TP.HCM: Nhu cầu nhân lực quý II/2020 sẽ giảm 37,33%
Trong nước - Ngày đăng : 01:15, 09/04/2020
Theo báo cáo Thị trường lao động quý I - Dự báo nhu cầu nhân lực quý II/2020 tại TP.HCM của Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM, trong quý I/2020, nhìn chung thị trường lao động TP.HCM diễn ra sôi động trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực ba tháng đầu năm đã giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhu cầu tuyển dụng giảm ở một số ngành, nghề như vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may - giày da.
Kết quả khảo sát nhanh 163 doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời cho lao động làm việc bình thường là 77,3% doanh nghiệp, 8,6% doanh nghiệp giảm giờ làm, 7,4% doanh nghiệp không tăng ca và 6,7% doanh nghiệp thiếu việc làm.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có đến 25,15% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến cắt giảm lao động trong thời gian tới khi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị tác động do tình hình dịch bệnh. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc (46,34%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (19,5%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương (29,16%) và cho lao động thôi việc (5%).
Dự báo trong quý II/2020, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài cũng như thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu sản xuất và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số doanh nghiệp tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động trong điều kiện còn nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất từ 2-3 tháng.
Dự kiến, nhu cầu nhân lực quý II/2020 cần khoảng 47.000 chỗ làm việc, giảm 37,33% so với cùng kỳ năm 2019, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại (tập trung ở lĩnh vực thương mại điện tử); công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế web, thiết kế game online); hành chính - văn phòng; y tế - chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn - chăm sóc khách hàng (tư vấn trực tuyến); marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; dược phẩm; vận tải (dịch vụ giao hàng); dệt may; công nghệ tài chính (Fintech); giải trí trực tuyến...
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 81%, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,50%, cao đẳng chiếm 18,21%, trung cấp chiếm 19,58%, sơ cấp chiếm 23,71%.
Cũng theo báo cáo này, đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở những hoạt động lớn.