Châu chấu - đám mây "ngấu nghiến" mùa màng, đe doạ an ninh lương thực châu Phi
Bình luận - Ngày đăng : 08:30, 02/03/2020
![]() |
Một đàn châu chấu với mật độ từ 40 - 80 triệu cá thể trên 1 km2 cũng có thể “ngấu nghiến” sạch sẽ lượng lương thực đủ cho 35.000 người/ngày. |
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ thủ đô Nairobi của Kenya cho biết, đây không phải lần đầu tiên các đàn châu chấu với số lượng cá thể lên đến hàng trăm triệu “càn quét” châu Phi.
Tuy nhiên, đây là đợt châu chấu tồi tệ nhất tại Kenya trong 7 thập niên qua. Hàng trăm triệu cá thể côn trùng này đã tràn vào quốc gia châu Phi từ hai người láng giềng là Somalia và Ethiopia - hai nước vốn chưa từng bị châu chấu phá hoại tệ như bây giờ trong ít nhất 25 năm qua.
An ninh lương thực bị đe doạ
Ndunda Makanga - một nông dân tại Kenya, cho biết: "Ngay cả những con bò cũng sững sờ trước những gì đang xảy ra. Cào cào, châu chấu chén sạch tất cả mọi thứ, từ bắp, đậu cho tới cao lương".
![]() |
Châu chấu sa mạc đậu trên cây ở Nanyuki, Laikipia |
Được biết, chỉ một đàn châu chấu với mật độ từ 40 - 80 triệu cá thể trên 1 km2 cũng có thể “ngấu nghiến” sạch sẽ lượng lương thực đủ cho 35.000 người/ngày. Do đó, khó có thể đo đếm được hết tác động khổng lồ của “dịch châu chấu” lên ngành nông nghiệp, vốn tạo ra tới 1/3 giá trị kinh tế cho khu vực Đông Phi.
Tại Ethiopia, châu chấu đã xuất hiện tại vùng canh tác nông nghiệp màu mỡ quanh thung lũng Rift và trước đó đã tràn qua đồng cỏ tại Kenya và Somalia. Những đàn châu chấu có thể di chuyển đến 150 km/ngày. Theo chuyên gia kiểm soát dịch hại di cư của Bộ Nông nghiệp Kenya Kipkoech Tale, tình hình hiện rất căng thẳng.
“Khoảng 70.000 ha đất trồng trọt của Kenya đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã phun thuốc diệt 20 đàn nhưng vẫn còn nhiều đàn khác nữa. Và, nhiều đàn hơn nữa đang bay đến”, Tale nói.
Song, đây vẫn chưa phải kịch bản tồi tệ nhất, vì theo David Phiri - chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đến tháng 3 - thời điểm nông dân bắt đầu trồng rau ở Đông Phi khi có mưa, số lượng châu chấu có thể tăng lên gấp 500 lần, trước khi thời tiết mùa khô vào tháng 6 làm giảm tốc độ sinh sản và lan tràn của chúng. "Chúng ta phải hành động ngay", ông Phiri kêu gọi.
![]() |
Cào cào, châu chấu bay rợp trời ở Ololokwe, hạt Samburu - Ảnh: EPA |
Theo Liên Hiệp Quốc, cần khoảng 70 triệu USD để đẩy mạnh công tác phun thuốc trừ sâu từ trên không - phương pháp hiệu quả duy nhất để chống lại loài côn trùng này, và khoảng 138 triệu USD để hoàn toàn đẩy lùi “dịch châu chấu”.
Dẫu vậy, không dễ để các quốc gia châu Phi có thể tiến hành công việc này, nhất là với một Kenya đang cạn kiệt nguồn thuốc trừ sâu, Ethiopia thiếu hụt máy bay, trong khi Somalia và Yemen lại thiếu biện pháp đảm bảo an toàn cho người diệt châu chấu. Đồng nghĩa, rủi ro đe doạ an ninh lương thực là rất lớn, và nhiều khả năng sẽ đẩy thêm nhiều người dân lâm vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột cùng biến đổi khí hậu tiếp tục lâm vào cảnh đói nghèo.
Biến đổi khí hậu khiến số lượng châu chấu gia tăng
Theo hãng tin Reuters, chính hiện tượng biến đổi khí hậu, kéo theo nhiều xáo trộn trong các kiểu thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng phát triển với tốc độ như vũ bão. Nước biển ấm lên tạo ra nhiều mưa hơn, làm cho tiến trình sinh nở nhanh hơn, và các cơn lốc, vốn có tác dụng phân tán các loại côn trùng, lại ngày càng mạnh hơn và xảy ra với tần suất dày đặc hơn.
Đặc điểm thời tiết tuần hoàn tại Ấn Độ Dương, cộng thêm nhiệt độ nước biển tăng lên, đã góp phần tạo ra mùa mưa kéo dài từ tháng 10 - 12 với độ ẩm lớn nhất trong 50 năm trở lại đây, theo Nathanial Matthews đến từ Global Resilience Partnership - một cơ quan chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển.
![]() |
Châu chấu nằm đặc kín mặt đất ở Enziu, gần thủ đô Nairobi của Kenya. Dịch châu châu đã diễn ra từ tháng 12-2019 ở Kenya - Ảnh: EPA |
Châu chấu sinh ra tại Yemen, thường ít được quan tâm do nội chiến. Chúng sau đó vượt qua Biển Đỏ đến vùng Sừng châu Phi và sau đó lan rộng ra các quốc gia như Sudan, Djibouti, Ethiopia, Somalia and Kenya. Giờ đây chúng còn được phát hiện tại các nhiều quốc gia khác như Uganda, Nam Sudan and Tanzania.
Mưa khiến cho những trứng ấu trùng “thức giấc”, sau đó những cơn lốc mạnh sẽ giúp đưa những côn trùng này đi xa. 8 cơn lốc xoáy đã hình thành tại khu vực Ấn Độ Dương trong năm 2019, con số nhiều nhất trong vòng 1 năm kể từ khi những số liệu được thống kê, theo Matthews.