Khi doanh nghiệp chủ động nguyên liệu, khẩu trang không còn cháy hàng?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 05/03/2020
Trong bối cảnh người dân đổ xô tìm mua khẩu trang dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, lợi dụng điều này, một số gian thương gom hàng đầu cơ đẩy giá bán lên cao, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng... gây hoang mang, thiệt hại cho người tiêu dùng. Cùng với nhu cầu thị trường lớn vào thời điểm nguồn nguyên liệu khan hiếm, phụ thuộc hơn 70% nhập khẩu (vải lọc kháng khuẩn phần lớn nhập từ Trung Quốc). Thay vì chờ đợi nguồn cung từ việc đàm phán với các nhà nhập khẩu khác như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia... An Phát đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế trong nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT An Phát cho biết, thách thức đối với các công ty may là phải có được nguồn nguyên liệu đầu vào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vệ sinh, y tế. Loại khẩu trang do công ty sản xuất được may bằng vải dệt có tính năng kháng khuẩn, có khả năng bảo vệ người dùng phòng và ngăn chặn được sự tấn công, lây lan của các vi sinh vật gây bệnh. Lợi thế là loại khẩu trang này dùng được nhiều lần, tính năng kháng khuẩn tốt, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tác dụng kháng vi khuẩn cũng sẽ mất dần trong quá trình sử dụng và giặt nhiều lần.
Thông qua đầu mối phân phối là Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây), An Phát sẽ đưa sản phẩm đến tay người dân với phương châm nhanh nhất, an toàn nhất, giá bán hợp lý nhất.
Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Bình Tây bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận vào thời điểm này mà chỉ mong sao sản phẩm đến tay người dân, giúp bình ổn thị trường. Trước mắt, Công ty Bình Tây sẽ đặt hàng 500.000 sản phẩm/tháng phục vụ công tác xã hội, vì cộng đồng”.
Thực tế, đối với các doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, xưa nay chỉ tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nên khi có sự cố dịch bệnh, cần sản xuất mặt hàng đơn giản như khẩu trang lại gặp phải lúng túng từ nguồn nguyên liệu, sản xuất cho đến kênh phân phối, bán hàng...
Sau sự cố dịch bệnh, khẩu trang vải kháng khuẩn cũng sẽ là cơ hội cho nhà sản xuất phát triển mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho một dòng sản phẩm mới.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành dệt may, nếu tình trạng dịch bệnh Corona tiếp tục diễn biến phức tạp trong vòng hai tháng tới, sức mua hàng thời trang, may mặc trên thế giới sẽ giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu đơn hàng, dư thừa lao động. Đẩy mạnh kênh sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mở ra cánh cửa giúp doanh vượt qua khó khăn.