Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thời đại chúng ta sắp ập đến

Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 18/03/2020

Đó là nhận định của huyền thoại đầu tư Jim Rogers - Chủ tịch của Beeland Interests, người đồng sáng lập quỹ đầu tư Quantum với tỷ phú George Soros.
Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thời đại chúng ta sắp ập đến

Bình luận về sự hỗn loạn của thị trường tài chính thế giới, Jim Rogers cho rằng, phần lớn các thị trường vẫn chưa sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và không biết điều gì sắp xảy ra.

Là tác giả của nhiều quyển sách dạy làm giàu cũng như là nhà đầu tư lừng danh, Jim Rogers cùng với tỷ phú Warren Buffett và George Soros được xem là 3 người khổng lồ của giới tài chính toàn cầu. 

Mới đây, Rogers đã có cuộc trao đổi với hãng tin RT về những tác động của dịch Covid-19 lên thị trường tài chính, trong bối cảnh chính phủ nhiều quốc gia đang gấp rút ngăn chặn sự lây lan mạnh mẽ của SARS-CoV-2, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Theo Rogers, rất nhiều người sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, khi những tác động tiêu cực của đại dịch nhiều khả năng sẽ tồn tại trong thời gian dài. 

"Trước đây, tôi từng trả lời RT rằng cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp sẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất", ông nói. Và, dường như chúng ta đang trên đường hướng tới "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta", nhà đầu tư lừng danh bổ sung. Rogers cũng nói "trong vài tháng nữa, chúng ta sẽ biết về điều này".

Dẫn lời nhà đầu tư, hãng tin RT cho biết hàng loạt ngành công nghiệp như hàng không và du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp với khoản nợ lớn đặc biệt dễ bị tổn thương tại thời điểm này; trong khi những tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường thương mại quốc tế nói riêng sẽ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. 

"Vài trong số đó sẽ phá sản", Rogers nói và chỉ ra rằng, các hãng hàng không cũng như doanh nghiệp vận tải lớn có thể sẽ được "giải cứu", vì nếu không sẽ gây khó khăn cho các quốc gia.

Nhà kinh tế học Roubini tin rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP

Covid-19 nhiều khả năng sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP

Bình luận về sự hỗn loạn của thị trường tài chính thế giới, nhà đầu tư lừng danh cho rằng, phần lớn các thị trường vẫn chưa sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và không biết điều gì sắp xảy ra. Tuy nhiên, lý do đằng sau tình trạng hỗn loạn như vậy "không chỉ nằm ở vi rút, mà rõ ràng là còn nhiều hơn thế".

Vào đầu tháng 3 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn trên CNN, Rogers đã cho biết: "Dù thị trường chứng khoán đã chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, song hiện tại thực sự là thời điểm tốt để mua vào. Tôi biết việc bán tháo trên thị trường được giới truyền thông gán cho lý do dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, dịch bệnh đã tồn tại 3 tháng nay và lan ra rất nhiều nơi. Sự thật là, tôi cho rằng thị trường đã mua quá mức và bây giờ chúng ta đang có một đợt bán tháo".

Ngoài ra, lời khuyên Rogers dành cho các nhà đầu tư là chỉ "nên rót tiền vào những gì bản thân biết rõ". Ngoài ra, cần biết rằng, Jim Rogers không phải cá nhân duy nhất dự báo về sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Vào cuối tháng 2/2020, chuyên gia kinh tế học người Mỹ Nouriel Roubini cũng đưa ra những dự đoán đáng chú ý về hậu quả gây ra bởi Covid-19; trong đó nhận định thị trường chứng khoán thế giới sẽ sụt giảm 30-40%.

Là người dự đoán chính xác về vụ nổ bong bóng bất động sản Mỹ và khủng hoảng tài chính năm 2008, cũng như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đối với một Hy Lạp ngập trong nợ, Roubini luôn khiến giới tài chính toàn cầu phải chú ý với những dự báo của mình.

Trong bài phỏng vấn ngày 27/2 do tạp chí Spiegel của Đức thực hiện, Roubini đã đưa ra dự báo rằng, SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến một thảm họa kinh tế toàn cầu. Một trong những lý do được ông đưa ra để củng cố cho lập luận của mình là cuộc khủng hoảng này sẽ là một cú sốc nguồn cung mà không thể được ứng phó bằng chính sách tài chính hay tiền tệ. 

Các biện pháp tài chính và tiền tệ là vô ích khi mọi người không có đủ thực phẩm và nước uống. Ảnh: NYPost

Các biện pháp tài chính và tiền tệ là vô ích khi mọi người không có đủ thực phẩm và nước uống. Ảnh: NYPost

Thay vào đó, Roubini cho rằng, giải pháp y tế mới là lời đáp cần thiết cho khủng hoảng. Các biện pháp tài chính và tiền tệ chẳng mang lại ích lợi gì với người thiếu thực phẩm và nước uống. Và, nếu cú sốc từ dịch bệnh kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng tài chính sẽ đến, vì mức nợ đã tăng lên và thị trường nhà đất ở Mỹ đang trải qua tình trạng bong bóng giống như hơn 10 năm trước.

Mọi người đều nghĩ rằng đó sẽ là một cuộc suy thoái hình chữ V, nhưng họ lại không hiểu mình đang nói gì mà cứ thích tin vào phép lạ, Roubini cho biết. Hãy làm một phép tính đơn giản, nếu nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm 2% trong quý I/2020, nước này cần đạt tăng trưởng 8% trong 3 quý sau đó để có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6% cả năm như dự kiến.

Nếu tăng trưởng chỉ là 6% từ quý II trở về sau (kịch bản được xem là thực tế hơn), nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 2,5 - 4% cả năm 2020. Tỷ lệ này về cơ bản nghĩa là Trung Quốc bị suy thoái và đó sẽ là một cú sốc lớn với thế giới.

Cũng dự báo thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới, chuyên gia kinh tế Jesse Colombo cho rằng, cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ trầm trọng hơn lần trước. Từng tiên đoán chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Colombo cho biết, nhiều "bong bóng" mới tại hàng loạt thị trường trên thế giới đang sắp sửa nổ tung.

"Chúng ta đã ở thời điểm rất sát trong chu kỳ và SARS-CoV-2 về cơ bản chỉ là tình huống họa vô đơn chí. Dù có nó hay không, thì chúng ta cũng đã tiến gần đến một cuộc suy thoái từ trước khi ai đó nghe về Covid-19", vị chuyên gia kinh tế nói với tờ Independent.

Khởi Vũ