4 bài học vàng trong kinh doanh từ tỷ phú sáng lập Walmart - Sam Walton

Chân dung - Ngày đăng : 08:00, 03/03/2020

Trong hồi ký Sam Walton: Made In America, vị tỷ phú tự thân quá cố đã có những chia sẻ thú vị về cuộc đời của mình và dưới đây là 4 trong số nhiều bài học kinh doanh quý giá đến từ Sam Walton.
4 bài học vàng trong kinh doanh từ tỷ phú sáng lập Walmart - Sam Walton

Sam Walton - vị tỷ phú từng một thời giàu nhất nước Mỹ. Ảnh: Fortune

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại bang Oklahoma, Mỹ và lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng (The Great Depression), song với biệt tài kinh doanh, Sam Walton đã sáng lập và đưa Walmart trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ thành công nhất trên thế giới, với gần 12.000 cửa hàng tại 28 quốc gia. Đồng thời, Walton từng nằm trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Dưới đây là 4 bài học kinh doanh nên học hỏi từ nhà sáng lập đế chế bán lẻ Walmart:

1. Quý trọng giá trị lao động

Giống với các "đại gia thầm lặng" được người đời nể trọng bởi lối sống cần kiệm như Ingvar Kamprad, Chuck Feeney hay Carlos Slim..., người từng một thời giàu nhất nước Mỹ - Sam Walton - cũng luôn đề cao lối sống bình dị. Ông tin rằng mỗi người đều có thể học cách tự cân bằng cuộc sống cho chính mình, nghĩa là vừa tận hưởng sở thích, thú vui hay đam mê của bản thân, vừa giữ cho chi tiêu luôn ở mức vừa phải.

Suốt mấy chục năm làm kinh doanh, Sam Walton đã nhiều lần chứng kiến cảnh người khác bán công ty với cái giá rẻ mạt chỉ để tận hưởng cảm giác giàu có trong nhất thời, rồi sau này phải ngậm trái đắng. Sam không giống vậy, ông trân trọng giá trị của sự lao động.

Triết lý kinh doanh của Sam là để có thể mang đến giá trị tốt nhất cho khách hàng, người làm kinh doanh phải biết cắt giảm chi phí lẫn biết tiêu tiền một cách khôn ngoan. Bởi vậy, ông luôn hành động theo mục tiêu mỗi đồng tiền mà ông tiết kiệm được là mỗi đồng tiền tiết kiệm được cho khách hàng.

Sam Walton đã đúc kết điều này trong câu slogan nổi tiếng của Walmart: Save money. Live better, nghĩa là "Tiết kiệm tiền. Sống tốt hơn".

Không dừng lại ở đó, vị tỷ phú cũng thực tiễn phương châm kinh doanh của mình khi luôn lựa chọn ăn tiệc ở những nhà hàng bình dân, hoặc ngủ chung với nhân viên để chia tiền phòng v.v...

2. Học từ thất bại

Năm 1945, sau khi xuất ngũ, Sam Walton đã mua lại cửa hàng tạp hóa nhượng quyền thương mại Ben Franklin và làm quản lý ở nơi này với số tiền 25.000 USD, trong đó, hết 20.000 USD là mượn từ bố vợ. Dầu đây là lần đầu tiên Sam Walton làm quản lý một cửa hàng tạp hóa, song đã tiên phong trong nhiều ý tưởng bán hàng mới nên đã gặt hái được thành công, trở thành cửa tiệm đắt khách nhất vùng Arkansas.

Link bài viết

Với doanh số bán hàng tăng từ 80.000 USD lên 225.000 USD chỉ trong vòng 3 năm, Sam Walton đã thu hút sự chú ý từ ông chủ cho thuê miếng đất của cửa hàng - P.K.Holmes - người có gia đình cũng từng làm việc trong ngành bán lẻ. Lòng tham nổi lên khi thấy làm ăn có lãi, Holmes đã muốn mua cửa hàng, bao gồm cả quyền nhượng quyền thương hiệu, để chuyển lại cho con trai mình kinh doanh. Dĩ nhiên, Sam Walton không đồng ý. Thế là, Holmes đã "nhẹ nhàng" từ chối gia hạn hợp đồng cho thuê đất. 

