Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu: "Bánh mì thanh long sẽ là đặc sản của Việt Nam"

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 00:00, 03/03/2020

Trong lúc nhiều ngành kinh doanh rơi vào tình trạng ế ẩm do dịch Corona (Covid-19) thì suốt hơn hai tuần qua, tại các cửa hàng của Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) lại rất đông khách.
Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu:

Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu

Tôi có mặt tại cửa hàng bánh ABC trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM vào lúc 4 giờ chiều, khá đông người xếp hàng mua bánh mì thanh long. Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty ABC chia sẻ:

- Cách đây ba tuần, tôi xuống miền Tây, đi đâu cũng thấy trái thanh long chín chất đầy đường mà không ai mua. Khi đến Vĩnh Long, tôi nghe thông tin 300 container chở thanh long bị kẹt tại cửa khẩu không xuất qua được Trung Quốc, nhìn chủ hàng và tài xế bơ phờ mệt mỏi, tôi nao nao buồn. Từng là nông dân, tôi hiểu làm nông khổ cực trăm bề, bao công sức đổ ra chỉ trông ngày thu hoạch, nhưng khi giá nông sản rớt, hàng tồn ứ, vừa buồn vừa lo. Trên đường về, tôi cứ băn khoăn, nếu mua giúp thanh long cho nông dân theo kiểu "giải cứu" thì chỉ được ít thôi, lại không thể mua lâu dài.

Về văn phòng công ty, tôi cùng với Phòng Nghiên cứu - Phát triển (R&D) đưa ra ý tưởng "cứu thanh long" bằng cách sản xuất bánh mì thanh long. Nhiều năm nằm trong ban giám khảo những cuộc thi bánh quốc tế nên tôi đặt ra tiêu chuẩn cho bánh mì thanh long phải đảm bảo thẩm mỹ, hương vị và cấu trúc bánh. Ba lần thử nghiệm, hương vị, cấu trúc bánh không đạt. Thêm vài lần tìm nguyên nhân rồi cải tiến, cuối cùng chúng tôi đã có những chiếc bánh mì thanh long mà khách hàng ưa chuộng. 

Cầm chiếc bánh nóng xốp, giòn rộm, có màu hồng tự nhiên của thanh long ruột đỏ, hương vị thoang thoảng mùi thanh long, vỏ bánh lẫn những hạt đen li ti rất đẹp mắt, thớ bánh dẻo và dai, tôi vô cùng sung sướng. Ngày đầu tiên chỉ sản xuất 300 ổ bánh mì thanh long, mỗi bánh bán 6.000 đồng, nhưng sau hai ngày, đã lên hơn 3.000 ổ và sau một tuần là 40.000 ổ mà khách vẫn phải xếp hàng chờ mua!

Gắn với nghề làm bánh mấy chục năm, từng được nhận những giải thưởng như "Thợ bánh cấp cao của quốc tế", giải thưởng "Cống hiến thành tựu trọn đời trong ngành bánh quốc tế", nhưng với tôi, việc sản xuất được bánh mì thanh long là niềm hạnh phúc rất đặc biệt. Bởi lần đầu tiên, chiếc bánh mì đã chia sẻ phần nào nỗi khổ với bà con nông dân, đóng góp thêm giá trị cho nông sản Việt Nam. Tôi tin rằng, từ nay giá thanh long sẽ không còn rớt xuống 5.000 đồng/kg nữa. Tôi rất cảm ơn khách hàng, chính sự ủng hộ của người dùng đã làm nên thành công cho bánh mì thanh long.

Thanh long là trái cây đặc sản của Việt Nam, người thợ làm bánh cũng là người Việt Nam nên tôi muốn đưa bánh mì thanh long trở thành loại bánh đặc sản của Việt Nam.

Thanh long là trái cây đặc sản của Việt Nam, người thợ làm bánh cũng là người Việt Nam nên tôi muốn đưa bánh mì thanh long trở thành loại bánh đặc sản của Việt Nam.

