Tỷ giá diễn biến khó lường

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 25/03/2020

Kể từ sau Tết Canh Tý đến nay, tỷ giá USD/VND tăng giảm nhanh khó lường, lại có sự lệch pha khá lớn giữa các thị trường.
Tỷ giá diễn biến khó lường

Đơn cử như, có lúc tỷ giá trung tâm tăng, nhưng giá giao dịch tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do lại giảm và ngược lại. Dù vậy, nếu so với đầu năm, giá USD trong nước vẫn duy trì xu hướng đi lên, bất chấp đồng USD hiện nay đã giảm sâu trên thị trường thế giới.

Vẫn duy trì xu hướng tăng

Tính đến ngày 16/3/2020, tỷ giá trung tâm USD/VND nằm tại 23.222 đồng, giảm 2 đồng so với tháng trước và tăng 67 đồng, tương đương 0,29% so với đầu năm. Giá mua USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuy vẫn giữ nguyên ở 23.175 đồng, kể từ lần điều chỉnh giảm 25 đồng vào ngày 29/11/2019, trong khi giá bán ra tăng tương ứng theo tỷ giá trung tâm, kéo chênh lệch giá mua bán ngày càng nới rộng.

Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng trong xu hướng đi lên so với đầu năm. Cụ thể, giá mua bán USD tại Vietcombank trong sáng 16/3/2020 tương ứng tại 23.150 và 23.290 đồng, tăng lần lượt 70 đồng và 60 đồng so với đầu năm. Trên thị trường tự do, giá USD ở mức cao hơn tại 23.250 đồng ở chiều mua, nhưng bán ra lại thấp hơn ở các ngân hàng tại mốc 23.270 đồng. Theo đó, chênh lệch mua bán tại các ngân hàng mở rộng ở mức 140 đồng, nhưng trên thị trường tự do vẫn duy trì quanh mốc 20 đồng.

Trên thị trường quốc tế, sự biến động của USD trong những tuần gần đây còn khó lường hơn, với mức tăng giảm khá mạnh theo sự rối loạn của các thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính khác, sau khi giảm một mạch từ mốc gần 100 điểm vào ngày 21/2/2020 về 94,6 điểm vào ngày 9/3/2020, tức giảm gần 5,5% chỉ trong vòng hơn nửa tháng, thì kể từ đó đã bật nhanh lại lên vùng gần 99 điểm.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp giảm lãi suất cơ bản USD trong những ngày gần đây là nguyên nhân chính kéo đồng USD trồi sụt thất thường chỉ trong thời gian ngắn. Cụ thể, sau khi giảm 0,75% lãi suất USD vào những ngày đầu tháng 3 này, thì ngày 15/3/2020 FED tiếp tục giảm đến 1%, kéo lãi suất cơ bản USD về mức 0% như những dự báo trước đó, đánh dấu lần cắt giảm thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần và là lần giảm thứ 5 kể từ tháng 8/2019 đến nay.

Theo lý giải của FED, tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và gây rủi ro cho triển vọng phát triển, nên buộc phải sớm hành động với cường độ mạnh tay. FED cũng cho biết hy vọng sẽ duy trì phạm vi lãi suất từ 0 - 0,25% đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế vượt qua được các diễn biến xấu và trên đà đạt được mục tiêu ổn định việc làm và giá cả.

Link bài viết

Nguồn cung ngoại tệ bị ảnh hưởng

Quay lại với tình hình trong nước, đồng USD vẫn duy trì đà tăng giá là điều tất yếu, không chỉ vì ảnh hưởng từ thị trường thế giới, mà thực tế nguồn cung ngoại tệ không còn tăng mạnh như giai đoạn trước, khi ảnh hưởng từ dịch bệnh đã làm đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và có thể cả dòng chu chuyển kiều hối bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút 500 dự án với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, tăng 104,7% về vốn đăng ký, trong đó riêng dự án điện khí Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 80%. Tuy nhiên, nếu tính theo dòng vốn FDI thực hiện, tức dòng tiền thực tế được giải ngân, thì hai tháng qua chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ 2019.

Ở đầu tư gián tiếp, tổng giá trị góp vốn đầu tư, mua cổ phần là 827,3 triệu USD, giảm 84% so cùng kỳ và chỉ bằng 16% so với mức đạt được của cùng kỳ năm ngoái. Nhìn trên thị trường chứng khoán, động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại khi các quỹ hàng loạt rút vốn, thoái vốn trước lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế và các thị trường tài chính, cũng là một dấu hiệu cần lưu ý. Thực tế, khi các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài rút vốn, họ buộc phải chuyển sang USD nên có thể gây áp lực lên cầu ngoại tệ.

Nếu như năm 2019, Việt Nam đã hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt vào thị trường Mỹ, giúp cán cân thương mại hàng hóa cả năm thặng dư đến 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu, thì hai tháng đầu năm nay, xu hướng này đã không được duy trì.

Trước tình trạng giao thương toàn cầu chậm lại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sức cầu tiêu dùng suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hai tháng qua chỉ đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chỉ tăng 2,4%, nhưng tính theo số tuyệt đối là cao hơn ở 37,1 tỷ USD, nên đã nhập siêu 176 triệu USD.

Dòng ngoại tệ chuyển về thông qua kiều hối cũng có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân là ngoài việc nền kinh tế toàn cầu có thể lâm vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập của kiều bào bị tác động đáng kể, thì không ít người lao động Việt Nam ở các nước đã và tìm cách về nước để tránh dịch Covid-19.  

Anh Khoa