Những ngân hàng và công ty tài chính nào bị Moody’s xét hạ tín nhiệm?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:28, 08/04/2020

Ngay sau động thái hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực” hôm 3/4, Moody’s vào ngày 7/4, đã thông báo việc xem xét đánh giá hạ bậc lâu dài của ba công ty tài chính và hai ngân hàng Việt Nam.
Những ngân hàng và công ty tài chính nào bị Moody’s xét hạ tín nhiệm?

Theo đó, các đơn vị bị Moody's xem xét hạ tín nhiệm gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit), Home Credit Việt Nam (HCV), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng SHB (SHB Finance); Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank), sở hữu dịch vụ FE Credit và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). 

Moody’s, một trong ba tổ chức xếp hạng uy tín nhất thế giới cho rằng, hồ sơ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tài chính này “đầy rủi ro” và “phụ thuộc nặng nề vào vốn bán buôn”. Khả năng chi trả bằng tiền mặt và vốn của các đơn vị này sẽ giảm do thị trường đang chịu tác động của dịch bệnh và lượng khách hàng giảm, trong khi quản trị đang là vấn đề lớn. 

Theo Moody’s, những đơn vị này đã tiếp xúc với những khách hàng không đảm bảo và nhắm vào tầng lớp thu nhập thấp, những người chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp sẽ làm suy giảm khả năng chi trả nợ của các khách hàng này do nguồn thu nhập của họ thấp và không ổn định.

Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam và xem xét hạ tín nhiệm của các đơn vị nêu trên trong bối cảnh ngành tài chính Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu đi xuống, giá xăng dầu giảm mạnh và tín dụng giảm. 

Khả năng có thể hạ bậc tín nhiệm những ngân hàng và tổ chức tín dụng này, theo Moody's, nếu khả năng thanh toán của các đơn vị này bị suy yếu do sự ảnh hưởng của dịch bệnh và yếu kém trong kiểm soát rủi ro. 

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, hầu hết ngân hàng và tổ chức tài chính đều không bình luận về việc bị xem xét hạ bậc tín nhiệm này, với lý do đánh giá của Moody's là tính toán dựa trên các chỉ số quốc gia.

Một thực tế, chỉ số tín nhiệm của một doanh nghiệp không thể cao hơn chỉ số tín nhiệm quốc gia, nên việc hạ triển vọng với các ngân hàng và công ty tài chính này theo triển vọng tín nhiệm của quốc gia là bình thường. Tuy nhiên, đại diện một ngân hàng cũng thừa nhận, việc bị hạ triển vọng sẽ ảnh hưởng nhất định đến uy tín và hoạt động huy động vốn từ nước ngoài.

“Tôi không lấy làm lạ khi Moody hạ tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam”, chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bình luận. Theo ông, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang rất yếu về mặt quản trị, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, khi cả nền kinh tế bị tác động mạnh, nó trở nên rõ ràng hơn.

“Tại thời điểm này chúng ta nên nhìn nhận đúng thực trạng của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng để có những biện pháp phù hợp”, TS Hiếu nói. Ông cho rằng, không nên tiếp tục lạc quan về lợi nhuận ngân hàng, về tăng trưởng tín dụng, về các ngân hàng đã giảm nợ xấu xuống dưới mức 3%, hệ thống ngân hàng đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…

Theo TS. Hiếu, hệ thống tiền tệ đi theo kinh tế hàng hóa. Dịch bệnh đang tác động lên thị trường hàng hóa, rất có thể sẽ kéo theo thị trường tiền tệ. 

“Chúng ta phải cảnh giác với tất cả nguy cơ và cần có những biện pháp để đối phó với những nguy cơ đó”, TS. Hiếu cảnh báo. 

VP-jpeg-9337-1586348331.jpg

VPbank là một trong số 2 ngân hàng bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm 

Đây không phải lần đầu tiên Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam hay xem xét hạ bậc tín nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính. Moody’s vào cuối tháng 12/2019, đã hạ triển vọng với 18 ngân hàng Việt Nam cũng bắt nguồn từ việc hạ triển vọng của Việt Nam xuống mức “tiêu cực” trước đó. 

Thế nhưng, việc nâng mức tín nhiệm này, theo Moody’s cho biết là sẽ rất khó có thể xảy ra, bởi vì mức tín nhiệm sẽ là ổn định hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên thước đo tín dụng của những ngân hàng này.

Đối với FE Credit, SHB và HCV, Moody’s sẽ đánh giá tín nhiệm dựa trên khả năng duy trì chất lượng tín dụng và khả năng chi trả bằng tiền mặt của họ giữa sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc đánh giá này cũng dựa trên những chính sách của nhà nước và thế giới trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế và sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam. 

Trong khi đó, với VPbank và SHB, việc xem xét hạ tín nhiệm của Moody’s sẽ phụ thuộc vào chất lượng cho vay tài chính tiêu dùng của họ và những khoản vay của những cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Song Anh - Nhật Minh