* Ông có liệu trước sẽ có lúc thanh long nguyên liệu không còn rẻ hoặc không đủ cung ứng?

- Cũng có người hỏi tôi, khi sản xuất ổn định, nếu giá thanh long lên cao, làm sao giữ giá bánh mì như hiện nay. Trước khi sử dụng thanh long là một phần nguyên liệu của bánh mì, tôi đã nghĩ đến việc chủ động mua số lượng lớn vào thời điểm giá rẻ, thị trường dôi dư, sau đó ép chân không để sản xuất dần. 

* Kinh doanh thường phải giấu nghề, nhưng ông lại chia sẻ công thức làm bánh mì thanh long, hướng dẫn cả cách nướng bánh?

- Để giúp nông dân yên tâm với trái thanh long không bao giờ rơi vào cảnh bị "giải cứu" thì một mình ABC không làm được mà phải có nhiều doanh nghiệp chung tay. Mặc dù đến thời điểm này, tôi đã mua được gần 30 tấn thanh long nhưng vẫn còn rất nhiều thanh long đang cần có đầu ra bền vững.

Bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì Quốc tế Khu vực Đông Nam Á, là thành viên Hiệp hội Bánh mì Pháp, nên ngoài việc sáng tạo sản phẩm mới, trách nhiệm của tôi còn phải tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành bánh.

Thanh long là trái cây đặc sản của Việt Nam, người thợ làm bánh cũng là người Việt Nam nên tôi muốn đưa bánh mì thanh long trở thành loại bánh đặc sản của Việt Nam. Vậy nên công thức làm bánh phải được chia sẻ, được lan tỏa để có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất và khách hàng ở đâu cũng mua được, nhất là khách nước ngoài đến Việt Nam, nhắc đến bánh mì là nghĩ đến bánh mì thanh long, giống như họ nhắc đến phở. 

* Từ khi công khai công thức trên trang web của ABC Bakery, đã có ai làm thử bánh mì thanh long chưa, thưa ông?

- Có ba chủ doanh nghiệp gọi điện thoại cám ơn tôi vì họ đã làm thành công bánh mì thanh long. Đó cũng là niềm vui lớn đối với tôi. Trước đây tôi được Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nhiều lần mời đến chia sẻ kinh nghiệm làm bánh cho các đầu bếp trẻ và cũng tham gia nhiều buổi nói chuyện về cách làm bánh, kinh doanh bánh. Nhiều bạn trẻ sau này gặp tôi, nói rằng tôi đã đem lại cho họ niềm cảm hứng, những kinh nghiệm, kiến thức, giúp họ sớm tránh được thất bại. Đó cũng là giá trị mà tôi đã đóng góp cho thế hệ đi sau.

* Đưa thợ làm bánh "đọ sức" với thợ làm bánh nhiều nước trên thế giới, sau thành công từ các cuộc thi, ông có nguyện vọng gì cho ngành bánh Việt Nam?

- Tôi đánh giá rất cao tay nghề của thợ làm bánh Việt Nam. Nhiều năm làm giám khảo các cuộc thi bánh quốc tế, tôi biết điểm mạnh của người thợ Việt Nam là kỹ thuật bắt bông kem bằng tay vừa nhanh vừa sắc sảo nên khi đưa thợ đi đọ sức tại các cuộc thi làm bánh ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore... đều đạt huy chương vàng. Tham dự các cuộc thi ai cũng mong giành được giải cao nhất, nhưng giá trị mà tôi hướng đến là ngày càng nhiều bạn trẻ thích nghề làm bánh.

Ở Đài Loan, trước đây ngành bánh không mấy nổi bật, nhưng sau khi nghệ nhân Wu đạt huy chương vàng tại cuộc thi làm bánh quốc tế vào năm 2010 thì thị trường bánh ở hòn đảo này rất sôi động, kéo theo nhiều ngành liên quan cùng phát triển. Như vậy là giá trị gia tăng không còn của riêng ngành bánh mà là sự cộng hưởng của nhiều ngành khác, giải quyết được nhiều lao động, đặc biệt, nhiều bạn trẻ bắt đầu thích nghề làm bánh và trở thành nghệ nhân. Tôi mong Việt Nam cũng như vậy. 

Khi khởi nghiệp lần thứ hai, vốn chỉ có 400 USD, 10 cửa hàng với một xưởng làm bánh ở vị trí không thuận lợi, khó khăn vô cùng nhưng tôi vẫn còn "số vốn" lớn hơn nhiều, đó là uy tín và tự tin vào chính mình.

Khi khởi nghiệp lần thứ hai, vốn chỉ có 400 USD, 10 cửa hàng với một xưởng làm bánh ở vị trí không thuận lợi, khó khăn vô cùng nhưng tôi vẫn còn "số vốn" lớn hơn nhiều, đó là uy tín và tự tin vào chính mình.

* Theo ông, để ngành bánh Việt Nam phát triển, doanh nghiệp cần có những gì?

- Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn cùng với sự hội nhập và xu hướng công nghệ 4.0, doanh nghiệp làm bánh không thể sản xuất thủ công, quy trình đơn giản mà phải đầu tư thiết bị, máy móc đồng bộ, hiện đại, phải có hệ thống thông gió,  phải có trách nhiệm với môi trường... 

Được như thế là không dễ vì chi phí đầu tư cao. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất bánh tiếp cận công nghệ mới, tôi đã phối hợp với một số doanh nghiệp Đài Loan tổ chức triển lãm máy móc, thiết bị làm bánh và đã mang lại nhiều kết quả tốt cho ngành.

Một hạn chế khác của doanh nghiệp bánh Việt Nam là việc đầu tư nghiên cứu và phát triển. Ai cũng biết lập phòng R&D rất quan trọng vì nó tạo ra sản phẩm mới, khác biệt cho doanh nghiệp nhưng chi phí đầu tư không nhỏ, dòng tiền cứ đổ vào, cứ nghiên cứu, thí nghiệm, không thành công lại thêm tiền, nên có người nói vui, R&D là phòng phá tiền.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư cho R&D mà chỉ sao chép những sản phẩm đã có trên thị trường. Như vậy sẽ mất đi cơ hội và luôn là người đi sau.

* Là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì Quốc tế Khu vực Đông Nam Á, theo ông, các tổ chức hội đoàn phải làm thế nào để gắn kết hội viên và hoạt động hiệu quả? 

- Hội nghề nghiệp là tổ chức tập hợp doanh nhân để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình làm ăn. Vì vậy, thành viên của hội phải sẵn sàng chia sẻ quyền lợi, kinh nghiệm cho nhau. Hội đoàn phải tổ chức nhiều hoạt động mang lại giá trị, lợi ích thiết thực thì hội viên mới tin tưởng và vận động nhiều doanh nghiệp tham gia.

Quan trọng nhất là tổ chức đào tạo, hội thảo, giao lưu, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức, cập nhật thị trường. Tôi từng đến các công ty nước ngoài tham quan mô hình hoạt động, nhà xưởng của họ nên học hỏi được nhiều kiến thức, xu hướng tiêu dùng rồi áp dụng vào ABC Bakery. 

* Khởi nghiệp lần hai khi tuổi không còn trẻ và ông đã xây dựng ABC thành công. Bài học mà ông tâm đắc nhất? 

