Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ về đâu?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 18/02/2020

Dịch bệnh do virus Corona mới (Covid-19) đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc, mà còn có nguy cơ đe dọa đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vốn đang ở tình thế mong manh.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ về đâu?

Lo ngại thỏa thuận đổ vỡ

Ngày 6/2/2020, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm một nửa thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 75 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ mà Trung Quốc đã bắt đầu đánh thuế từ ngày 1/9/2019. Theo đó, một số loại hàng hóa Mỹ sẽ được giảm thuế từ 10% xuống 5% và từ 5% xuống 2,5% kể từ ngày 14/2/2020. Động thái này diễn ra đồng thời với kế hoạch giảm thuế một nửa, từ 15% xuống 7,5% của Mỹ cho 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. 

Đánh giá về hành động này, giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục các thỏa thuận khác sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã được ký kết. Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại những cuộc đàm phán sắp tới sẽ không mấy tích cực, thậm chí thỏa thuận sơ bộ đã ký kết có thể đổ vỡ giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải chật vật chống chọi với dịch Corona.

Ngày 15/1/2020, hai bên đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều tuần chờ đợi, theo đó Mỹ sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc đổi lấy việc Trung Quốc cam kết mua thêm nông phẩm và hàng chế tạo của Mỹ. Trung Quốc cũng cam kết xử lý các khiếu nại của Mỹ về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ áp lực buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc để được tiếp cận thị trường, cấp phép hoạt động. Thuế trả đũa của Trung Quốc gồm 25% đánh lên ô tô Mỹ cũng sẽ được đình hoãn.

Đổi lại, Mỹ sẽ cắt giảm một nửa thuế nhập khẩu áp dụng vào ngày 1/9/2019 lên 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ xuống còn 7,5%. Mức thuế 25% đánh lên 250 tỷ USD hàng của Trung Quốc trước đó vẫn được giữ nguyên, nhưng có thể được cắt giảm như một phần thỏa thuận trong giai đoạn 2, trong khi hàng rào thuế dự định có hiệu lực ngày 15/12/2019 đánh lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi, quần áo sẽ được đình hoãn vô thời hạn. 

Link bài viết

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng bao gồm những điều khoản mở cho phép Mỹ có quyền áp thuế trở lại nếu phát hiện Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ các cam kết, tương tự như những gì từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh có thể đơn phương phá bỏ thỏa thuận song phương đã ký kết và có thể châm ngòi cho căng thẳng thương mại leo thang trở lại.

Với việc Trung Quốc đang phải dồn sức cho chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh vốn đang gây ra những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế nội địa, nước này đang kỳ vọng Mỹ sẽ nới lỏng những cam kết mà Trung Quốc đã đặt ra, khi trong thỏa thuận giai đoạn 1 cũng có điều khoản hai nước sẽ tham khảo nhau trong trường hợp "thảm họa thiên nhiên hay các sự kiện không lường trước được".

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị trì trệ do dịch Corona, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng, nên Bắc Kinh có thể viện dẫn rằng họ không chỉ cần phải bảo vệ nền kinh tế của mình mà còn để tránh kéo kinh tế trong khu vực và toàn cầu suy thoái theo, để từ đó có lý do không thực thi đầy đủ cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ.

Vị thế của hai bên

Dù vậy, một kịch bản ngược lại có thể xảy ra, khi Mỹ có thể tiếp tục buộc Trung Quốc phải nhượng bộ thêm trong các cuộc đàm phán sắp tới, nếu không muốn gánh thêm thiệt hại. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, không chỉ về mặt kinh tế mà bất ổn xã hội có thể leo thang, đặt Trung Quốc vào cảnh ngộ "bốn bề thọ địch".

Hàng loạt thành phố của Trung Quốc đã bị phong tỏa và dự báo sẽ còn kéo dài bởi chưa có dấu hiệu dịch Corona lập đỉnh, số lượng người nhiễm vẫn gia tăng mạnh, khiến việc sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khăn, ngưng trệ. Vài chục nghìn chuyến bay đã bị hủy bỏ, giao thương, du lịch gần như ngừng lại. 

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục bị rút ròng trước đây do thương chiến Mỹ - Trung thì nay tiếp tục ngưng trệ vì dịch bệnh. Hàng loạt công ty nước ngoài đang làm ăn ở thị trường Trung Quốc phải đóng cửa một phần hoặc tạm dừng hoạt động như Starbucks, Apple, Tesla... Trước thực trạng khó khăn, vào cuối tuần trước, Bắc Kinh đã tuyên bố đình chỉ thuế quan với các sản phẩm từ Mỹ được sử dụng để chống lại sự bùng phát của virus Corona. 

Link bài viết

Rõ ràng Bắc Kinh không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ trong tình cảnh hiện nay, khi mà những ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại với Mỹ trong suốt hai năm qua đã khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm vừa qua xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua và mọi thứ có thể chưa dừng lại. Giới phân tích dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn nữa vì Corona.

Ngược lại, nền kinh tế Mỹ vẫn đang có dấu hiệu tích cực, đặc biệt thị trường tài chính dưới thời ông Donald Trump vẫn đang diễn biến rất tốt, các chỉ số kinh tế đều đẹp và việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng. So sánh vị thế giữa hai bên vào lúc này, Mỹ rõ ràng đang ở "kèo trên" và nắm thế chủ động trên bàn đàm phán.

Trong khi đó, làn sóng chỉ trích Trung Quốc tại Mỹ dường như vẫn chưa dừng lại. Ngày 8/2/2020 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại cảnh báo thống đốc các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ "cẩn trọng" khi làm ăn với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang dùng sự tự do của Mỹ để phá hoại Mỹ. Đáp lại, Bắc Kinh đã chỉ trích các tuyên bố của ông Pompeo là sự tấn công, đồng thời khẳng định mọi nỗ lực bôi nhọ Trung Quốc hoặc cản trở sự tăng trưởng của quốc gia này đều sẽ thất bại. 

Khả Hân