Cuộc đua tăng nguồn thu tín dụng: Ai bứt tốc, ai bị bỏ lại phía sau?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:30, 25/02/2020
Ngày 1/3/2012, Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng cho công cuộc thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng an toàn và hiệu quả hơn. Sau khi đề án này kết thúc, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo đề án mới trong giai đoạn 2016 - 2020.
Kể từ năm 2012 đến nay, song song với việc xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng liên tục tái cơ cấu hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả, đặc biệt ở mảng tín dụng - mảng đem về nguồn thu chính cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã rất thành công, nhưng cũng có những ngân hàng bị bỏ lại phía sau.
Eximbank có thể coi là trường hợp đáng tiếc nhất. Nếu như năm 2012, thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) của ngân hàng này lên đến gần 17.000 tỷ đồng, thuộc nhóm ngân hàng top trên thì đến năm 2019, nghĩa là sau 7 năm, thu nhập lãi vẫn chưa về lại được mức cũ, chỉ đạt 11.300 tỷ đồng, tương đương giảm 33%. Sự tụt lại về doanh thu cũng kéo theo sự tụt lại về lợi nhuận gộp. Thu nhập lãi thuần (biểu thị lợi nhuận gộp mảng tín dụng) năm 2019 của Eximbank giảm 34% so với 7 năm trước đó.
Cơ cấu lại các tài sản có chất lượng kém là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến nguồn thu tín dụng của Eximbank nhưng một nguyên nhân quan trọng khác khiến ngân hàng này bị thụt lùi là sự "đấu đá" trong nội bộ ban quan trị. Cho đến tận bây giờ, tình hình vẫn đầy bất ổn, chưa có dấu hiệu nào cho thấy "cuộc chiến vương quyền" ở đây sẽ sớm kết thúc.
Link bài viết
Bên cạnh Eximbank, một số ngân hàng cỡ nhỏ cũng thụt lùi về nguồn thu tín dụng so với chính họ trước đó, như Saigonbank, MSB xét về thu nhập lãi hay như Kienlongbank, PGBank, Saigonbank xét về thu nhập lãi thuần.
Một vài ngân hàng thụt lùi, nhưng cũng không ít ngân hàng bứt tốc về nguồn thu tín dụng trong giai đoạn 2012 - 2019, trong đó, ấn tượng nhất là trường hợp của TPBank.
Từ chỗ là một trong những ngân hàng trong diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu, TPBank đã vươn lên rất mạnh mẽ với hoạt động tín dụng là động lực chính. So với năm 2012, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đã tăng tới 8,6 lần - mức tăng cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, thu nhập lãi thuần tăng tới hơn 20 lần, cho thấy TPBank không chỉ thành công trong việc gia tăng nhanh chóng quy mô nguồn thu tín dụng, mà còn rất thành công trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh tín dụng.
Cũng rất thành công trong cuộc đua gia tăng nguồn thu tín dụng là VPBank và HDBank, với cùng một dạng động lực tăng trưởng khi hai ngân hàng này đều sở hữu công ty tài chính tiêu dùng thuộc hàng lớn nhất thị trường, lần lượt là FE Credit và HD Saison. So với năm 2012, thu nhập lãi năm 2019 của VPBank đã tăng tới 4,8 lần, trong khi HDBank tăng 3,8 lần. Còn thu nhập lãi thuần thì tăng lần lượt 11,5 lần và 10,3 lần.
Một dạng tăng trưởng nguồn thu tín dụng khác là tiến hành sáp nhập ngân hàng nhỏ hơn, như trường hợp của BIDV (sáp nhập MHB) và SHB (sáp nhập Habubank). Giai đoạn 2012 - 2019, thu nhập lãi của BIDV đã tăng 3,3 lần, còn thu nhập lãi thuần tăng 3,9 lần. Trong khi thu nhập lãi của SHB tăng 2,8 lần, còn thu nhập lãi thuần tăng tới 4,2 lần. Tất nhiên, dạng tăng trưởng này phải đánh đổi bằng sự gia tăng gánh nặng xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, cũng phải kể đến trường hợp của OCB khi tăng trưởng thu nhập lãi và thu nhập lãi thuần đều thuộc top đầu trong giai đoạn 2012 - 2019, lần lượt 3,2 lần và 3,5 lần.
ACB và Techcombank là hai trường hợp ngân hàng lớn tương đối khác lạ khi thu nhập lãi tăng khá chậm cùng thời gian trên (lần lượt 1,3 lần và 1,4 lần) nhưng thu nhập lãi thuần lại tăng nhanh hơn nhiều (lần lượt 1,8 lần và 2,8 lần), cho thấy hiệu quả kinh doanh tín dụng của các ngân hàng này cải thiện rất rõ rệt.
Nhìn chung có 4 lý do chính giúp ngân hàng bứt tốc trong cuộc đua gia tăng nguồn thu tín dụng. Thứ nhất là sự gia tăng quy mô dư nợ tín dụng, theo đó, các ngân hàng nhỏ sẽ có lợi thế hơn do nhận được hạn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai là sự gia tăng biên lợi nhuận mảng tín dụng, bằng việc tập trung cho vay tiêu dùng hay tập trung vào các khoản cho vay cá nhân, hoặc các khoản cho vay có rủi ro cao... Thứ ba, cải thiện hiệu quả huy động vốn cũng là giải pháp, trong đó, nhiều ngân hàng tập trung vào gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Thứ tư, gia tăng cơ học bằng cách sáp nhập ngân hàng khác, song song với đó, tiến hành tối ưu hóa tệp khách hàng mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh tín dụng.
(Theo vietnamfinance.vn - Tựa bài do DNSG đặt lại)