Ứng phó với Covid-19, trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng giảm còn 4,75%

Tài chính, chứng khoán, ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 17/03/2020

Chiều 16/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ 17/3/2020 để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Ứng phó với Covid-19, trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng giảm còn 4,75%

Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực từ 17/3

Theo đó, lãi suất được điều chỉnh bao gồm các khoản tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng…

Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4% giảm xuống 3,5%/năm. Đồng thời, NHNN cũng niêm yết lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm còn 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Song song với lãi tiền gửi, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay tối đa ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của các TCTD. Trong đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ giảm 0,5 điểm %, từ 6% xuống 5,5%/năm; lãi suất các khoản vay tương tự tại Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối giảm từ 7% xuống 6,5%/năm.

NHNN cũng quy định mức lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc các TCTD gửi tại NHNN bằng đồng Việt Nam là 1%/năm, lãi suất với số tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc áp dụng 0%. Tương tự, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%, còn lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Như vậy, phần lớn các lãi suất điều hành được NHNN giảm từ 50 - 100 điểm %. Đây là mức giảm khá mạnh nhưng được cho là phù hợp với tình hình chung trên thế giới, trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương các nước mạnh tay cắt giảm lãi suất.

Theo NHNN, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành.

Trong nước, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Do đó, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất trên có hiệu lực từ ngày 17/3.

Thêm vào đó, việc NHNN giảm lãi suất điều hành cũng đã được nhiều chuyên gia dự báo trước đó. Theo TS. Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất lần này sẽ có độ trễ nhất định để có thể tác động tích cực tới người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Ông cho rằng, ngoài hạ lãi suất, cơ quan quản lý nên nhanh chóng thực hiện các giải pháp giãn, hoãn nghĩa vụ trả nợ, miễn giảm phí/thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, tăng chi tiêu đầu tư công…

Tuỳ Phong