Đường đến 20 tỷ USD của ngành gỗ

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 11/03/2020

Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam tham gia xuất khẩu gỗ, đẩy doanh nghiệp trong nước vào tình trạng thu hẹp thị phần.
Đường đến 20 tỷ USD của ngành gỗ

Thị phần giữa hai khối doanh nghiệp gỗ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ tăng nhanh những năm gần đây, đặc biệt từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, năm 2019 có 966 doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động trong ngành gỗ, tăng 11,4% (số % tăng giảm trong bài đều so với năm 2018), với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,3 tỷ USD, tăng 13,2%.

Trong nhóm này, có 663 DN FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, chiếm gần 15% trong 4.464 DN ngành gỗ, tăng 26%. Mở rộng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu từ nhóm DN FDI - theo nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gỗ VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA vừa được công bố tại Hà Nội. 

Kim ngạch xuất khẩu từ nhóm DN FDI tăng nhanh, năm 2019 đã gần tương đương kim ngạch của nhóm DN nội địa, đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25%, chiếm 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD của toàn ngành. Khoảng cách này có thể được bù đắp bằng tốc độ tăng trưởng về kim ngạch mà nhóm DN FDI đạt được năm 2019 lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của DN nội địa, 25% của nhóm FDI so với 19% của nhóm nội địa. 

Link bài viết

Xuất khẩu của DN FDI ngành gỗ vẫn tập trung chủ yếu vào các thị trường truyền thống của ngành gỗ Việt Nam, cho thấy nhóm này vẫn “lúng túng” trong việc tìm kiếm thị trường mới để đưa kim ngạch lên cao hơn. 

Việc xuất khẩu đồ gỗ của DN FDI đến 7 thị trường có kim ngạch đạt từ 50 triệu USD trở lên không như kỳ vọng, năm 2019 chỉ 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó Mỹ là thị trường có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 3,5 tỷ USD, tăng 35%. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc giảm lần lượt là 24% và 31%. 

Giành thị phần lớn hơn trong xuất khẩu gỗ của nhóm FDI càng khó hơn khi Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động của dịch Covid-19 do thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu từ các nước. Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc khiến DN FDI chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. 

Đến nay, chưa có đánh giá chính thức về tác động dịch bệnh này lên nhóm DN FDI ngành gỗ, nhưng nhận định của ông Lập là có cơ sở. Thứ nhất, hiện có nhiều DN FDI của Trung Quốc hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam. Dịch Covid-19 với các chính sách hạn chế di chuyển tác động trực tiếp đến cán bộ quản lý và người lao động Trung Quốc làm việc tại các nhà máy.

Thứ hai, DN FDI ngành gỗ không chỉ của Trung Quốc mà còn có DN từ các quốc gia khác phụ thuộc vào nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 có thể đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc cho DN FDI ngành gỗ tại Việt Nam.

Liên kết doanh nghiệp gỗ Việt Nam và doanh nghiệp gỗ FDI

DN FDI là một mắt xích quan trọng để ngành gỗ Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Từ thực trạng ngành gỗ, TS. Tô Xuân Phúc - chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng, thay đổi cơ chế, chính sách để tạo kết nối giữa DN FDI, DN nội địa và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng là rất cần thiết. 

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, nhưng theo ông Phúc, sự gắn kết giữa nhóm DN FDI với các cơ quan quản lý, đặc biệt với các DN nội địa còn rất hạn chế. Chính sách hiện hành chưa cho phép DN FDI trở thành thành viên chính thức của các hiệp hội gỗ trong nước. 

Theo kinh nghiệm của TS. Phúc, nên thay đổi chính sách theo hướng tạo cơ hội cho DN FDI trở thành thành viên của các hiệp hội gỗ giống như DN nội địa.

Hiệp hội với vai trò đại diện cho DN của ngành có nhiệm vụ kết nối giữa hai nhóm DN trao đổi thông tin, đối thoại và thảo luận về cơ hội hợp tác theo hướng khuyến khích DN FDI thực hiện các liên kết với DN nội địa và các bên có liên quan như hộ gia đình cung cấp gỗ nguyên liệu. Chính sách này có thể được thiết lập theo hướng khuyến khích DN FDI kết hợp với DN trong nước và DN trong nước phụ trách những khâu nhất định trong chuỗi cung của DN FDI. 

Chính sách cũng có thể đi theo hướng khuyến khích DN FDI giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, tạo cơ hội cho DN nội địa tạo nguồn nguyên liệu thay thế. Chính sách cũng có thể khuyến khích được DN FDI kết hợp với các hộ trồng rừng nên thiết lập và duy trì việc đối thoại thường xuyên với DN FDI, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của khối DN này, từ đó giúp cho việc thiết kế chính sách sát thực hơn.

Chính phủ đang nỗ lực kêu gọi những nguồn đầu tư minh bạch trong bối cảnh tồn tại các rủi ro của đầu tư không có trách nhiệm, đầu tư núp bóng, gian lận thương mại, đây cũng là vấn đề rất cần thiết đối với ngành gỗ. Theo TS. Phúc, các cơ quan quản lý cùng với các hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu xác định những vấn đề rủi ro có liên quan đến đầu tư, từ đó đưa ra những biện pháp kịp thời, hiệu quả. Làm được điều này không chỉ giúp loại bỏ sự không bình đẳng trong đầu tư, thương mại mà còn góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoàng Anh