Game show gia đình: Một dòng chảy riêng luôn được ưa chuộng
Đời thường - Ngày đăng : 08:00, 12/04/2020
Một cảnh trong gameshow Bố là số 1 |
Kể từ Ở nhà Chủ Nhật lên sóng vào năm 1998 trên VTV3 với chủ đề kết nối giữa các thành viên trong gia đình để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với đông đảo khán giả dù phải kết thúc vào năm 2007, đến nay trên sóng truyền hình VTV và một số đài truyền hình lớn ở địa phương...
Nhiều game show khác về gia đình đã được phát sóng như Kế hoạch gia đình hạnh phúc - tôn vinh tình cảm gia đình, sự đoàn kết tương thân, tương ái, tinh thần phấn đấu vượt qua thử thách để thực hiện ước mơ của đại gia đình; Gia đình tài tử, Gia đình song ca - dành cho nhiều thế hệ trong gia đình có tình yêu với âm nhạc; Cha con hợp sức, Bố con cùng vui, Bố là số 1, Bố ơi mình đi đâu thế? - kết hợp giữa đố vui và các trò chơi vận động giữa các cặp bố con; Gia đình siêu nhộn, Gia đình siêu đẳng, Chúng ta là một gia đình, Gia đình hoàn mỹ - với các cặp gia đình vui nhộn cùng vượt qua những màn thi đấu đối kháng; Hát cùng mẹ yêu - dành cho các cặp mẹ con là nghệ sĩ trổ tài ca hát; Vợ chồng mình hát - dành cho những cặp vợ chồng chia sẻ giá trị của tình yêu trong cuộc sống lứa đôi qua đam mê chung là ca hát; Sao Hỏa Sao Kim, Người chồng trong mơ - mang đến những câu chuyện chân thật, “đa sắc màu” về cuộc sống hôn nhân gia đình; Tôi tuổi teen - giúp các cặp ba - con hoặc mẹ - con chia sẻ và bày tỏ nỗi niềm trong lòng để hiểu nhau, thương yêu nhau hơn; Lời chưa nói - dành cho các nhân vật cơ hội để nói lời cảm ơn, xin lỗi hoặc tâm sự với những người thân trong gia đình...
Ngoài ra, còn có các game show như Cố lên con yêu, Con biết tuốt, Con nhà người ta, Con đến từ hành tinh nào? Con tôi vô số tội, Ai hiểu mẹ nhất, Điều con muốn nói... Mới nhất (từ cuối tháng 3) là game show Gia đình thông thái, Thử thách lớn khôn, rồi sắp tới (trong tháng 4) là Góc bếp thông minh, Tâm đầu ý hợp... lần lượt lên sóng và tiếp tục là cầu nối giúp các thành viên trong gia đình gắn bó và thấu hiểu nhau hơn, cùng với những chia sẻ về kỹ năng cuộc sống hay những câu hỏi về kiến thức vui nhộn, bổ ích.
So với các game show thi tài năng ca hát, nhảy múa hay hài hước... nhiều mùa được phát sóng “giờ vàng” các buổi tối cuối tuần luôn có quy mô tổ chức hoành tráng, quy tụ nhiều người nổi tiếng, PR rầm rộ và dùng các chiêu trò gây hiệu ứng truyền thông ồn ào... thì những game show gia đình chủ yếu dành cho người chơi là các thành viên trong gia đình như cha mẹ và các con, hoặc một số bố con, mẹ con là nghệ sĩ đã chứng minh được bằng chất lượng “hữu xạ tự nhiên hương”, tuyệt đối nói “không” với các scandal “câu” khán giả.
Bởi nội dung của chúng đều xoay quanh những chủ đề nhẹ nhàng, giàu ý nghĩa nhân văn và gắn kết, giống như món ăn tinh thần hữu ích cho khán giả trong cuộc sống thời hiện đại bận rộn, không có nhiều thời gian để các thành viên trong gia đình quan tâm lẫn nhau. Bên cạnh đó, sự hồn nhiên và chân thật của các cặp cha mẹ, con cái, người thân trong gia đình chính là điểm thú vị của mỗi game show. Ở nhiều game show như Con biết tuốt, Ai hiểu mẹ nhất, Gia đình tài tử... yếu tố tự nhiên, không bị gò theo kịch bản viết sẵn, mà xuất phát từ những câu chuyện thật trong cuộc sống thường ngày của thí sinh cũng là nét đặc biệt để khán giả chào đón mỗi số phát sóng của chương trình.
Dù mua bản quyền hay thuần Việt thì cũng như xu hướng chung của thị trường game show ở Việt Nam, những game show gia đình không tránh khỏi có định dạng na ná giống nhau. Chẳng hạn như có chung hình thức kết hợp giữa đố vui về kiến thức và vận động. Thế nên, để tránh mang đến cảm giác nhàm chán thì mỗi game show gia đình ra đời sau đều ít nhiều có sự sáng tạo mới trong hình thức thể hiện và cách tổ chức để tạo sự khác biệt. Như Gia đình siêu đẳng (kết hợp đố vui về kiến thức và hình thức vận động) đã có sự sáng tạo mới khi giúp các thí sinh và cả khán giả theo dõi chương trình được học, hiểu lịch sử một cách trực quan, sinh động thông qua các trò chơi vận động được ghi hình ngoài trời với các mô hình như “dòng sông” Bạch Đằng, bức tường thành Đại La, những thành lũy, cây cầu tre bắc qua sông...
Cảnh trong gameshow Gia đình thông thái |
Cha con hợp sức, Bố ơi mình đi đâu thế, Bố là số 1 đều là game show dành cho người chơi là các cặp cha con. Nhưng trong Cha con hợp sức thì các cặp cha con (chủ yếu người chơi là người bình thường và một số nghệ sĩ) được trải qua loạt thử thách về vận động thể lực và trí nhớ: cào nghêu, bịt mắt đập dưa, làm lều, cắm trại, tìm thức ăn, trải nghiệm cuộc sống tại nông thôn... Còn trong Bố là số 1, các cặp cha con cùng thi tài năng nghệ thuật, tham gia một trò chơi trí tuệ, so tài trong một trò chơi vận động... được thực hiện trong trường quay của chương trình. Trong khi ở Bố ơi mình đi đâu thế?, các ông bố là những nghệ sĩ trong lĩnh vực giải trí cùng con cái của họ sẽ có các chuyến du lịch đến nhiều địa danh khác nhau, cùng nhau trải nghiệm và xử lý nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trên đường di chuyển...
Vẫn “vui là chính” như đặc trưng chung của thể loại game show, nhưng các game show gia đình được đánh giá là đã tạo ra cơ hội để mỗi thành viên sống trong một mái nhà hiểu thêm tính cách và gắn bó cùng nhau. Nhờ ý nghĩa nhân văn thiết thực và gần gũi này mà nhiều năm nay game show gia đình vẫn tồn tại như một dòng chảy riêng không thể thiếu trong “rừng” các thể loại game show khác. Và ở thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 đang khiến hàng triệu học sinh phải nghỉ học dài ngày, nhiều thành viên là người lớn cũng bất đắc dĩ phải “trú ẩn” ở tại nhà để thực hiện giãn cách xã hội và tự “cách ly” phòng tránh lây bệnh trong cộng đồng, thì các loại hình giải trí trên truyền hình, trong đó những game show ấm áp tình thân gia đình hẳn sẽ là một lựa chọn phù hợp để cả nhà cùng xem, cùng học hỏi và yêu thương, gắn kết hơn.