Gỡ khó cho bến phà, bến đò trong đại dịch
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 09/04/2020
Bến đò Cô Bắc (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) - thị trấn Tân Quới (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cấm hoạt động |
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, hàng trăm bến đò ngang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tạm ngừng hoạt động kể từ ngày 1/4/2020.
Động thái này được phần lớn người dân ủng hộ, tuy nhiên đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập đối nông dân và công nhân trong việc đi lại. Cạnh đó, một số doanh nghiệp chuyên đưa rước khách qua sông không còn nguồn thu, thêm gánh nặng từ nợ ngân hàng.
Phải đi đường vòng hàng chục kilômét
Anh Trần Hòa Nhã, công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc 1 (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết: “Nhà tôi ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Trước đây chỉ cần 10 phút đi đò Cô Bắc qua sông Hậu là tới Cần Thơ, chạy xe thêm 10 phút nữa là đến nơi làm việc. Từ khi bến đò này ngừng hoạt động, tôi phải đi đường vòng qua cầu Cần Thơ mất hơn 60 phút. Vì thế chỉ mong các bến đò ngang được hoạt động trở lại”.
Phà Thới Lộc nối huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trước ngày 1/4/2020, mỗi ngày có mấy chục chuyến chở dân và hàng hóa, khi có lệnh ngừng hoạt động, người dân phải đi đường vòng trên 40km bởi không có sự lựa chọn nào khác.
Bà Dương Kim Hương, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách bức xúc nói: “Nhà nước hạn chế đi lại là đúng, nhưng cũng cần linh động cho phà ngang hoạt động ít nhất vài ba chuyến mỗi ngày, mỗi người cách nhau 2m theo quy định mới hợp lý”.
Hơn một tuần qua, bà Lê Thị Bé, chủ đò ngang tuyến Cô Bắc - Cồn Sơn - Tân Quới đứng ngồi không yên bởi phương tiện đưa rước khách của bà phải neo đậu theo tinh thần Chỉ thị 16 nên không có nguồn thu trong khi nợ ngân hàng đã đến ngày phải trả, lại còn phải hỗ trợ tiền thất nghiệp cho tài công để họ không nhảy việc. Bà Bé nói: “Tôi và hàng trăm chủ đò, chủ phà đưa khách qua sông mong sớm chấm dứt dịch bệnh để hoạt động trở lại. Trong khi chờ đợi, rất mong Nhà nước giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, nếu không thì phải giải nghệ”.
Bến đò ngang của bà Bé là một trong hàng trăm bến đò trên địa bàn Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động. 175 bến đò ở Tiền Giang, gần 200 bến đò ở Hậu Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Không những người kinh doanh phà, đò thất thu, doanh nghiệp các ngành khác cũng chật vật vì phải mất nhiều thời gian, tốn thêm nhiên liệu chạy đường vòng để vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa.
Tài xế Võ Văn Phú ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tôi giao hàng ở tỉnh An Giang nên thường xuyên qua lại phà Thới An, giờ phà ngừng hoạt động nên phải chạy vòng qua cầu Cần Thơ tốn thêm khoảng 150.000 đồng tiền dầu và mất thêm 70 phút di chuyển”.
Gỡ khó cho doanh nghiệp và người đi lại
Nhiều doanh nghiệp lẫn người đi lại bức xúc vì cách thực hiện Chỉ thị 16 mỗi nơi mỗi khác. Đơn cử như bến phà Thới Lộc phía bờ thuộc quản lý của tỉnh Bến Tre thì cho phà hoạt động với những yêu cầu bắt buộc theo hướng dẫn của ngành y tế nhưng phía bờ thuộc tỉnh Tiền Giang quản lý thì cấm phà chạy. Hay phà Đại Ngãi qua sông Hậu nối huyện Cù Lao Dung và thị trấn Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng được phép hoạt động nhưng các bến đò khác cũng qua sông Hậu lại không được lưu hành.
Bến đò Thới Lợi (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) - huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hoạt động bình thường |
Hiện nay, một số địa phương vẫn lúng túng trước việc cho hay không cho các bến đò, bến phà ngang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp thẳng thắn đề nghị, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, Nhà nước cần cho phép các bến đò ngang được hoạt động với điều kiện chủ đò và hành khách phải chấp hành các quy định giãn cự ly, khai báo y tế, giảm khách, giảm xe mỗi chuyến qua lại và cho phép tăng giá vé để bù vào lượng khách và phương tiện giảm.
Ông Lư Thành Đồng - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp thành phố Cần Thơ đề xuất: “Bến đò ngang ngưng chạy càng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bởi công nhân đang phải nghỉ luân phiên chờ việc, lương giảm sút, lại hao tốn thêm tiền xăng để đi đường vòng, chưa kể đời sống của họ thêm xáo trộn bởi phải đi sớm, về muộn mỗi ngày mất thêm vài tiếng đồng hồ. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều công nhân phải nghỉ việc”.
Phải tuân thủ cách kiểm soát dịch bệnh đúng với khuyến cáo của Bộ Y tế, nhưng cần lắm sự linh động, nhất là đối với các bến đò, bến phà ở đồng bằng sông Cửu Long.