Bơi về đâu cá tra đồng bằng sông Cửu Long?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:45, 07/04/2020
Thu hoạch cá tra ở quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) |
Dù các ngành, các cấp lẫn người nuôi đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp để duy trì diện tích ao nuôi, mở rộng thị trường xuất khẩu, áp dụng nhiều giải pháp nuôi cá hiện đại để tiết kiệm tối đa thức ăn, nhưng đến thời điểm đầu tháng 4/2020, bức tranh xuất khẩu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi được xem là có sản lượng xuất khẩu lớn nhất cả nước, vẫn đang lao đao bởi giá bán thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư. Từ đó, con cá tra ĐBSCL đang loay hoay không biết phải bơi về đâu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2020, tổng sản lượng cá tra toàn thế giới sẽ đạt 3 triệu tấn; trong đó, cá tra Việt Nam chiếm đến 50% thị phần. Hiện, ĐBSCL thả nuôi trên 4.500ha, tăng 3,2 % so với cùng kỳ năm 2019, thế nhưng mọi dự báo khả quan về tình hình xuất khẩu đang trong tình thế bấp bênh.
Thất vọng trước tín hiệu xuất khẩu "đóng băng"
"Ngồi trên đống lửa" là tình trạng chung của hầu hết người nuôi cá tra miền Tây tính đến thời điểm đầu tháng 4/2020. Bình quân, giá bán cá tra thịt chỉ từ 17.000 - 18.000đ/kg, trong khí chí phi đầu từ 24.000 - 25.000đ/kg. Như vậy mỗi ký cá tra khi xuất bán người nuôi đã lỗ hơn 5.000đ/kg.
Ông Chung Văn Tươi, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: "Tôi nuôi cá tra đã trên 30 năm và chưa bao giờ bị lỗ nặng như năm nay. Vừa rồi, tôi xuất bán 50 tấn cá tra thịt bị lỗ trên 300 triệu đồng. Trước Tết thấy giá giảm, tôi hy vọng qua Tết giá sẽ tăng lên. Vậy mà dịch Covid–19 xuất hiện khiến người nuôi không bán được bởi thị trường Trung Quốc ngừng mua. Bán thì lỗ nhiều mà không bán thì còn lỗ hơn vì hao tốn thức ăn và cá càng lớn càng mất giá".
Khó khăn tiếp nối khó khăn khi tháng 3/2020, những thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam tại Ý, Đức, Anh… bị dịch Covid–19 tấn công khiến cá tra không thể tiêu thụ, bởi hầu như toàn bộ nhà hàng, khách sạn tại các quốc gia trên ngừng hoạt động.
Thu mua cá tra ở thị xã Tân Châu (An Giang) |
Một số khách hàng tuy còn duy trì việc nhập khẩu nhưng buộc phải hạ giá từ 10 - 15%, dẫn đến nguồn cá tra nguyên liệu giảm mạnh. Chưa dừng lại ở đó, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các nước ASEAN cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ 2019. Đơn cử như xuất sang Thái Lan giảm gần 11%, Singapore giảm 34%...
Theo Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam, từ tháng 12/2029 đến nay, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống ở ĐBSCL đã giảm từ 30 - 40 %, do thị trường xuất khẩu hạn chế.
Những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành (An Giang), huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai (Cần Thơ), huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An)...
Nhiều nông dân từng ăn nên làm ra từ việc nuôi cá tra thịt lẫn cá tra giống tại ĐBSCL đang đứng trước nỗi lo chung: càng nuôi càng lỗ, mà không nuôi thì cũng không biết thay thế con cá tra bằng loại thủy sản nào để bền vững và tăng thu nhập. Đó là chưa kể khi chuyển đổi con nuôi thì cần có nhiều kinh nghiệm mới thành công. Và, nếu chọn giải pháp "treo ao" thì không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng, thanh toán vật tư nông nghiệp cho các đại lý…
Cá tra giống cũng lao dốc không phanh
Không chỉ cá tra thương phẩm rớt giá thảm hại mà thị trường ca tra giống cũng ảm đạm không kém. Theo các chuyên gia, tuy số lượng xuất khẩu cá giống tại ĐBSCL rất lớn nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như người nuôi thiếu kinh nghiệm, không thực hiện đúng hướng dẫn của các ngành chuyên môn, chưa trang bị đầy đủ, chất lượng các thiết bị cần thiết nên chất lượng con giống đạt thấp. Tuy nhiên, người sản xuất cá tra giống vẫn có lãi vào các năm trước bởi nguồn cung luôn không đủ cầu.
Bà Hà Thị Tuyền, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ có trên 2ha mặt nước nuôi cá tra giống; những năm trước, sau khi trừ mọi chi phí bà có lãi trên 200 triệu đồng chỉ sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, nhưng ở thời điểm này, cá ca giống của bà vẫn không có người đến mua dù giá bán đã giảm đến 20%.
Bà Tuyền cho biết: "Nếu bán ngay thời điểm này, tôi sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng, nhưng nếu phải 'neo' lại thì càng lỗ nhiều hơn".
Nhiều người chuyên kinh doanh cá tra giống kể thêm: Mỗi kg cá giống phải tốn từ 29.000 - 31.000đ/kg, trong khi giá bán hiện này không vượt qua con số 25.000đ/kg. Nhiều người cố gắng giữ lại đợi giá cao hơn mới bán nhưng xem ra tín hiệu không khả quan. Một số người khác đã giữ lại cá tra giống để nuôi lớn để bán dưới dạng cá tra thịt để mong giảm thiểu sự thiệt hại.
Ông Võ Thành Tú, ngụ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết: "Tôi còn 1 ao cá tra giống với sản lượng ước đạt trên 5 tấn, giá cả quá thấp nên tôi không bán và để cuối năm bán cá thịt. Tuy nhiên chỉ khi nào dịch Covid-19 không còn, Trung Quốc nhập khẩu trở lại thì tình hình mới phát triển".
Thu hoạch cá tra ở TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) |
Chờ đợi những tín hiệu lạc quan từ các thị trường các nước
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ giữa tháng 3/2020, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, khách hàng Trung Quốc đã bắt đầu đặt hàng trở lại, lưu thông hàng hóa đã bắt đầu khởi động lại.
Kể từ tháng 4/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông nhiều khả năng ổn định dần. Một tin vui khác cho người nuôi cá tra là trong tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 20,6 triệu USD, tăng gần 67% so với cùng kỳ năm 2019 giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, nhưng đây vẫn là những tín hiệu xanh rất hiếm hoi, trong khi những tín hiệu không vui vẫn đang đe dọa khả năng xuất khẩu cá tra của ĐBSCL.
Mới đây, VASEP đã đưa ra cảnh báo rằng, dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa dự báo chính xác khả năng lây lan, từ đó việc xuất khẩu cá tra sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Người nuôi cá lẫn doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cần cân nhắc thận trọng bài toán cung – cầu thật phù hợp để tránh thua lỗ. Người nuôi cũng cần xem xét khả năng tiêu thụ thực tế của thị trường để có bước quy hoạch vùng nuôi, sản lượng nuôi thích hợp nhất.
Cá tra - loại thủy sản gần gũi đã từng giúp nhiều nông dân của ĐBSCL có cuộc sống khấm khá trong mấy mươi năm qua này, đang đứng trước muôn vàn khó khăn, trong đó bệnh Covid–19 là nguyên nhân gây tổn thất lớn nhất từ trước đến nay, khiến người nuôi đứng ngồi không yên đúng với câu nói dân gian "Bỏ thì thương, vương thì nợ".