Từ xó bếp trở thành “bạn thân” với mẹ chồng

Du lịch - Ngày đăng : 00:30, 08/03/2020

LTS: Phụ nữ ngày nay vừa tham gia lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, vừa đóng vai trò nội tướng trong gia đình. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Doanh Nhân Sài Gòn xin gửi tới độc giả câu chuyện “đời thường” dưới đây nhằm chia sẻ và tri ân những đóng góp của phụ nữ.
Từ xó bếp trở thành “bạn thân” với mẹ chồng

“Mày lấy về nhà đấy, kiểu gì cũng bị mẹ chồng đày cho mà coi”, “Mới nhìn mặt mẹ chồng mày thôi đã thấy khó tính rồi”...

Trước khi chị lấy chồng, rất nhiều lời cảnh báo được nhắc tới, khiến chị rất hoang mang. Cuộc chiến “mẹ chồng nàng dâu” là cuộc chiến không đi tới hồi kết, dai dẳng từ đời này sang đời khác, khiến không riêng gì chị mà rất nhiều cô dâu khác đều lo sợ. Dĩ nhiên, trong số những “cuộc chiến” đó cũng có một vài cuộc chiến rất êm đẹp.

Rất nhiều lần chị tâm sự với chồng rằng mình là một người rất vụng nấu ăn, sợ về nhà anh không quán xuyến hết được chuyện bếp núc. Anh động viên chị, ủng hộ chị đi học một lớp nấu ăn cấp tốc. Nhưng chuyện đời, không phải cái gì bổ sung cấp tốc mà có thể thuần thục được, chưa nói đến nấu ăn ngon, được lòng người khác.

Chị cũng ân hận những năm tháng tuổi trẻ, chẳng chịu khó vào bếp để bây giờ đứng trước rất nhiều lo lắng ngổn ngang. Năm tháng tuổi trẻ đã cho thấy ngày ấy chị sai lầm khi nghĩ rằng phụ nữ hiện đại thì không cần phải vào bếp, cứ tự chủ tài chính là được.

Mẹ chồng chị lại không phải là dân công sở mà là người nội trợ chính trong gia đình. 

Cưới anh, tuy được bên nhà chồng đồng ý cho ra riêng nhưng chồng chị bảo muốn cả hai vợ chồng sống chung với bố mẹ trong những ngày tháng đầu để ba mẹ khỏi suy nghĩ, hàng xóm cũng không đếm xỉa. Ừ thì, chuyện sống chung với nhà chồng dâu nào cũng chẳng phải trải qua, chiều chồng chị gật đầu đồng ý.

Tuy mẹ chồng chưa có động thái gì khó chịu nhưng khi sống chung chị vẫn phải thận trọng từng tí, nhất là chuyện bếp núc. Mẹ chồng vẫn là người đứng bếp chính, chị phụ lặt vặt mấy việc như nhặt rau hay rửa bát mà thôi. 

Một hôm, mẹ chồng đi vắng, lại vào ngày cuối tuần, dĩ nhiên chị phải vào bếp làm cơm cho cả nhà. Chị lo lắng đến căng thẳng. Chị không biết phải làm món gì, chị định làm món mới cho khác lạ, nhưng chị lại sợ liệu mọi người có thích ăn món mới hay không? Điện thoại cầu cứu chồng, anh bảo cứ làm món gì cũng được.

Chị quyết định làm món cũ: chả lá lốt, canh xương hầm với măng và ngọn su su xào tỏi. Đó cũng là món tủ của mẹ chồng hay làm. Sau gần hai tiếng vật lộn chị cũng xong bữa ăn, nhưng ôi thôi, thức ăn không thể giống vị như mẹ chồng thường nấu. Lúc ăn thử, chị cũng công nhận rằng món mẹ chồng làm ngon hơn rất nhiều.

Sau bữa nấu ăn đầu tiên chính thức chị rất mắc cỡ nhưng mẹ chồng vẫn không một lời chê trách.

Những hôm rảnh chị vẫn vào bếp và mẹ chồng đều hỗ trợ. Chị suy nghĩ, việc “mẹ chồng nàng dâu” mọi người cứ đồn thổi, chứ thực ra chẳng có gì phải căng thẳng, đáng sợ hết. Mỗi món chị đều hỏi mẹ chồng về cách chế biến cũng như nêm nếm ra sao. Chị cẩn thận ghi nhớ từng chút một, thao tác nào khó thì chị ghi vào một cuốn sổ be bé. 

Trong xó bếp, chị cũng mạnh dạn trò chuyện với mẹ chồng. Chuyện ở cơ quan, chuyện ở chợ, chuyện trên đường. Dĩ nhiên chị sẽ chọn lọc những câu chuyện để tâm sự với bà chứ không phải là một bà “tám” nhiều chuyện.

Cũng từ xó bếp, chị biết được sở thích của mẹ chồng là đam mê mỹ phẩm, tuy bà ít đi ra ngoài, đây đó nhưng vẫn có thói quen chăm sóc da mặt. Vào những dịp quan trọng như ngày 8/3, ngày 20/10 hay ngày sinh nhật, chị khéo léo tặng bà một vài món mỹ phẩm uy tín đặt từ nhãn hàng uy tín hay bạn bè mua hộ. Và cũng từ xó bếp chị hiểu hơn về mẹ chồng. Bà tâm sự rằng, ngày xưa làm dâu với bà mẹ chồng hà khắc khiến bà rất thương những cô con dâu như bà và tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ làm khó những đứa con dâu của mình. Bà quan niệm rằng con dâu cũng như con đẻ.

Từ xó bếp, chị còn biết được những thói quen cả xấu lẫn tốt của chồng để mà “bắt thóp”, chị sẽ “cương”, “nhu” đúng lúc để giữ lửa cho tổ ấm.

Khi vợ chồng đã mua được một căn hộ riêng, chị vẫn lưu luyến lắm về những lần vào bếp với mẹ chồng. Với bà, chị mang một sự biết ơn đặc biệt, đó không còn là người có công nuôi dưỡng sinh thành chồng chị mà còn như một bà mẹ thứ hai, sau người mẹ đẻ tuyệt vời của chị. Nói không ngoa, giờ chị với mẹ chồng ăn ý hợp rơ nhau giống như hai người bạn thân thiết, tri âm, tri kỷ. 

Mai Hoàng