẩu sang Trung Quốc đã “bế môn tỏa cảng” từ khi có dịch bệnh Corona.
Ông Nguyễn Văn Truyền, thương lái thu mua chôm chôm xã Phú Phụng cho biết: “Tôi ngưng không mua hàng sang Trung Quốc bởi bên đó họ đã ngừng mua. Nếu mua chỉ để tiêu thụ nội địa thì sẽ quá tải bởi lượng chôm chôm của tỉnh Bến Tre là rất lớn, được xem là nhiều nhất cả nước. Nếu Nhà nước và người dân không giải cứu thì “chết chắc”. Nhiều người đang tính chuyện đốn bỏ cây chôm chôm để thay vào đó là những loại cây ăn trái khác”.
Nhiều nông dân ngậm ngùi kể thêm, đâu chỉ sầu riêng, mít Thái, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, cá tra… “dội chợ”, mà hàng loạt nông sản khác cũng lao dốc tương tự như mận, khoai lang, nhãn, dâu, vú sữa…Và chưa ai có thể dự đoán tình trạng này bao giờ kết thúc trong khi diễn biến cơn dịch bệnh Corona ngày càng lan rộng và chưa có tín hiệu dừng lại.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, xã đang có khoảng 80ha chôm chôm đang cho trái chính vụ, giờ phải “treo” trên cây vì hái cũng chẳng biết bán cho ai. Không một nông dân nào mong muốn được giải cứu, mà kêu gọi giải cứu lúc này cũng rất khó giải quyết được bài toán lỗ nặng, bởi người tiêu dùng chỉ tiêu thụ được một phần rất nhỏ trên tổng sản lượng nông sản làm ra mà trước đây chỉ có con đường tiêu thụ duy nhất là xuất sang Trung Quốc”.