Chiến lược Tài chính Quốc gia: Mở cửa thị trường, phổ cập thanh toán điện tử
Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 19/03/2020
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 149/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược Tài chính).
Chiến lược Tài chính được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một định hướng quan trọng, không chỉ đưa nền tài chính mà cả nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là sự mở cửa tất yếu của nền kinh tế, đặc biệt là trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo mục tiêu của Chiến lược Tài chính, đến năm 2025, có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được phép khác; tiến tới mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được phép khác vào năm 2030. Chiến lược Tài chính cũng đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20-25% hằng năm.
Chiến lược Tài chính đề ra nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện. Cùng với đó là phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, dễ dàng với mức chi phí hợp lý.
Điểm nổi bật nhất trong Chiến lược Tài chính là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp, như thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí...) hay chi trả lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội...
Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đã được thực hiện nhưng còn khá hạn chế, cần có thêm nhiều ứng dụng công nghệ số để mở rộng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Chiến lược được đề ra trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi rất lớn, liên quan đến công nghệ số, đến môi trường kinh doanh và mô hình phát triển quốc gia”. Ông nhấn mạnh, chiến lược này sẽ có sức ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nước nhà, do vậy phải cần có thời gian để thực hiện.
Cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng số
Một trong những điểm quan trọng của Chiến lược Tài chính là mở cửa, cho phép thêm các thành phần kinh tế, trong đó có cả những thành phần kinh tế nước ngoài cùng tham gia cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số.
Chiến lược Tài chính không chỉ tập trung ở ngân hàng, công ty tài chính mà ngay cả những công ty Fintech (công nghệ tài chính) như công ty Internet, điện thoại di động, điện toán đám mây, phần mềm mã nguồn mở cũng có thể hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính và cung cấp công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách cá nhân, tổ chức vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn... tức tham gia vào thị trường tài chính rộng lớn của Việt Nam.
Việc mở cửa nền tài chính phù hợp với xu hướng mới, phù hợp với việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định CPTPP, EVTPP và nhiều FTA khác.
Riêng lĩnh vực chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Chiến lược Tài chính nêu rõ: “Cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp”.
Muốn đưa dịch vụ đến với mọi người, xóa vùng trắng dịch vụ, đòi hỏi có hệ thống chuyển mạch hiện đại, liên thông giữa các phương tiện thanh toán.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có một đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử. Là một lĩnh vực ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính quốc gia thì việc cho phép thêm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này là bước ngoặt đối với toàn ngành.
Thực tế cho thấy, thị trường mỗi khi có sự cạnh tranh, người tiêu dùng đều hưởng lợi. Thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sẽ tạo sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giá cả sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường chuyển mạch tài chính sẽ tạo điều kiện để phổ cập dịch vụ tài chính tới toàn dân, xóa những vùng lõm ở vùng sâu, vùng xa.
Để phổ cập thanh toán điện tử, Chính phủ cho phép nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán từ tài khoản di động (mobile money). Hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 30% dân số tiếp cận với hệ thống dịch vụ ngân hàng, chủ yếu là ở các thành phố, trong đó có dịch vụ chuyển tiền qua smartphone. Nếu sử dụng mạng di động của Viettel, MobiFone, VinaPhone để thanh toán thì có lợi ích rất lớn cho người dân và quốc gia.
Phải đặc biệt quan tâm tới an ninh mạng
Tuy nhiên, mở cửa thị trường tài chính cũng có khả năng mang đến những rủi ro cho nền kinh tế. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, rủi ro lớn nhất có thể kể đến là không kiểm soát được tất cả hoạt động tài chính, trong đó có liên quan đến công ty Fintech, liên quan đến thanh toán điện tử. Ngay cả các nước tân tiến của thế giới như Mỹ, Anh cũng rất bận tâm về dữ liệu quốc gia bị xâm nhập, dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt, bị lợi dụng. Chính phủ nhiều nước buộc Facebook phải điều trần và nộp phạt do làm lộ thông tin người dùng đã chứng minh điều đó.
Những tiêu cực cũng đã xảy ra ở Việt Nam khi có những công ty Fintech thực hiện hoặc tiếp tay cho việc huy động vốn, cho vay lãi suất cao, rửa tiền. Trong bối cảnh như thế, nếu nước ta mở hết cửa thị trường tài chính thì phải có cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ để không bị lộ thông tin, không bị đánh cắp thông tin, không bị lừa đảo.
Điều đó cho thấy việc kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện Chiến lược Tài chính quan trọng như thế nào!