- Khi khởi nghiệp lần thứ hai, vốn chỉ có 400 USD, 10 cửa hàng với một xưởng làm bánh ở vị trí không thuận lợi, khó khăn vô cùng nhưng tôi vẫn còn "số vốn" lớn hơn nhiều, đó là uy tín và tự tin vào chính mình. Uy tín chính là sự sống còn, là cách để tôi quảng bá thương hiệu. Tôi luôn dạy các con, uy tín với khách hàng, đối tác chính là sản phẩm phải thật tốt, dứt khoát không giảm chất lượng nguyên liệu hay cho hóa chất vào bánh. Phải khiêm tốn học hỏi thì sẽ học được nhiều hơn và sẽ có nhiều người giúp mình. 

Thời điểm gây dựng thương hiệu ABC Bakery, thay vì cạnh tranh, tôi chọn cách học hỏi và hợp tác với đối thủ. Hiện ABC Bakery là nhà cung cấp bánh cho các thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Burger King... và các chuỗi cà phê, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Quan trọng nhất là giao máy móc cho ai. Nhiều doanh nghiệp có tiền mua máy móc nhưng hoạt động không hiệu quả vì giao máy không đúng người.

Quan trọng nhất là giao máy móc cho ai. Nhiều doanh nghiệp có tiền mua máy móc nhưng hoạt động không hiệu quả vì giao máy không đúng người.

* Một số doanh nhân cho rằng, máy móc hiện đại chưa phải là yếu tố mang lại thành công...

- Công nghệ là xu hướng mà cũng là điều kiện bắt buộc khi doanh nghiệp muốn phát triển. Khi nhập dây chuyền sản xuất bánh hiện đại nhất của Đức, chỉ trong một tiếng đồng hồ, ABC sản xuất 6.000 chiếc bánh.

Trước đây, tôi phải sử dụng 23 người cho một dây chuyền nhưng khi thay máy móc hiện đại, chỉ còn 13 người và bây giờ có thêm dàn máy mới, chỉ còn 7 người, trong khi sản lượng làm ra cao hơn gấp nhiều lần, giá thành cũng hạ đáng kể.

Quan trọng nhất là giao máy móc cho ai. Nhiều doanh nghiệp có tiền mua máy móc nhưng hoạt động không hiệu quả vì giao máy không đúng người. Ban đầu, tôi cũng giao thiết bị mới cho những thợ làm bánh giàu kinh nghiệm nhưng tôi đã sai. Với những người thợ giàu kinh nghiệm, tôi ví họ như những cỗ máy vi tính đã cũ. Dàn máy tính mới của tôi là các bạn trẻ có kiến thức. Lúc đó, ai cũng nói tôi liều, dám giao bạc tỷ cho bọn trẻ. Thế nhưng chỉ sau 15 ngày, họ vận hành máy rất hiệu quả. Từ kinh nghiệm đó, tôi rút ra bài học, công nghệ 4.0 không thể tách rời con người 4.0.

* Như vậy, máy móc sẽ thay những người thợ có kinh nghiệm?

- Không. Máy móc quan trọng nhưng  kinh nghiệm cũng quan trọng không kém. Vì vậy, những người thợ có kinh nghiệm vẫn làm việc trong dây chuyền với vai trò kiểm tra bánh và báo lỗi với kỹ thuật viên để điều chỉnh máy. Liên kết chặt chẽ như vậy mới tạo ra chuỗi kinh doanh hiệu quả.

* Ông có thể cho biết vì sao cho đến nay ABC Bakery vẫn chưa chú trọng thị trường nước ngoài?

- Mục tiêu của tôi là phát triển bền vững thương hiệu ABC Bakery nên tôi tập trung xây dựng hệ thống hoàn chỉnh để chuyển giao thế hệ. Tôi đã lớn tuổi, việc chuyển giao cũng phải đến. Vấn đề là làm sao khi nối nghiệp, các con tôi cảm thấy vui để làm. Khi đề nghị các con về làm việc với mình, tôi nói, ba đã mở đường rồi, nhiệm vụ của các con là vận dụng trí tuệ, kiến thức để làm cho công ty chạy nhanh hơn, trơn tru hơn. 

