Kỹ năng giao tiếp cần biết: Nói dối đúng lúc và đúng cách
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 07:00, 31/03/2020
Nếu được sử dụng một cách đúng đắn và khéo léo, lời nói dối không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ, củng cố niềm tin mà còn giúp ích cho cả chuyện làm ăn nữa. |
Nếu được sử dụng một cách đúng đắn và khéo léo, lời nói dối không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ, củng cố niềm tin mà còn giúp ích cho cả chuyện làm ăn nữa. Maurice Schweitzer - giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi giả dối và niềm tin của con người tại trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania - cho biết: "Tôi tin rằng, chúng ta nên dạy con cái, học sinh và nhân viên khi nào nên nói dối và phải nói dối như thế nào".
Thực tế là nghệ thuật nói dối chứa đựng nhiều sắc thái hơn bạn nghĩ. Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 tình huống mà bạn nên nói dối.
1. Khi bạn quan tâm và mong muốn giúp đỡ ai đó
Có nhiều lời nói dối không tốt, và loại tồi tệ nhất trong đó là những lời nói dối vì mục đích tư lợi và gây tổn hại đến người khác. Trái lại, nghiên cứu cho thấy, những lời nói dối vì lợi ích của người khác thực sự có thể giúp xây dựng lòng tin giữa người với người.
Emma E. Levine - giáo sư dự bị ngành khoa học hành vi tại trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago - cho biết: "Mối quan tâm lớn nhất của con người là lòng tốt, chí ít khi họ tiếp nhận thông tin và xây dựng niềm tin với ai đó. Thực tế, người ta sẽ quan tâm nhiều đến việc bạn có dụng ý tốt hay không, hơn là việc bạn có thành thật hay không".
Hãy nhớ, lời nói dối không vị kỷ là lời nói dối tốt nhất. Nếu bạn nói với chồng hoặc vợ của mình họ trông thật đẹp để khiến họ tự tin hơn, ấy là một điều tốt, Schweitzer cho biết. Nhưng nếu bạn nói điều đó chỉ vì muốn họ sửa soạn nhanh lên, vì bạn bị trễ giờ; lúc này, động cơ của lời nói dối đã chuyển từ sự vị tha sang vị kỷ.
2. Khi không còn thời gian để thay đổi
Nếu biết đối phương không thể kịp làm gì để cải thiện tình hình nữa, thì tốt nhất nên nói dối. |
Levine cho biết, khi đồng nghiệp của bạn hỏi họ trông như thế nào ngay trước khi lên sân khấu để diễn thuyết, hoặc hỏi bạn về nội dung bài phát biểu của họ trước khi bước lên bục, hãy nói dối.
Thậm chí, nếu bạn có thấy một vết bẩn trên trang phục của họ, hoặc nghĩ rằng bài phát biểu cần phải chỉnh sửa đôi chút, hãy cân nhắc xem liệu họ có đủ thời gian để ứng phó với tình huống vào ngay lúc ấy hay không.
Nếu bạn biết người đồng nghiệp ấy không thể kịp làm gì để cải thiện tình hình vào thời điểm đó, tốt nhất, bạn nên nói dối.
Nói dối trong trường hợp này là việc có ích nhất với người ấy, vì họ thật sự không còn thời gian để thay đổi được điều gì cả. Trái lại, nếu nhận thấy người ấy có thể ứng phó kịp thời với lời nhận xét của bạn, hãy thành thật với họ, Levine nói.
3. Khi đưa ra lời góp ý mang tính xây dựng
Khi đưa ra lời góp ý, sự thành thật là điều cần thiết. Thế nhưng, một lời phê bình thẳng thắn đến mức như "tát vào mặt" không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để khuyên nhủ người khác, Schweitzer cho biết.
Thay vì thẳng thắn phê bình một nhân viên kém rằng anh ấy làm việc quá tệ, hãy thử nói thế này: "Cậu đã bắt đầu không mấy suôn sẻ, nhưng vạn sự khởi đầu nan mà". Sau đó, hãy đưa ra những góp ý mang tính xây dựng. Người nhân viên ấy sẽ tiếp nhận lời góp ý của bạn tốt hơn, giúp đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.
4. Ngay trước một dịp đặc biệt
Khi lựa chọn giữa lời nói dối và lời nói thật, bạn không nên chỉ xem xét tình huống, mà còn phải cân nhắc cả thời điểm nữa. Levine cho biết: "Một điều nữa mà người ta cũng quan tâm không kém, là liệu lời nói thật có khiến họ xao nhãng công việc quan trọng nào đó hay không".
Ví dụ, bạn nghe tin công ty của một người bạn chuẩn bị cắt giảm nhân sự ngay trước khi cô ấy xin nghỉ phép để làm đám cưới. Vậy, bạn có nên báo sự thật đó cho cô ấy không? "Trong những tình huống thế này, người ta thường che giấu sự thật, để về sau mới nói", Levine cho hay.
Trên thực tế, nếu ai đó sắp sửa nghỉ phép để tổ chức đám cưới hoặc hưởng tuần trăng mật, thì họ cũng không thể ưu tiên đi tìm công việc mới. Thế nên, dù không tình huống nào giống tình huống nào, hãy cân nhắc xem lời nói thật tại một thời điểm nào đó có thực sự mang lại lợi ích cho người nghe hay không, hay chỉ khiến họ xao nhãng việc quan trọng.
5. Khi bạn không thân thiết với người nghe
Trong những mối quan hệ không quá thân thiết, những lời nói dối nhẹ nhàng với động cơ tốt thậm chí còn phát huy hiệu quả cao hơn sự thật.
Levine nói: "Trong những mối quan hệ mang tính cạnh tranh, hoặc trong lần đầu tiên gặp mặt với ai đó, lời nói thật là một lựa chọn khá mạo hiểm, khi nó có thể phá hỏng mối quan hệ và làm giảm lòng tin".
Lý do là vì, cả hai vẫn chưa hiểu rõ dụng ý thật sự của đối phương, và dễ đi đến nghi ngờ rằng, liệu người này có đang hạ thấp mình hay không.
Dẫu vậy, nếu bạn vẫn mong muốn chia sẻ lời phản hồi thẳng thắn cho một người không mấy thân thiết, Levine gợi ý, hãy nói một cách thật khéo léo và chân thành, để họ hiểu bạn vì muốn tốt cho họ nên mới đưa ra lời nhận xét như thế.
Mặt khác, trong những mối quan hệ thân thiết, sự thành thật là điều quan trọng, Levine cho biết. Việc thổ lộ sự thật với những người bạn của mình không phải là điều gì đó quá tệ như bạn lo lắng.