Đấu giá tài sản, doanh nghiệp cần làm gì?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:15, 25/03/2020
Doanh nghiệp A là công ty cổ phần có vốn nhà nước (chiếm cổ phần không chi phối 35%). Trước đó, do nhu cầu phát triển, doanh nghiệp A dự định mở rộng chi nhánh nên đã mua lại một lô đất từ sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp A đang cần vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nên quyết định sẽ bán lại lô đất này. Vậy doanh nghiệp A cần làm gì để thực hiện đúng trình tự của pháp luật?
Luật sư tại Hệ thống Luật Thịnh Trí giải đáp về trường hợp này cụ thể như sau:
Để bán lô đất, doanh nghiệp A cần thực hiện các thủ tục như sau:
Trước tiên, cơ quan có thẩm quyền của doanh nghiệp A ban hành quyết định bán lô đất. Tùy thuộc vào giá trị của lô đất so với tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất mà cơ quan có thẩm quyền quyết định bán lô đất của doanh nghiệp A hoặc là Đại hội đồng cổ đông, hoặc Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc căn cứ theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp A và quy định tại điều 135, điều 149, điều 157 của Luật Doanh nghiệp.
Sau đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán lô đất của doanh nghiệp A (là Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc) quyết định hình thức bán lô đất. Tuy nhiên, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp A phải quyết định bán lô đất thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 điều 4 Luật Đấu giá tài sản, khoản 3 điều 27 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, khoản 1 điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Về giá khởi điểm bán lô đất, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán lô đất của doanh nghiệp A quyết định giá bán lô đất. Tuy nhiên, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp A phải quyết định thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định giá để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm theo quy định tại khoản 3 điều 27 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, khoản 2 điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Trong trường hợp doanh nghiệp A quyết định bán lô đất này theo hình thức đấu giá, thì trình tự và thủ tục doanh nghiệp A cần thực hiện như sau:
Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, doanh nghiệp A thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có trang thông tin điện tử thì doanh nghiệp có thể vận dụng quy định thông báo công khai việc đấu giá tài sản được quy định tại điều 57 Luật Đấu giá tài sản, đó là đăng thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình trung ương hoặc tỉnh. Mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất hai ngày làm việc.
Sau đó, doanh nghiệp A ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn và cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó theo quy định tại điều 33 Luật Đấu giá tài sản.
Tiếp theo, doanh nghiệp A tham dự cuộc đấu giá và ký biên bản đấu giá theo quy định tại điều 44 và điều 47 Luật Đấu giá tài sản. Sau khi thực hiện việc đấu giá thành công, doanh nghiệp A ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo quy định tại điều 46 Luật Đấu giá tài sản.
Cuối cùng, doanh nghiệp A sẽ bàn giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hoặc theo quy định của pháp luật như quy định tại điều 47 Luật Đấu giá tài sản.
Trong trường hợp doanh nghiệp A muốn bán lô đất trên theo hình thức thỏa thuận, doanh nghiệp A phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quyết định bán lô đất của doanh nghiệp A (là Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc) quyết định.
Do doanh nghiệp có vốn nhà nước, nên người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp A phải quyết định bán lô đất thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 điều 4 Luật Đấu giá tài sản, khoản 3 điều 27 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, khoản 1 điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bán lô đất của doanh nghiệp A (là Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc) quyết định bán theo thỏa thuận và có lập biên bản ghi rõ nội dung này thì doanh nghiệp được phép bán theo thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quyết định phải được thông qua theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.
· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365 · Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM |