Sách giả online: Đơn vị làm sách "thua trắng"
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:00, 11/03/2020
"Chỉ cần 0,001% độc giả mua nhầm rồi liên hệ đòi đổi sách thật, chúng tôi đã thiệt hại đáng kể", theo CEO của First News |
Sách giả "lộng hành"
Giữa tháng 6/2019, First News - một trong số các đơn vị làm sách nổi bật của Việt Nam đã phải tổ chức họp báo nhằm thông tin và trưng ra bằng chứng ba sàn thương mại điện tử (TMĐT) gồm Shopee, Lazada và Sendo tiếp tay cho sách giả, sách lậu.
Tổng cộng, First News có 686 đầu sách bị in lậu, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Các ấn phẩm được bán online phổ biến của First News trong nhiều năm qua là Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Không bao giờ là thất bại - tất cả là thử thách, Hành trình về phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn, Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt...
Ông Nguyễn Văn Phước - CEO của First News cho biết, đơn vị xuất bản của ông có 1.000 tên sách nhưng phải "chiến đấu" với 3.000 phiên bản sách lậu. "Chỉ cần 0,001% độc giả mua nhầm rồi liên hệ đòi đổi sách thật, chúng tôi đã thiệt hại đáng kể. Điều đáng nói ở đây là chính độc giả cũng không thể phát hiện họ mua phải sách giả nếu không đặt hai cuốn sách thật - giả cạnh nhau để so sánh".
Nhà xuất bản Trẻ cũng phải lên tiếng cảnh báo độc giả trên fanpage và liên tục report hàng loạt trang mạo danh là tổng kho của đơn vị này, bán xả hàng các bộ sách ăn khách như Tiếng Nhật cho mọi người, Harry Potter, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sách của nhà văn Stephen King...
Link bài viết
Đầu năm nay, đơn vị làm sách Đông A phát hiện trang Ngôi nhà tri thức rao bán bộ 5 quyển sách giả của nhà văn Mario Puzo với giá "sale kịch sàn" 50% là 499.000đ (giá bìa giả là 1,192 triệu đồng), cao hơn giá bìa của bộ sách thật sau khi giảm giá 30% là 427.000đ (giá gốc 610.000đ). Nhà xuất bản Kim Đồng thì bị làm giả các quyển như Conan, Doraemon...
Các đầu sách bị làm giả bán online đều thuộc dạng "best seller". Để thu hút người mua, cạnh tranh với sách thật, một trong những "chiêu thức" hữu hiệu của các bên bán sách giả là nâng giá bìa, sau đó giảm giá sâu, kèm lời rao "sale kịch sàn" hoặc tặng thêm quà khuyến mại sau khi đã giảm 40-50%.
Người làm sách đơn độc
Trong vụ việc các sàn TMĐT tiếp tay cho sách giả, ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ, dù First News đã nhiều lần liên hệ, phát đi cảnh báo trong suốt 6 tháng nhưng các sàn thương mại điện tử vẫn mặc kệ. Theo hợp đồng bảo mật, các sàn TMĐT không được tiết lộ hay cung cấp địa chỉ của người thuê sàn. Điều này khiến các đơn vị làm sách gặp khó nếu muốn tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết.
"Trên Amazon không bao giờ có sách giả, vì họ có kho nên kiểm soát được. Nếu lưu trữ sách giả, họ bị phạt rất nặng. Còn Lazada, Shopee hay Sendo rất khó xử lý, vì cơ bản họ chỉ là các sàn trung gian tạo ra chợ và công cụ thanh toán để kết nối người bán người mua", đại diện một đơn vị làm sách chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, các đơn vị làm sách gần như đơn độc và bế tắc trong việc chống lại sách giả bán online.
"Với sách giả trên các sàn TMĐT, đơn vị làm sách làm việc trực tiếp hay không không quan trọng bởi đa số sách giả đến từ những hàng online nhỏ lẻ. Vậy nên cách chống sách giả tốt nhất là chính các sàn phải trở thành nơi chủ chốt chống sách giả, sách lậu. Khi sàn phát hiện các cửa hàng có vấn đề thì phải ngăn không cho họ kinh doanh trên sàn nữa. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều lần khi phát hiện sách của đơn vị mình bị làm giả và bán ngang nhiên trên sàn, chúng tôi liên hệ để phản ánh thì họ đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, quy trình phiền phức khiến đơn vị xuất bản cảm thấy mệt mỏi", ông Nam bày tỏ.
Tương tự, với các trang bán sách giả trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, đơn vị làm sách đành "lắc đầu" vì thiếu cơ sở pháp nhân, rất khó để khởi kiện. Cách duy nhất để tự cứu là đơn vị làm sách liên tục report các trang giả mạo, lên tiếng khi phát hiện sách giả, sách lậu, hướng dẫn độc giả phân biệt sách thật, sách giả, kêu gọi họ mua sách ở những cửa hàng uy tín, đáng tin cậy trên fanpage, website chính thức.
Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp hữu hiệu. Để ngành sách phát triển lành mạnh thì khâu quản lý thị trường phải sát sao và có cơ chế chặt chẽ, rõ ràng.
"Trong nhiều năm qua, nhiều hội nghị, hội thảo bàn về việc chống sách giả, sách lậu diễn ra sôi nổi nhưng đều dừng lại ở hình thức vì đóng góp của ngành sách vào GDP không cao như những ngành nghề khác. Song tuyệt đối đừng vì vậy mà buông xuôi bởi sách là ngành quan trọng để kiến tạo tri thức", ông Phước chia sẻ.