Contagion - Lời tiên tri về Covid-19 từ 8 năm trước?
Thư giãn - Ngày đăng : 02:00, 28/03/2020
Contagion bắt đầu từ chuyến bay của Beth Emhoff (Gwyneth Paltrow) một nữ doanh nhân trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Hồng Kông (Trung Quốc), đột ngột qua đời vì một căn bệnh kỳ lạ. Chỉ vài ngày sau, dịch bệnh này bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới với tốc độ lây lan khủng khiếp, khiến 26 triệu người tử vong.
Contagion được sản xuất vào năm 2011, là một bộ phim được xếp vào thể loại khoa học - giả tưởng của đạo diễn gạo cội Steven Sonderbergh. Chia sẻ trên một diễn đàn, đạo diễn Soderbergh cho biết ông cùng ê kíp của mình đã theo đuổi phong cách hiện thực trong phim, đồng thời nghiên cứu dịch SARS năm 2003 và dịch cúm năm 2009 để phát triển kịch bản. Mục đích của ông là thông qua một số câu chuyện, tái hiện lại cách mà xã hội, giới chức trách, khoa học phản ứng với bệnh dịch.
Cũng như nhiều bộ phim có thông điệp và giá trị nhân văn khác, những người làm phim Contagion luôn mong muốn được gửi gắm một bài học nào đó vào trong phim. Mặc dù, vào thời điểm năm 2011, nhiều khán giả sau khi xem phim xong còn nghĩ rằng những tình huống đó chỉ có ở trên phim mà thôi. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, Contagionkhiến bất cứ ai xem phim đều có thể tìm được bài học cho mình trong đó, cho dù đó là một người bồi bàn, người thu ngân, doanh nhân, hay bác sĩ, nhà khoa học và thậm chí cả những người đứng đầu những tổ chức thế giới và chính quyền cấp cao.
Contagion được đón xem nhiều hơn có lẽ bởi một phần nó chân thực và khắc nghiệt như một phim tài liệu phóng sự điều tra và nó đề cập tới nhiều vấn đề nóng bỏng không chỉ xoay quanh việc nghiên cứu và tìm cách phòng chống bệnh dịch.
Qua bộ phim, ta còn thấy được rất nhiều vấn đề khác chi phối từ trực tiếp tới gián tiếp, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của những nhà cầm quyền khi đứng trước mối đe dọa hiện hữu, sự mất kiểm soát của truyền thông cũng như một số người tàn nhẫn trục lợi trên sự hoảng sợ của đồng loại mình. Và ở thời nào cũng vậy, tâm lý sợ hãi, hoảng loạn của đám đông khiến con người ta đặt ra câu hỏi: Giữa sự lây lan của loại virus kia và sự hoảng loạn mất kiểm soát của con người, đâu mới là điều đáng ngại hơn?
MEV-1 - loại virus được nhắc tới trong phim, chứa nhiều đặc điểm giống với virus SARS hay H1N1 từng hoành hành trước đây và bây giờ là Covid-19. Chúng lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc cơ thể và gây chết người nhanh chóng. Bởi vậy, những hình ảnh về quá trình đi tìm kiếm, nghiên cứu sự khởi nguồn của loại virus cũng như các cách đối phó với bệnh dịch từ người dân tới chính quyền trong phim trở nên chân thật hơn bao giờ hết.
Bộ phim có diễn biến theo dòng thời gian nhưng nếu ai để ý một chút sẽ thấy nó được bắt đầu từ "ngày 2", chứ không phải "ngày đầu tiên". Con số "ngày 135" là ngày cuối cùng được nhắc đến cũng chưa phải là ngày mà cả thế giới đã đẩy lùi được bệnh dịch.
Rõ ràng, hơn 130 ngày là khoảng thời gian phải trả giá bằng cả tính mạng, sự hi sinh thầm lặng của những người mong muốn tìm ra nguồn gốc của bệnh dịch này. Đó là bác sĩ Erin Mears (Kate Winslet), nhà khoa học Ally Hextall (Jennifer Ehle), bác sỹ Orantes (Marion Cotilard)… và nhiều nhân vật khác, được cử đi đầu trong nghiên cứu tìm ra nguồn gốc lây lan của dịch bệnh, đã không ngần ngại đưa mình vào thế đối mặt với sự nguy hiểm của loại virus chưa rõ nguồn gốc.
Cũng giống như thời điểm của đại dịch Covid-19, phải đến khi thế giới công nhận nó là đại dịch thì những người trả giá bằng tính mạng trong cuộc chiến với virus này như bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) - một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), mới được ghi nhận.
Không có những thủ pháp bi kịch hóa trong các kịch bản thường thấy của Hollywood, nhưng đạo diễn Steven Soderbergh khiến khán giả nhiều lần giật mình và sợ hãi khi sẵn sàng loại bỏ những nhân vật quan trọng và được nhập vai bởi những diễn viên hàng đầu, như vai Beth Emhoff của Gwyneth Paltrow hay bác sĩ Mears của Kate Winslet. Điều này càng nhấn mạnh thêm một điều rằng, bất cứ ai dù ở địa vị hay giai tầng như thế nào, đều có khả năng là mục tiêu của virus.
Đúng như Joshua Lederberg - nhà nghiên cứu sinh học phân tử từng giành giải Nobel năm 1958 - đã nhận xét một cách thẳng thắn rằng: Mối đe dọa lớn nhất cho sự thống trị liên tục của loài người trên hành tinh này chính là virus.
Không ai khác, chính mỗi chúng ta là những chứng nhân sống đang chứng kiến ranh giới bị xóa nhòa giữa sự sống và cái chết, giữa sự thật của khoa học và tin tức lan truyền trên các phương tiện không kiểm chứng, giữa niềm tin vào tính nhân bản và sự ích kỷ đầy tính bản năng.
Contagion dù sao cũng là một bộ phim, kết thúc với 135 ngày thế giới chiến đấu với bệnh dịch. Còn với Covid-19, có thể ở thời điểm này chúng ta chưa biết tới khi nào đại dịch này sẽ hoàn toàn được đẩy lùi, khi nào sẽ không còn một ca nhiễm mới nào trên thế giới, khi nào sẽ không còn người chết vì Covid-19, khi nào cả thế giới sẽ ca khúc khải hoàn. Nhưng những gì chúng ta có thể làm ngay bây giờ là học cách ứng xử, học cách tự bảo vệ bản thân, học cách đối phó với bệnh dịch một cách khoa học và bình tĩnh, học cách kiểm chứng và tin vào những thông tin xác đáng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau chiến thắng bệnh dịch.