Không được tiếp tục thuê, Sam Walton phải rời cửa hàng của mình, đồng nghĩa với việc bỏ lại sau lưng hết tất thảy thành công ban đầu. Không nản lòng, vị tỷ phú đi tìm nơi khác và cuối cùng đã dừng chân tại khu vực Bentonville hẻo lánh - nơi được xem là vùng đất khai sinh của Walmart. Tại đây, Sam Walton đã thành lập cửa hàng mới và lần này thỏa thuận hợp đồng cho thuê tới tận… 99 năm.

Vị tỷ phú cũng tự hứa với bản thân phải ghi nhớ lần thất bại này và trong bất kỳ bản hợp đồng thuê đất nào trong tương lai, đều dành thời gian gấp đôi để xem xét. Ngoài ra, Sam Walton còn hướng con trai mình đi theo nghề luật sư để hỗ trợ về mặt pháp lý cho việc kinh doanh của gia đình.

3. Học tất cả mọi thứ có liên quan đến việc kinh doanh

Một trong những yếu tố quyết định cho thành công của Sam Walton phải kể đến việc vị tỷ phú này rất cần cù và siêng năng học hỏi. Ông thường tự nhắc bản thân phải học tất cả mọi thứ có liên quan đến công việc kinh doanh, cũng như phải dành thời gian giao thiệp với những người sở hữu nhiều kiến thức hơn mình, bất kể họ là ai.

sam-walton-cham-ngon-doanh-nha-1275-2515

Được biết, người đã khiến cho Sam Walton có hứng thú trong việc kinh doanh cửa hàng bán lẻ chính là anh thợ cắt tóc của ông. Và, nguyên tắc đầu tiên trong số các triết lý kinh doanh của nhà sáng lập Walmart cũng đến từ người thợ cắt tóc này và những người anh trai của Sam Walton.

Tinh thần ham học hỏi của Sam Walton còn thể hiện ở việc ông dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi vào ngày Chủ nhật để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến kinh doanh, và thảo luận về việc bán hàng tại nhà người quản lý của mình.

Thậm chí, vào thuở mới bắt đầu lập nghiệp, sau khi rời khỏi chuỗi cửa hàng J.C.Penney và tới Arkansas, Sam Walton còn dành thời gian nghỉ trưa tại cửa hàng của chính các đối thủ để sao chép cũng như học hỏi về phương pháp bán hàng.

4. Có tinh thần cạnh tranh mãnh liệt

Nếu như phải mô tả về Sam Walton bằng 1 cụm từ, thì hẳn cụm từ ấy phải là "có tinh thần cạnh tranh cao". Vị tỷ phú học được điều này từ sự dạy dỗ của mẹ mình. Thuở nhỏ, cậu bé Sam Walton thường được mẹ dạy rằng phải sống một cuộc đời thật nghiêm túc và luôn phải cố gắng phấn đấu để trở thành người giỏi nhất trong mọi thứ mình làm.

Link bài viết

Thế là, cậu thiếu niên đã vừa làm cứu hộ bể bơi, vừa chạy bàn để đổi lấy thức ăn và cho đến khi vào trung học đã không còn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa. Và, mặc dù phải sống trong thời khủng hoảng kinh tế bậc nhất, song Sam Walton vẫn có thể tích lũy được một số tiền kha khá trong suốt những năm đại học.

Vì tinh thần cạnh tranh đã được nuôi dưỡng từ bé, nên Sam Walton vừa tham gia bóng chày vừa chơi bóng bầu dục và bóng rổ cùng một lúc, rồi thắng cả hai giải vô địch liên bang ở hai môn khác nhau. Ấy là còn chưa kể đến vị trí trong đội hướng đạo sinh dẫu tuổi đời còn rất nhỏ và chức chủ tịch hội học kinh thánh của thị trấn. 

Chính thái độ và tinh thần cạnh tranh mãnh liệt này đã giúp Sam Walton sớm xác định được tư tưởng vươn lên cùng sự nhận thức về thành công cũng như tầm quan trọng của làm việc nhóm. Vị tỷ phú hiểu ra rằng việc thể hiện cái tôi của mình trước mặt người khác là điều hoàn toàn không cần thiết trong việc xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Thay vào đó, ông tập trung vào việc thu hút các cá nhân xuất sắc nhất, tài năng nhất và trung thành nhất đến với mình.

Lê Duy