Gỡ cảnh báo “thẻ vàng” vẫn khó
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 06/03/2020
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu với lý do chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, quyết định cảnh báo “thẻ vàng” của EC làm mất uy tín nghiêm trọng đối với hải sản Việt Nam.
Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” với các lô hàng hải sản của Việt Nam tác động rất lớn đến kinh doanh, đánh bắt cá bởi châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua.
Sau hai năm EC cảnh báo “thẻ vàng” xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU giảm 6,5%, năm 2018 là khoảng 390 triệu USD và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau “thẻ vàng”, thị trường EU đã tụt xuống thứ 5. Ngoài việc nhiều lô hải sản của Việt Nam bị giữ lại kiểm tra 100% với thời gian khoảng 3-4 tuần mỗi container, chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đánh bắt khoảng 500 bảng Anh/container, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao hàng.
Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 đến ngày 5/6/2020, Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, thì không những không tháo gỡ được “thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng “thẻ đỏ”.
Việt Nam đã liên tục cập nhật các nỗ lực về chống khai thác IUU và trao đổi về các vướng mắc kỹ thuật nhằm đạt được hiểu biết giữa hai bên về khung pháp lý và triển khai trên thực tế các giải pháp chống khai thác IUU. Theo ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, những biện pháp cải thiện tình hình của Việt Nam đang đi theo hướng tích cực nhưng là công việc vô cùng khó khăn. Một trong những biện pháp mà Việt Nam có thể làm ngay là trang bị những thiết bị đặt trên tàu cá để theo dõi cũng như kiểm soát được việc đánh bắt cá. Ông nói: “Thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ nếu Việt Nam thực hiện được các nghĩa vụ để cải thiện tình hình”.
Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” do vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2019 có 138 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Việc gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam đang chịu thêm những tác động bất lợi khi ngày một nhiều thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan, từ các nước cạnh tranh với Việt Nam để xuất khẩu hải sản vào EU, gây sức ép với phía EC, thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” với lý do Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU, chưa thực hiện đầy đủ Điều 60 “Quy định 14 hành vi được coi là bất hợp pháp”, Điều 61 “Quy định về chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác” trong Luật Thủy sản năm 2017 của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ cảnh báo "thẻ vàng" là phải chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra của EC đã chỉ ra qua đợt kiểm tra lần thứ hai tại Việt Nam. Ông đề nghị các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương tập ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản ở vùng biển của nước ngoài.