* Làm thế nào để các con ông yêu nghề vì để kinh doanh thành công là phải đam mê công việc mình làm?

- Con gái lớn của tôi học ở Singapore, đoạt loại xuất sắc nên được một công ty lớn giữ lại làm việc với mức lương cao, công việc ổn định. Đứa thứ hai cũng có công việc ổn định ở nước ngoài. Lúc đó, tôi rất sốc, nghĩ mình bỏ tiền cho con học giỏi để rồi mất con. Để thuyết phục các con, tôi thẳng thắn "ra giá" với mức "cạnh tranh sòng phẳng" với các công ty nước ngoài. Tôi đưa ra bức tranh sáng sủa của ngành bánh Việt Nam và ABC trong tương lai để thuyết phục các con. Tuy nhiên, đó không phải là lý do các con tôi trở về mà vì muốn cùng tôi đi tiếp ước mơ xây dựng ABC Bakery thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Thời gian đầu cha con tôi có những quan điểm trái ngược nhau. Các con nói tôi trì trệ, còn tôi thấy các con đi nhanh quá. Trong một công ty, sự đoàn kết nội bộ và giữ được hòa khí rất quan trọng. Vì vậy, tôi phải lắng nghe, dung hòa điểm mạnh, điểm yếu của hai thế hệ, thậm chí chấp nhận những cái sai của con để cho chúng trải nghiệm.

Thời gian đầu cha con tôi có những quan điểm trái ngược nhau. Các con nói tôi trì trệ, còn tôi thấy các con đi nhanh quá. Trong một công ty, sự đoàn kết nội bộ và giữ được hòa khí rất quan trọng. Vì vậy, tôi phải lắng nghe, dung hòa điểm mạnh, điểm yếu của hai thế hệ, thậm chí chấp nhận những cái sai của con để cho chúng trải nghiệm.

* Nhưng chắc là khó tránh khỏi sự bất đồng giữa hai thế hệ...

- Thời gian đầu cha con tôi có những quan điểm trái ngược nhau. Các con nói tôi trì trệ, còn tôi thấy các con đi nhanh quá. Trong một công ty, sự đoàn kết nội bộ và giữ được hòa khí rất quan trọng. Vì vậy, tôi phải lắng nghe, dung hòa điểm mạnh, điểm yếu của hai thế hệ, thậm chí chấp nhận những cái sai của con để cho chúng trải nghiệm. Để tránh sự chồng chéo trách nhiệm, tôi phân chia mỗi người phụ trách một mảng. Con gái lớn phụ trách xuất khẩu, con gái thứ phụ trách sản xuất, nhân sự.

* Kinh nghiệm truyền lại cho các con, ông thường quan tâm điều gì nhất?

- Tôi thường dạy các con phải thương nhân viên, xem họ là anh em. Nhân viên đồng lòng theo mình, đó là thành công. Trong quản trị con người, cái tâm là cần nhất. Ở công ty, tôi không cho nhân viên gọi là sếp mà gọi bằng "anh Ba". Tôi xây nhà tập thể cho anh em ở và họ rất vui. Ra đường, tôi được nhiều người gọi là thầy vì tôi từng dạy cho hơn 3.000 người lập nghiệp. Đó là giá trị lớn nhất mà nghề đã mang lại cho tôi.

Trước khi chia tay tôi, ông Kao Siêu Lực tiết lộ: "Ngày mai tôi đi nhận Huân chương Lao động hạng Hai cho cá nhân và Huân chương Lao động hạng Hai cho ABC Bakery do Chủ tịch nước tặng thưởng". Ông rất vui và tự hào về phần thưởng đó, nhưng niềm vui lớn mà tôi cảm nhận được từ ông không chỉ là những cống hiến cho ngành bánh được ghi nhận mà là hạnh phúc của một người đã đi đến cuối con đường mình đã chọn, dẫu không ít gập ghềnh.

Lữ Ý Nhi