Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc "sang số" để ứng phó Covid-19
Quốc tế - Ngày đăng : 06:15, 28/02/2020
Theo truyền thông Trung Quốc, việc các nhà máy ô tô tại tâm dịch Vũ Hán đóng cửa đã và đang khiến nhiều ông lớn ngành ô tô nước ngoài như Honda, Nissan, GM và Renault thiệt hại khoảng 5,69 triệu USD/ngày. |
Sản xuất ô tô đình trệ
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, và Vũ Hán - nơi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona chủng mới (Covid-19) gây nên, từ lâu đã được biết đến như cái nôi của nền công nghiệp ô tô nước này, với trên 2 triệu chiếc ô tô xuất xưởng tại đây mỗi năm.
Được ưu ái đặt cho tên gọi Chicago hay Detroit của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Vũ Hán là nơi đặt cơ sở sản xuất của hàng loạt thương hiệu ô tô lớn như General Motors (GM), Honda, Nissan, Peugeot và Renault. Dongfeng Motor - một trong tứ trụ của nền công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng đặt trụ sở tại Vũ Hán, và đây đồng thời là nơi chiếm tới phân nửa sản lượng ô tô sản xuất tại Trung Quốc của riêng Honda.
Năm 2019, tỉnh Hồ Bắc, với thủ phủ là Vũ Hán, đứng thứ tư trong số những nơi sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng 10% công suất sản xuất ô tô toàn Trung Quốc và xuất xưởng 2,24 triệu chiếc xe. Tuy nhiên, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô trên toàn Trung Quốc, trong đó có Vũ Hán, đã phải đóng cửa.
Chưa hết, các doanh nghiệp có trụ sở đặt ngoài tỉnh Hồ Bắc cũng bị "vạ lây". Đơn cử, nhà máy ô tô điện của Tesla tại Thượng Hải đã phải đóng cửa, dù chỉ mới đi vào hoạt động hồi tháng trước, kéo lùi thời điểm sản xuất Model 3, trong khi Volkswagen bị buộc phải hoãn dây chuyền sản xuất tại toàn bộ các nhà máy Trung Quốc mà có hợp tác với SAIC Motor.
Link bài viết
Kết quả, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số ô tô tại Trung Quốc giảm tới 92% trong nửa đầu tháng 2/2020, từ 59.930 chiếc xuống còn 4.909 chiếc, theo số liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA).
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng dự báo, doanh số ô tô nhiều khả năng sẽ giảm 10% trong 6 tháng đầu năm và giảm 5% cả năm. Nếu các nhà máy ô tô tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 3, lượng ô tô sản xuất tại Trung Quốc có thể giảm 1,7 triệu chiếc, IHS Markit cho biết.
Với việc hàng loạt công nhân hiện vẫn được yêu cầu cách ly tại nhà và nguồn cung vật liệu bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy đang phải vật lộn để có thể mở cửa lại hoặc khôi phục toàn bộ công suất. Thêm vào đó, chính quyền Hồ Bắc mới đây thông báo sẽ kéo dài thời gian đóng cửa của các doanh nghiệp không thiết yếu cho đến ngày 11/3. Ngoài ra, triển lãm ô tô hằng năm của Trung Quốc tại Bắc Kinh, dự kiến ban đầu vào ngày 21/4, cũng đã bị hoãn lại để phòng chống dịch; tương tự như số phận của nhiều sự kiện khác.
Hiệu ứng domino trên toàn cầu
Đáng nói, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành công nghiệp ô tô không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Trung Quốc, mà còn khiến hoạt động sản xuất ô tô toàn cầu đình trệ, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu từ đất nước tỷ dân. Thêm nữa, việc thương hiệu ô tô nước ngoài chỉ được phép sản xuất ô tô tại nội địa Trung Quốc thông qua hình thức liên doanh với những đối tác địa phương như Dongfeng Motor càng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Bên trong nhà máy sản xuất thứ 3 của liên doanh Dongfeng Honda tại Vũ Hán. |
Hyundai và Kia gần đây đã cho dừng một số dây chuyền lắp ráp tại Hàn Quốc, trong khi Nissan tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động sản xuất ô tô tại Nhật Bản. Theo GM, việc ngưng sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến các nhà máy tại Michigan và Texas; còn Jaguar Land Rover cho rằng, Covid-19 có thể tạo ra nhiều sự cố cho các nhà máy lắp ráp của hãng ở Anh. Mike Manley - CEO của Fiat Chrysler Automenses cho biết, việc sản xuất tại một trong những nhà máy của hãng ở châu u có thể bị dừng tới cuối tháng hai.
Theo truyền thông Trung Quốc, việc các nhà máy ô tô tại tâm dịch Vũ Hán đóng cửa đã và đang khiến nhiều ông lớn ngành ô tô nước ngoài như Honda, Nissan, GM và Renault thiệt hại khoảng 5,69 triệu USD/ngày.
"Một số nhà cung cấp linh kiện tại Vũ Hán hiện chỉ còn có thể dựa vào nguồn hàng dự trữ, nhưng chúng rồi cũng sẽ sớm hết. Một vấn đề nữa là hệ thống vận chuyển, giao nhận vẫn chưa thể trở lại bình thường", tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô.
"Thậm chí sau khi dây chuyền sản xuất được khôi phục, các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải mất ít nhất một tháng rưỡi mới có thể đưa công suất trở lại tối đa như thời điểm trước khi có dịch", vị chuyên gia này nói thêm.
Doanh nghiệp ô tô tìm lối thoát
Đối phó với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ô tô Trung Quốc và cả nước ngoài đang ráo riết tìm giải pháp để có thể hoạt động trở lại. Do lượng khách đến cửa hàng, showroom truyền thống giảm mạnh, một số đã bắt đầu chuyển sang các giải pháp trực tuyến.
Bên cạnh những cái tên mới xuất hiện trong thời đại số và đã quá quen với cách bán hàng online-to-offline như NIO, Xpeng, các thương hiệu lâu đời như Volkswagen, Nissan, SAIC và BMW cũng đang từng bước chuyển sang kênh bán hàng trực tuyến thông qua nhiều công cụ như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường hay phát sóng trực tiếp.
Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng, liên doanh giữa SAIC-GM-Wuling cho biết đã làm việc với Guangxi Defu Technology - một đơn vị cung cấp linh kiện nội thất, để sản xuất thêm khẩu trang kháng khuẩn. Theo đó, sẽ có 14 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang N95 mới được lắp đặt tại tỉnh Quảng Tây, với công suất 1,7 triệu chiếc/ngày. Lô 200.000 khẩu trang đầu tiên từ liên doanh này đã hoàn thành từ ngày 9/2.
Một số nhà sản xuất ô tô khác như BYD Co. và GAC Motor Co. cũng tuyên bố sẽ sản xuất khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại các nhà máy của mình, với công suất theo kế hoạch của BYD là 5 triệu khẩu trang và 50.000 chai dung dịch khử trùng/ngày. Trong đó, lô sản phẩm đầu tiên sẽ được tặng cho các tài xế xe buýt công cộng, taxi, xe khách và các tình nguyện viên chống dịch.