Doanh nghiệp đối mặt với "rủi ro kép"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 10/04/2020

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với hai rủi ro, đó là rủi ro hoạt động và rủi ro tài chính. Khi hai yếu tố này đồng thời xuất hiện, doanh nghiệp (DN) rất khó cầm cự được lâu nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Doanh nghiệp đối mặt với

Để sản xuất, kinh doanh, DN đầu tư tài sản cố định và tài sản ngắn hạn. Tài sản cố định bao gồm đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt, hàng tồn kho, tiền phải thu (chủ yếu là các khoản bán chịu). DN càng lớn thì quy mô tài sản càng lớn. Khi đầu tư tài sản lớn, nếu không bán được sản phẩm với lượng lớn thì DN sẽ không bù đắp được chi phí, có thể bị lỗ. 

Cấu trúc chi phí bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định là các hạng mục chi phí không thay đổi theo sản lượng sản xuất và tiêu thụ, như khấu hao tài sản, tiền lương, tiền thuê mướn mặt bằng, lãi vay… DN càng lớn thì các hạng mục chi phí cố định càng lớn, cho dù không sản xuất, không bán được hàng thì các hạng mục chi phí này vẫn không thay đổi. Đó chính là điểm ẩn chứa rủi ro hoạt động của DN. Khi dịch Covid-19 kéo dài, nhiều DN không bán được sản phẩm, dịch vụ, nhưng vẫn phải chi cho các hạng mục chi phí cố định này. Thời gian dịch bệnh càng dài, lỗ lũy kế càng tăng, sẽ bị mất vốn, thậm chí phá sản.

Link bài viết

Những DN sử dụng nhiều vốn ngân hàng trong cơ cấu nguồn vốn, lỗ lũy kế sẽ tăng nhiều hơn, tốc độ phá sản sẽ nhanh hơn khi không có nguồn thu vẫn phải trả lãi vay. Để “cầm cự” được, DN phải có nguồn tiền mặt dự trữ hoặc bán tài sản có tính thanh khoản cao (chẳng hạn như các loại chứng khoán) hoặc bơm thêm vốn chủ sở hữu để bù đắp các khoản chi sản xuất, kinh doanh. Dễ dàng tính toán được số ngày cầm cự của DN khi ngưng sản xuất bằng cách lấy lượng tiền mặt và tài sản dễ chuyển đổi thành tiền chia cho chi phí sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là chi phí cố định khi không có đơn hàng). 

Trong những tháng qua, DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang đối mặt với khủng hoảng kép, xuất hiện nhiều phản ứng biểu hiện sự cầm cự. Nhiều nhà bán lẻ đồng loạt gửi văn bản xin giảm tiền thuê mặt bằng với kỳ vọng nhận được sự thông cảm từ chủ nhà. Một số DN bán chứng khoán có tính thanh khoản cao để trang trải chi phí cố định và trả lãi vay. Một số DN phải bơm thêm vốn để trả nợ. Một số DN thỏa hiệp với ngân hàng về việc giãn nợ, đồng thời tìm cách vay ngắn hạn để bù đắp chi phí. Thậm chí, có DN bắt đầu tính đến giảm giá bán sản phẩm để có nguồn thu nhằm bù đắp chi phí.

Trong thời gian cầm cự, DN tìm cách huy động tiền mặt để bù đắp chi phí cố định, mặt khác phải tìm cách kéo dài thời gian thanh toán các khoản nợ đến hạn và cắt giảm chi phí, đặc biệt là cắt giảm chi phí tiền lương. Việc này sẽ tạo rủi ro dây chuyền trong nền kinh tế. Khi DN lớn trong những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như hàng không, hàng hải, du lịch… chậm thanh toán cho DN nhỏ cung ứng phụ trợ thì DN nhỏ sẽ thiếu tiền mặt để cầm cự trong đại dịch. Việc cắt giảm chi phí tiền lương sẽ làm giảm thu nhập người lao động và nhiều người mất việc làm sẽ tạo thêm gánh nặng đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nhiều hệ lụy xã hội khác. Việc DN tìm cách vay ngắn hạn để bù đắp chi phí cố định, thậm chí chi trả lãi vay đến hạn sẽ tạo rủi ro lớn cho hệ thống tài chính - ngân hàng.

Số ngày cầm cự của DN sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào lượng tiền mặt, khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền và chi phí cố định. Nhưng chắc chắn những DN đang sử dụng vốn vay lớn sẽ có số ngày cầm cự ngắn hơn nếu không thỏa hiệp giãn nợ được với ngân hàng và bơm thêm vốn chủ sở hữu. 

Nhiều DN đang trông chờ vào gói giải cứu từ Chính phủ đối với các hạng mục chi phí cố định như hỗ trợ tín dụng, chi phí lao động, chi phí điện và thuế. Thời gian qua, nhiều DN kiến nghị cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay, giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với DN có nhập khẩu nguyên liệu. Liên quan đến thuế, nhiều DN kiến nghị gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; gia hạn và giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải. Đối với chi phí liên quan đến lao động, nhiều DN kiến nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp lương cho công nhân trong thời gian tạm ngưng hoạt động. Nhiều DN còn kiến nghị gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ buộc lòng phải chấp thuận các kiến nghị để hỗ trợ DN cầm cự qua mùa đại dịch. Tuy nhiên, trong cơ cấu chi tiêu của Chính phủ thì chi thường xuyên đang chiếm tỷ trọng cao hơn so với chi đầu tư. Trong lúc nguồn thu ngân sách đang giảm mạnh, dù cắt chi đầu tư thì cũng vừa đủ cho chi thường xuyên và các khoản chi cho phòng chống, dịch bệnh. Do vậy, dù có muốn giải cứu DN nhưng “lực bất tòng tâm”, mọi hỗ trợ của Chính phủ trong lúc này đối với DN giống như muối bỏ biển. 

Nhìn chung, DN đang mong đợi sự cảm thông của đối tác và trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm chi phí cố định trong bối cảnh không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Lúc này, mọi sự chia sẻ chi phí từ đối tác và hỗ trợ từ Chính phủ đều rất quý giá. Mong đợi lớn nhất của DN trong lúc này là đại dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát. Các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh sao cho không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN cần được ưu tiên.

TS. Huỳnh Thanh Điền