6 kỹ năng cần thiết trường kinh doanh không dạy bạn

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:10, 30/03/2020

Những nhà lãnh đạo giỏi luôn biết cách truyền cảm hứng đến mọi người và kỹ năng này vốn không được dạy ở trường kinh doanh.
6 kỹ năng cần thiết trường kinh doanh không dạy bạn

Tại trường kinh doanh, các sinh viên thường được dạy phương pháp lãnh đạo doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị cho cổ đông mà hiếm có khóa học nào dạy cách giúp họ cân bằng cuộc sống với áp lực công việc.

Glenn Leibowitz - Trưởng phòng truyền thông của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (chi nhánh Trung Quốc đại lục), cho biết hai năm theo học chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Wharton (Đại học Pennsylvania) là khoảng thời gian tuyệt vời giúp ông hiểu hơn về thế giới kinh doanh. 

Tuy nhiên, những kiến thức về thẩm định giá trị công ty, tối ưu hóa quy trình sản xuất hay chạy mô hình thống kê,... chưa đủ để giúp Leibowitz duy trì và thăng tiến trong môi trường làm việc thực tế. Theo kinh nghiệm của Leibowitz, 6 kỹ năng sau đây không có trong giáo trình của bất cứ trường kinh doanh nào:

1. Làm việc với người không thích bạn

Làm thế nào để bạn thuyết phục, thậm chí lãnh đạo người không muốn làm việc dưới quyền của bạn, không báo cáo công việc, không công khai ủng hộ hoặc hợp tác làm việc với bạn?

Đối với Leibowitz, đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà ông phải đối mặt trong sự nghiệp lãnh đạo, và nhìn chung hầu hết các nhà lãnh đạo đều gặp phải ít nhất một trường hợp như vậy trong quá trình làm việc. Tại trường học, chẳng ai cảnh báo bạn về chuyện này.

Mỗi người có một cách xử lý khác khau, ứng với những đối tượng cụ thể, bạn phải tự tìm cách vượt qua chúng.

2. Truyền cảm hứng đến người khác 

"Những nhà lãnh đạo giỏi nhất mà tôi biết luôn có cách truyền cảm hứng đến mọi người thông qua những câu chuyện cá nhân và cách họ vượt qua chúng chính là những bài học kinh nghiệm có sức lan tỏa mạnh mẽ", Leibowitz nói.

Kỹ năng truyền cảm hứng đến mọi người có thể được thể hiện qua nhiều hình thức, hoặc một bài phát biểu sôi nổi, những chia sẻ mang tính cộng đồng hoặc những mẩu chuyện vụn vặt nhưng hữu ích với một vài nhân viên... Kỹ năng này không có trong giáo trình giảng dạy ở trường mà được tích lũy và cải thiện dần nhờ vào kinh nghiệm sống và khả năng nhạy bén của mỗi người.

3. Xây dựng và bảo vệ danh tiếng bản thân

"Khi còn là sinh viên đại học, một ngày nọ, tôi đến tham dự buổi chia sẻ của một cựu sinh viên thành đạt trong trường. Sau khi tốt nghiệp, anh này làm việc cho một ngân hàng đầu tư hàng đầu vào thời điểm đó và tôi sẽ không bao giờ quên câu mà anh đã nói với chúng tôi rằng việc dành nhiều thời gian, tiền bạc để chăm chút danh tiếng không có nghĩa bạn sẽ tránh được nguy cơ mất trắng mọi thứ trong tích tắc. Hãy bảo vệ danh tiếng của mình thật tốt", Leibowitz nhớ lại.

Link bài viết

Biết cách xây dựng và bảo vệ danh tiếng chuyên nghiệp của bản thân/công ty là cả một nghệ thuật và chứa yếu tố khoa học trong đó. Tuy nhiên, nhiều trường học hiện nay lại chú trọng đến việc tính toán giá trị của công ty thay vì dạy cách đo lường danh tiếng của công ty đó một cách rộng rãi. 

4. Chú trọng đến công nghệ 

Cách đây 20 năm, internet vẫn còn là thứ gì đó xa vời và chưa phổ biến trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, với sự bùng nổ công nghệ hiện nay cùng tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt, mạng lưới internet đã giúp nhiều công ty "ăn nên làm ra".

Dù vậy, theo Leibowitz, hiện không nhiều trường dạy kinh doanh chú trọng giảng dạy những ứng dụng công nghệ cơ bản hoặc phổ biến trong các công ty. Việc định hướng sinh viên MBA khởi nghiệp/đi làm tại một công ty công nghệ, tận dụng ứng dụng công nghệ cho công việc chuyên môn vẫn còn khá xa vời.

5.Học cả đời

Mặc dù đã có một bằng cử nhân và hai văn bằng sau đại học (trong đó có MBA), Leibowitz cho biết sự nghiệp học của mình vẫn còn và sẽ tiếp tục cho đến cuối đời thay vì chỉ dừng lại ở những kiến thức trong trường như ông từng nghĩ. 

"Sau khi rời ghế nhà trường, tôi mau chóng nhận ra rằng để thăng tiến trong công việc, mình cần tiếp tục học, trau dồi những kỹ năng mới để theo kịp với sự thay đổi từng giây của thế giới. Từ đó, dễ dàng điều chỉnh công việc ưu tiên phù hợp với hoàn cảnh thực tế và đánh giá được tác động của những thay đổi này đến bản thân", ông nói.

6. Quan tâm đến thứ khác ngoài công việc

Phát mất một thời gian Leibowitz mới nhận ra điều này. Cho dù bạn yêu quý/buộc phải gắn bó với công việc thì cũng sẽ đến lúc bạn muốn gạt bỏ chúng qua một bên và sống cho bản thân mình. Bạn có thể tìm thấy những điều ý nghĩa trong cuộc sống nhờ vào gia đình, bạn bè, theo đuổi những thứ bạn đam mê hay tìm đến tôn giáo...

Tại trường kinh doanh, các sinh viên MBA thường được dạy các phương pháp lãnh đạo doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị cho cổ đông mà hiếm có khóa học nào bàn về những yếu tố giúp họ cân bằng cuộc sống với áp lực công việc nặng nề.

Vân Thảo