Chính phủ điện tử: 100% văn bản điện tử của chính quyền được gửi, nhận vào tháng 6/2020
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 06/04/2020
Đây là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 12/2/2020.
Thông báo nêu rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đến hết năm 2020, 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử kết hợp với an toàn, an ninh mạng, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Bố trí ngân sách hằng năm, dành một tỷ lệ nhất định cho công tác này.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện vai trò là cơ quan điều phối thống nhất toàn quốc về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, kinh phí cho Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Đôn đốc thực hiện, lan tỏa kinh nghiệm tốt, bảo đảm tránh đầu tư lãng phí. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử các vấn đề bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.