Sân khấu Hoàng Thái Thanh: Chuồn chuồn chỉ ngừng bay khi không còn đôi cánh
Thư giãn - Ngày đăng : 06:00, 29/02/2020
Ở Sài Gòn, nếu muốn xem một vở kịch tâm lý xã hội để ngẫm về nhân tình thế thái, Hoàng Thái Thanh gần như là lựa chọn duy nhất. Hoàng Thái Thanh sau 10 năm đã không còn đơn thuần là một sân khấu kịch mà trở thành dấu ấn, một phần hồn cốt của Sài Gòn. Khán giả Sài Gòn xem, người từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng tìm đến xem, thậm chí cả khán giả hải ngoại về thăm quê. Thật choáng váng khi biết có khán giả đi xem Nửa đời ngơ ngác đến 58 lần, còn Hãy khóc đi em... 40 lần. Là bởi, Hoàng Thái Thanh đậm cốt cách của người Sài Gòn, vừa chăm chút, kỹ lưỡng trong từng lớp diễn, vừa có cách nâng niu khán giả đến một cách chừng mực, ấm lòng với những quy định rất mực dễ thương. Chẳng hạn như không mang nước và đồ ăn vào khán phòng - điều mà để hút khách, không ít sân khấu kịch tại Sài Gòn đành chấp nhận buông xuôi chiều theo khán giả. Đó còn là lời nhắc nhớ, hãy dồn hết tâm sức để thưởng thức sự cống hiến của nghệ sĩ sau nhiều tháng lao động miệt mài trên sàn diễn.
Có lẽ, ở thời điểm phim ảnh và các chương trình truyền hình thực tế nảy nở như nấm, hiếm sân khấu nào dành từ 3-4 tháng thai nghén kịch bản, rồi sắp xếp thêm một tháng để các nghệ sĩ tập dợt nhuần nhuyễn trước khi ra mắt. Cũng hiếm có sân khấu nào hội tụ được nhiều cái tên đình đám như Hoàng Thái Thanh, dù có thể ở những loại hình khác trong nghệ thuật, họ đã gặt hái rất nhiều thành công. Đó là Xuân Hương, Thanh Thủy, Hồng Ánh, Quý Bình... cùng những gương mặt “đinh” của sân khấu như Tuyết Thu, Ngọc Duyên, Hoàng Vân Anh... Chắc chắn không phải vì tiền bởi thù lao cho một vở diễn của nghệ sĩ sân khấu được xếp vào hạng “rẻ như bèo” hiện nay. Chính lòng tận tâm, nhiệt huyết của bộ đôi nghệ sĩ, cũng là thầy trò: Thành Hội - Ái Như đã níu giữ và nhen lên tình yêu từ những trái tim khác, giữ cho sân khấu sáng đèn đến tận hôm nay, dù đường đi của họ gập ghềnh chẳng ít; dù đôi lúc, trái tim họ mệt nhoài, đôi chân họ rệu rã và não bộ luôn trong tình trạng... căng thẳng vì không biết cuối tháng có đủ 400 triệu để trang trải chi phí cho sân khấu.
Thành Hội và Ái Như không chỉ là hồn cốt của Hoàng Thái Thanh với hàng loạt vai diễn nhiều dấu ấn, họ còn là hai nghệ sĩ mang tầm vóc lớn lao của ngành sân khấu. Chẳng bao giờ nói những điều xa vời, họ giữ lửa, tiếp lửa và truyền lửa cho các nghệ sĩ cùng thời hoặc những nghệ sĩ trẻ hơn bằng nỗ lực nghề nghiệp không ngừng nghỉ. Họ đào tạo thế hệ kế thừa, tin tưởng trao cho những người trẻ ấy cơ hội để làm nghề và khẳng định tài năng. Tình yêu mãnh liệt dành cho sân khấu khiến Thành Hội, Ái Như có cảm giác mắc nợ... khán giả, anh em nghệ sĩ và mắc nợ chính họ.
49 vở diễn, có vở được khán giả thích, có vở không, có vở mang hơi hướm nhẹ nhàng, thư giãn như một cuộc tán gẫu nơi đô thị nhưng cũng có vở đẫm nước mắt, đầy thân phận của những người sống theo lề thói của đạo đức và cương quyết giữ gìn chúng đến mức cố chấp mà đời sống chộn rộn, người ta thường bỏ quên hoặc cho là lạc hậu. Cũng như Thành Hội và Ái Như, nếu dụng tài năng ở lĩnh vực khác, phim ảnh chẳng hạn, có lẽ họ đã thành công từ rất lâu. Nhưng hai nghệ sĩ vẫn ở đó, bền bỉ thắp một ngọn đèn để cánh chuồn (biểu tượng của sân khấu Hoàng Thái Thanh) tiếp tục bay về hướng ánh sáng.