Đối phó dịch bệnh, nhiều ngân hàng trung ương mạnh tay nới lỏng tiền tệ

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 25/02/2020

Theo các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng của dịch Corona lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS năm 2003 với ước tính tổn thất lên đến hàng trăm tỷ USD.
Đối phó dịch bệnh, nhiều ngân hàng trung ương mạnh tay nới lỏng tiền tệ

Trước triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, không khó để lý giải vì sao nhiều ngân hàng trung ương lại nới lỏng chính sách tiền tệ.

Riêng Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất. Một số dự báo bi quan thậm chí cho rằng mức tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chỉ là 0% trong quý đầu tiên. 

Trước triển vọng ảm đạm trên, không khó để lý giải vì sao nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ), mà đi đầu là Trung Quốc, đã mạnh tay nới lỏng tiền tệ như giải pháp để hỗ trợ và kích thích nền kinh tế phục hồi trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực tế cho thấy không chỉ du lịch và vận tải, nhiều hoạt động sản xuất tại một số quốc gia đã bị trì trệ vì tâm lý lo sợ, cũng như thiếu hụt nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc.

Trước rủi ro suy thoái gia tăng, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã sớm hành động. Ngày 3 và 4/2/2020, PBoC đã bơm 1.700 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 242 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở. PBoC sau đó bất ngờ hạ một số lãi suất tiền tệ ngắn hạn quan trọng. Giới phân tích dự báo PBoC sẽ còn triển khai thêm biện pháp này, trong khi một cố vấn PBoC nói khả năng lãi suất cho vay cơ bản (LPR) được hạ vào ngày 20/2/2020 ngày càng tăng.

Link bài viết

Đến ngày 6/2/2020, PBoC thông báo sẽ sử dụng các công cụ như hạ mục tiêu dự trữ bắt buộc, tái cho vay, tái chiết khấu, để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng. PBoC cũng yêu cầu các ngân hàng giới hạn lãi suất cho vay đối với những công ty nhất định ở 3,15%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với LPR hiện tại.

Tính đến ngày 9/2/2020, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo chính quyền các cấp đã phân bổ tổng cộng 71,85 tỷ nhân dân tệ, tương đương 10,26 tỷ USD để đối phó virus Corona.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 5/2/2020, NHTƯ Thái Lan cắt giảm lãi suất 0,25% xuống còn 1%, đánh dấu lần cắt giảm thứ ba trong 5 cuộc họp gần đây nhất, khi nhận thấy nền kinh tế trong năm 2020 có thể tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tiềm năng do ảnh hưởng bởi dịch Corona.

Với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hoạt động du lịch và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Thái Lan chẳng những nới lỏng tiền tệ mà còn quyết định vẫn mở cửa đón khách du lịch từ Trung Quốc để tránh tác động xấu lên tăng trưởng.

Đến ngày 6/2/2020, NHTƯ Philippines đã cắt giảm thêm 0,25% lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (Reverse Repo) xuống còn 3,75%, khi cho rằng diễn biến lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của nước này cho phép giảm thêm lãi suất để hỗ trợ niềm tin thị trường, cũng như hạn chế những "cơn gió ngược" từ bên ngoài đang tác động xấu đến nền kinh tế nội địa.

Mới đây, NHTƯ Singapore tuyên bố sẽ tung gói ngân sách kích thích trong tuần tới, dự kiến lên đến nửa tỷ USD, để giúp nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái do Corona. Con số này lớn hơn nhiều khoản 203 triệu USD mà Chính phủ Singapore đưa ra năm 2003 để đối phó với đại dịch SARS.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, những tác động của dịch Corona tới nền kinh tế nước này sẽ nghiêm trọng hơn so với đại dịch SARS năm 2003.

Gói hỗ trợ năm nay có thể sẽ gồm các khoản hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế hàng hóa, dịch vụ... để giúp giải quyết vấn đề dòng tiền trong ngắn hạn. Du lịch và vận tải được dự báo là hai lĩnh vực trọng tâm sẽ nhận được hỗ trợ từ gói ngân sách của Chính phủ để giảm thiểu thiệt hại do virus Corona.

Ngoài ra, thị trường tài chính toàn cầu còn chứng kiến động thái nới lỏng của nhiều NHTƯ khác khắp thế giới, từ các NHTƯ tại châu Âu như Nga giảm 0,25% lãi suất và bơm thêm tiền. Belarus cũng giảm 0,25% lãi suất, cho đến khu vực Nam Mỹ như NHTƯ Brazil hạ lãi suất 0,25%. Mexico cũng giảm 0,25% lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng xuống 7% vào ngày 13/2/2020 vừa qua, đánh dầu lần thứ 5 giảm lãi suất liên tiếp từ tháng 7/2019 đến nay với tổng mức giảm lên đến 1,25%. 

Gia Lê