Để hành trình không đảo ngược

Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 27/02/2020

Chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới là hành trình không thể đảo ngược của bất cứ doanh nghiệp (DN) nào nếu không muốn bị bỏ lại trên “sân chơi” toàn cầu.
Để hành trình không đảo ngược

Tăng năng suất lao động

Theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển đổi số sẽ làm tăng năng suất lao động trong năm 2020 là 21%, còn 85% công việc trong khu vực sẽ thay đổi trong những năm tiếp theo. 

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT khẳng định tại một hội thảo vào tháng 4/2019 ở Hạ Long: “Nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của DN sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi”.

Cùng quan điểm này, ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho rằng: “Chuyển đổi số DN là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu chính là tài sản lớn nhất, đóng góp quan trọng cho hành trình chuyển đổi số thành công”. 

Vì vậy, khi có đủ dữ liệu được số hóa, DN phải nhanh chóng tham gia chuyển đổi số thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra giá trị mới. 

Dựa vào Big Data để phân tích dữ liệu khách hàng, lịch sử đơn hàng... từ đó nắm bắt xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, định hướng sản phẩm phù hợp, kết nối người mua và người bán chính xác hơn. Việc khai thác Big Data cũng giúp khách hàng cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng trực tuyến. 

Trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), với đặc điểm mua bán diễn ra 24/24 giờ, AI đang dần thay thế con người trong nhiều khâu, từ quảng cáo, tiếp cận khách hàng đến quản lý kho, vận chuyển hàng hóa. Từ đó, giúp DN có được chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đơn cử, với việc ứng dụng AI của Palexy để đo lường, phân tích và hiểu rõ hơn hành vi mua sắm tại cửa hàng và nâng cao hiệu suất của nhân viên bán hàng, DN Vua Nệm đã đưa ra các phương án sắp xếp tối ưu cửa hàng và giúp thống kê chính xác thời gian, số lượng khách hàng nằm thử trên từng chiếc nệm, bởi đó là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định mua hàng hay không.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group cho rằng: “Ứng dụng công nghệ vào hệ thống, quản trị là yêu cầu bắt buộc với DN trong quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động. Song quan trọng nhất là DN phải xây dựng được Big Data”. Đơn cử, trong việc bán hàng, dựa trên dữ liệu từ khách hàng, AI có thể cung cấp cho người tiêu dùng chính xác những gì họ đang tìm kiếm, từ đó giúp DN có chiến lược tiếp cận, quảng cáo hiệu quả. Nhiều công nghệ AI còn yêu cầu dữ liệu để cải thiện hiệu suất và tự động hóa việc ra quyết định.

Hiểu hành vi người tiêu dùng

Đại diện Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, dựa vào Big Data, Sen Đỏ đã  phân tích dữ liệu khách hàng, lịch sử đơn hàng... từ đó nắm bắt xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, định hướng sản phẩm phù hợp, kết nối người mua và người bán chính xác hơn. Việc khai thác Big Data cũng giúp khách hàng cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng trực tuyến. 

Trong ngành TMĐT, Big Data cũng đang được những “ông lớn” như Amazon, eBay hay Alibaba ứng dụng để tìm hiểu hành vi người tiêu dùng. Đại diện Alibaba.com cho biết: “Alibaba đã ứng dụng AI, Big Data để phát triển TMĐT trên nền tảng kinh doanh trực tuyến B2B đã giúp các DN nghiệp vừa và nhỏ giải quyết được khó khăn đang gặp phải, như không phải bỏ nhiều tiền bạc tham gia hội chợ, triển lãm, chỉ cần online trên máy tính, cũng không sợ chênh lệch thời gian hay không gian mà vẫn nhìn được sản phẩm trên màn hình máy tính hay smartphone”.  

Hiện nay, một số DN xuất khẩu của Việt Nam đã nhận thức được phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến giúp giảm chi phí thời gian, đặc biệt là việc tìm kiếm thông tin bạn hàng, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán trên nền tảng này khá dễ dàng và hiệu quả nên đã tham gia vào Alibaba.com để bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài hay xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều DN quan tâm đúng mức đến phương thức kinh doanh này. Thậm chí, có DN xây dựng sàn TMĐT, website để kinh doanh nhưng do không được đầu tư, đổi mới, đã nhanh chóng đóng cửa.

Bà Trần Bảo Ngọc - Giám đốc Công ty M.i.i.n Eyelash chuyên sản xuất lông mi nhân tạo cho biết, sau ba năm thành lập, đến cuối năm 2015, công ty rơi vào nguy cơ phá sản vì không tìm được khách hàng, 20 công nhân có nguy cơ mất việc. Trong quá trình tìm cách cứu công ty, bà đã thử nghiệm bán hàng trên các kênh TMĐT. Chỉ sau một thời gian ngắn, Alibaba.com đã giúp M.i.i.n Eyelash nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường một số nước. Sau hai năm, đơn hàng của công ty đã tăng lên nhanh chóng. Từ 20 công nhân, hiện M.i.i.n Eyelash đã có 100 người tại Bình Dương, 100 người tại Buôn Ma Thuột và đang chuẩn bị xây thêm xưởng tại Bình Dương để đáp ứng nhu cầu của khách hàng các nước. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, thị trường B2B toàn cầu đang có quy mô 23.900 tỷ USD, gấp 6 lần thị trường B2C. Tuy nhiên, thách thức đi kèm cũng không nhỏ. Một chuyên gia đào tạo và tư vấn về thương mại quốc tế khuyên, khi đã chọn cách thức bán hàng TMĐT, một nguyên tắc mà DN không thể bỏ qua là phân công người để làm việc liên tục ở bất kỳ múi giờ nào. Có vậy mới không bỏ lỡ những đơn hàng đến từ các quốc gia khác. Một DN chia sẻ: “Thời gian đầu khi mới tham gia TMĐT, nhiều đối tác yêu cầu gửi báo giá nhưng sau đó không thấy hồi âm. Cho rằng do báo giá quá cao nên công ty đã hạ giá sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển. Một thời gian sau, công ty nhận ra nguyên nhân mấu chốt không phải ở giá thành mà chính là ở hồ sơ DN chưa tốt”. 

Minh Nhi