Vì sao bảo hiểm Covid-19 dừng triển khai?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:00, 01/04/2020
Ngay sau khi có dịch bệnh, rất nhiều công ty bảo hiểm nhanh nhạy tung ra gói sản phẩm "ăn theo" dịch Covid-19 với nhiều sản phẩm đa dạng, linh hoạt với nhiều mức giá, quyền lợi khác nhau hoặc tăng các gói hỗ trợ nhằm thu hút khách hàng.
Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) với sản phẩm bảo hiểm NcoV Shield, quyền lợi lên tới 100 triệu đồng/người với mức phí 200.000đ/người/năm.
Công ty CP bảo hiểm Viễn Đông (VASS) với sản phẩm Corona Care chi trả toàn bộ chi phí cho người dương tính với nCoV, mức chi phí chỉ 200.000đ/năm nhưng quyền lợi bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng và sẽ chi trả toàn bộ chi phí từ khi xét nghiệm đến khi điều trị hoàn tất.
Theo các công ty bảo hiểm, khi đưa ra sản phẩm này, họ không kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu và các sản phẩm này nhằm hỗ trợ người không may nhiễm bệnh hơn là thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi đánh đúng vào tâm lý sợ hãi và nỗi lo của nhiều người về dịch bệnh thì dù không "kỳ vọng", song "cơ hội" này vẫn mang lại doanh thu rất lớn cho các công ty bảo hiểm.
Thực tế, chỉ sau vài ngày sản phẩm Corona Care được phân phối trên ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN, đã có hàng nghìn lượt truy cập website, ứng dụng để tìm hiểu và mua bảo hiểm.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cũng chi gần 3,2 tỷ đồng mua bảo hiểm Corona cho 52.000 người lao động trên toàn mạng lưới. GoViet, Grab cũng bỏ ra cả chục triệu đồng để mua bảo hiểm Covid-19 cho hàng ngàn tài xế ở TP.HCM và Hà Nội.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng mua bảo hiểm cho gần 2.300 công nhân viên; cá biệt có khách hàng cá nhân còn bỏ ra 2 tỷ đồng để mua sản phẩm này cho cả gia đình và người thân... Tất cả không ngoài mục đích "lỡ" không may dương tính với virus SARS-CoV-2 thì sẽ được hỗ trợ điều trị và trợ cấp đến trên 100 triệu đồng/người.
Theo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona vừa được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Như vậy, những người bị nhiễm sẽ được khám và điều trị miễn phí.
Với những người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quỹ BHYT chi trả phí trị bệnh, người không tham gia BHYT được ngân sách nhà nước chi trả. Đặc biệt, với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà, nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, thì ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19, những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT cũng sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả 100%.
Nếu xét theo các chi phí thực tế (khám, cách ly, điều trị) cho bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã được Nhà nước chi trả 100%, thì cam kết "nếu khách hàng dương tính với nCoV sẽ được chi trả toàn bộ chi phí từ khi xét nghiệm đến khi điều trị hoàn tất" rõ ràng đi ngược với chính sách của Chính phủ.
Chưa kể, một số người còn cho rằng, nhiều điều khoản đưa ra trong hợp đồng nếu phân tích kỹ, hoàn toàn có lợi cho các công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, với mức phí bảo hiểm Covid-19 quá thấp, ai cũng có thể mua được, nên sẽ không ngoại trừ khả năng các công ty bảo hiểm đang tạo điều kiện cho một số người có ý đồ xấu, "cố tình" bị nhiễm bệnh để được đền bù, trục lợi.
Đây là hành vi không chỉ gây nguy hiểm đối với cộng đồng, xã hội mà còn đi ngược với nỗ lực kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh của Chính phủ đang rất gian nan. Còn nếu xét theo quyền lợi bảo hiểm nhắm vào tử vong do nhiễm Covid-19 thì lại tiềm ẩn không ít rủi ro và nhiều hệ lụy khó lường cho các công ty bảo hiểm.
Theo phân tích của một số công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, giả sử khi dịch bệnh chẳng may không kiểm soát được như ở nhiều nước với số lượng người nhiễm và tử vong tăng quá nhanh, số lượng người mua cũng tăng cùng chiều thì khả năng rủi ro rất cao. Khi đó, rất có thể các công ty bảo hiểm "vỡ trận", không thể đủ khả năng chi trả, bồi hoàn bảo hiểm cho khách hàng và sẽ phá sản.
Ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia tài chính, founder và CEO Trường Kinh doanh BizUni phân tích: "Theo nguyên tắc về bảo hiểm, các công ty bảo hiểm chỉ có thể thiết kế sản phẩm bảo hiểm khi biết rõ thống kê về rủi ro xảy ra. Trong khi đó, Covid-19 là một loại dịch bệnh nguy hiểm và chưa thể có con số thống kê xác đáng để biết tỷ lệ rủi ro về dương tính cũng như tỉ lệ tử vong".
"Nếu không có số thống kê mà các công ty bảo hiểm này vẫn tung ra gói sản phẩm bảo hiểm Covid-19 thì nhiều khả năng hoặc là họ rất nhân đạo, hoặc là họ rất sáng tạo khi dùng Covid-19 để làm marketing, hoặc là 'có máu liều' cá cược, hoặc là trục lợi vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu", ông Chánh nói.
"Chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố đó là dịch toàn quốc. Như vậy, những rủi ro do Covid-19 sẽ được xem là yếu tố 'loại trừ bảo hiểm' (các công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra những sự kiện lớn này). Khi đó, các công ty đã thu phí mua sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn có quyền từ chối bồi thường đối với các tử vong, tai nạn, hậu quả do dịch bệnh gây ra. Đây cũng là nguyên tắc và cũng là thông lệ được áp dụng tại hầu hết các nước", vị chuyên gia bổ sung.
Hiện, đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát hành liên quan đến sản phẩm bảo hiểm Covid-19, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cho dù có yêu cầu dừng triển khai.