Covid-19 và nguy cơ 'nghèo lại hoàn nghèo' sau 30 năm của nhiều quốc gia

Quốc tế - Ngày đăng : 07:30, 09/04/2020

Trong kịch bản xấu nhất, số người thuộc diện 'cực kỳ nghèo đói', tức có mức sống tối đa mỗi ngày là 1,90 USD, sẽ tăng gần nửa tỷ, từ 434 triệu lên 922 triệu.
Covid-19 và nguy cơ 'nghèo lại hoàn nghèo' sau 30 năm của nhiều quốc gia

Sống lây lất qua ngày, những người nghèo nhất không được phép nghỉ ngơi, cũng không thể đủ khả năng cho các khoản tích luỹ

Covid-19 có thể đẩy 500 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh đói nghèo, và cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo từ đại dịch sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Nhận định trên vừa được Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam công bố sáng 9/4/2020, qua đó cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19 đối với tình trạng nghèo đói trên thế giới, trong bối cảnh thu nhập và chi tiêu gia đình toàn cầu bị thu hẹp vì dịch bệnh.

Trong bản báo cáo công bố trước thềm cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần tới, Oxfam cho biết: "Cuộc khủng hoảng kinh tế đang được bày ra nhanh chóng trước mắt chúng ta sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính 2008".

"Các dự báo cho thấy, bất kể kịch bản nào xảy ra, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu sẽ lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 1990", Oxfam bổ sung, và cho biết điều này có thể sẽ đẩy một số quốc gia đã thoát nghèo vào khoảng 3 thập niên trước trở về vị trí cũ.

Dựa trên các mức nghèo khác nhau được định nghĩa bởi WB, từ mức 'cực kỳ nghèo đói' - tức có mức sống tối đa 1,90 USD/ngày, cho đến mức 'dễ thở' hơn là sống bằng tối đa 5,50 USD/ngày, báo cáo của Oxfam đã đưa ra một loạt các kịch bản có thể xảy đến. 

Với kịch bản tồi tệ nhất, trong đó thu nhập giảm 20%, số người thuộc diện 'cực kỳ nghèo đói' trên toàn thế giới sẽ tăng từ 434 triệu lên 922 triệu. Trong khi đó, số người sống bằng tối đa 5,50 USD/ngày sẽ tăng thêm 548 triệu, lên mức 4 tỷ. 

Đồng thời, báo cáo cũng cho biết, rủi ro nghèo đói đối với phụ nữ cao hơn nam giới, do họ thường phải làm việc trong những môi trường kinh tế phi chính thống mà hầu như chỉ có rất ít hoặc không có quy định nào để bảo vệ quyền lợi lao động.

"Sống lây lất qua ngày, những người nghèo nhất không được phép nghỉ ngơi, cũng không thể đủ khả năng cho các khoản tích luỹ", Oxfam cảnh báo, và đồng thời cho biết hơn 2 tỷ người lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thống trên toàn thế giới không hề có trợ cấp ốm đau.

Thêm vào đó, WB hồi tuần trước cũng cảnh báo, số người nghèo đói tại riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng thêm 11 triệu, nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Để giúp giảm thiểu tác động từ Covid-19, Oxfam đã đề xuất một kế hoạch hành động với 6 điểm, qua đó cung cấp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt và cứu trợ cho các cá nhân cũng như doanh nghiệp có nhu cầu. Đồng thời, bản kế hoạch này cũng kêu gọi xóa nợ, IMF hỗ trợ nhiều hơn và tăng viện trợ, bên cạnh việc đánh thuế mạnh những lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận và các sản phẩm đầu cơ tài chính để giúp tạo nên nguồn ngân quỹ cần thiết.

Những tuần gần đây, nhiều lời kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo, trong bối cảnh Covid-19 hoành hành đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Ước tính, chính phủ thuộc các quốc gia trên thế giới sẽ phải huy động tổng cộng ít nhất 2.500 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển vượt qua khó khăn từ đại dịch.

"Các nước giàu đã cho thấy khả năng huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của mình trong thời điểm khủng hoảng này. Tuy nhiên, trừ phi các nước đang phát triển cũng có thể đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch lên nền y tế và kinh tế của mình, còn không khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục, và nó sẽ gây ra tác hại lớn hơn cho toàn bộ các nước, kể cả giàu lẫn nghèo", Oxfam cho hay.

Khởi Vũ