Châu Á loay hoay tìm lối thoát khỏi khủng hoảng Covid-19
Quốc tế - Ngày đăng : 00:00, 12/04/2020
Các chiến lược ứng phó của Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc có đủ hiệu quả cho đến khi xuất hiện vắc xin hay phương pháp điều trị hữu hiệu? |
Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc suốt nhiều tháng qua được khen ngợi vì cách ứng phó đại dịch virus corona với số ca tử vong thấp, nền kinh tế tránh được ảnh hưởng nặng nề, trái ngược với tình trạng ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt, theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ cao, đóng cửa biên giới từ sớm, cách ly xã hội và đeo khẩu trang trở thành tiêu chuẩn quốc tế về phòng dịch.
Vài tuần gần đây, nguy cơ về một đợt lây nhiễm mới làm dấy lên hàng loạt thay đổi trong chính sách, kéo dài thời gian phong tỏa, cách ly xã hội. Tình trạng này khiến hy vọng về một đợt phục hồi kinh tế và xã hội nhanh chóng trở nên mờ nhạt hơn. Các chiến lược ứng phó của Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc có đủ hiệu quả cho đến khi xuất hiện vắc-xin hay phương pháp điều trị hữu hiệu?
Singapore phong tỏa vì lây nhiễm cộng đồng
Singapore tuần này trở thành ví dụ rõ ràng nhất cho những thách thức châu Á đang gặp phải. Sau khi kiểm soát được nguồn lây nhiễm Covid-19 nhập khẩu, nhà chức trách Singapore hiện chật vật ứng phó với số ca nhiễm gia tăng trong cộng đồng. Ổ dịch mới bùng phát đang đe dọa mạng lưới nhà ở tập thể của người lao động nước ngoài, thường sống trong tình trạng đông người. Tuần trước, số ca nhiễm tại Singapore đã tăng 80% lên 1.910.
Quốc đảo 5,7 triệu dân này đã áp lệnh phong tỏa gần như hoàn toàn trong một tháng. Các trường học, nơi làm việc đều đóng cửa, cấm người dân tại các gia đình khác nhau tụ tập. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong nhấn mạnh Singapore cần tiếp tục thắt chặt các biện pháp nhằm giảm tốc độ lây nhiễm, duy trì tính hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
"Chúng ta cần phải tìm ra biện pháp giúp kiểm soát sự lây nhiễm cho tới cuối năm", Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong - đồng lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm đối phó virus corona, nói.
Hsu Li Yang - Phó Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Singapore "đang ở trong thế thủ". Ông mô tả tăng cường cách ly xã hội là "nỗ lực giúp vượt lên trước Covid-19 và kiểm soát virus này".
Singapore áp lệnh phong tỏa gần như hoàn toàn sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Ảnh: AFP. |
'Vừa đấm vừa xoa' ở Hồng Kông
Hồng Kông triển khai biện pháp ứng phó cái gọi là "đợt tăng mạnh" số trường hợp nhiễm Covid-19 trong hai tuần qua, tính cả ca nhiễm nhập khẩu và lây nhiễm cộng đồng. Lam Ching-choi - cố vấn của lãnh đạo đặc khu Carrie Lam, nói Hồng Kông áp dụng chiến lược "nén và thả". Chính quyền cứng rắn khi tỷ lệ lây nhiễm cao và nới lỏng khi tình hình hạ nhiệt xuống mức có thể chấp nhận được.
Các trường học, phòng tập thể hình, quán bar và địa điểm giải trí phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa càng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Hồng Kông, vốn đã mỏng manh vì tình trạng biểu tình kéo dài nhiều tháng liền. Theo cố vấn Lam, cộng đồng và các doanh nghiệp nên quen dần với chu kỳ "nén và thả" này trong ít nhất 2 năm, cho đến khi vắc-xin được phát triển thành công. "Mọi người cần luôn luôn sẵn sàng cho hai tuần áp dụng biện pháp cứng rắn… tương tự như thời chiến".
Đài Loan tìm kiếm sự cân bằng
Đài Loan đã áp dụng các biện pháp kiểm soát kiên quyết từ sớm, như hạn chế biên giới, giúp hòn đảo này tránh được một đợt bùng phát, giữ số ca nhiễm dưới 400. Nhà chức trách Đài Loan tin rằng họ cần duy trì thế thủ trong nhiều tháng nữa.
Chen Chi-mai, phó lãnh đạo Đài Loan, cho biết hòn đảo đang theo đuổi "sự cân bằng" giữa ngăn đại dịch và bảo vệ sinh kế người dân. Trong khi ngành du lịch và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề trên khắp thế giới, phần lớn lĩnh vực trong ngành dịch vụ và sản xuất tại Đài Loan vẫn hoạt động như bình thường. Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh của Đài Loan có ngoại lệ là lao động thiết yếu đối với các nhà sản xuất điện tử.
"Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của họ đối với những công ty như ASE", ông Chen nói, nhắc đến công ty thử nghiệm và đóng gói chip lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu theo dõi hành trình của Google, mức độ lưu thông quanh các khu làm việc tại Đài Loan chỉ giảm 1% trong thời gian từ giữa tháng 2 tới cuối tháng 3 so với một tháng trước đó. Mức giảm ở châu Âu là khoảng một nửa.
Chiến lược của Đài Loan có vẻ thành công nhưng các chuyên gia y tế công cộng đang cực kỳ thận trọng sau khi có những người từ châu Âu và Mỹ về hòn đảo nhưng không được theo dõi trong tháng 3. Điều đó khiến số ca nhiễm Covid-19 tại hòn đảo tăng 5 lần trong 6 tuần.
Các đợt xét nghiệm và cách ly được mở rộng, nhiều bệnh viện với hàng nghìn giường bệnh trống được chuẩn bị sẵn sàng.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng xảy ra đợt bùng phát giống như ở New York. Nếu có, chúng tôi sẽ phải phong tỏa", theo Chen. "Chúng tôi sẽ mở cửa biên giới trở lại khi đại dịch được kiểm soát ở châu Âu và Mỹ… Có thể là tháng 8 hoặc tháng 9".
Đài Loan đang tăng cường biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 |
Hàn Quốc chật vật dứt điểm virus.
Tình hình ở Hàn Quốc làm nổi bật lên một vấn đề nhiều quốc gia phụ thuộc thương mại gặp phải khi đối mặt khủng hoảng y tế. Họ khó có thể đảm bảo nền kinh tế mà không tạo ra nguy cơ tăng số ca nhiễm bệnh. Hàn Quốc trong tháng trước ghi nhận 30 – 100 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm đáng kể so với mức đỉnh 900, cho thấy việc dứt điểm virus corona tại nước này còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 8/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyn ra thông báo gây sốc. Seoul tạm thời đình chỉ các chương trình miễn thị thực cho những quốc gia áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc liên quan tới đại dịch Covid-19 và hạn chế việc đi lại không cần thiết của người nước ngoài.
Trong khi đó, các quan chức ngoại giao và thương mại Seoul lại tìm cách kêu gọi quốc tế hỗ trợ miễn trừ đi lại với doanh nhân Hàn Quốc.
"Chúng tôi là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới, nhà đầu tư lớn thứ 13 thế giới… các hạn chế đi lại từ nước ngoài là đòn giáng mạnh vào các công ty của chúng tôi, đặc biệt là các nhà sản xuất, bởi họ bị tách khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng Thương mại Hàn Quốc Park Ki-young, nói.
Jerome Kim - Tổng giám đốc Viện vắc-xin Quốc tế, cho biết giới chức y tế cần đặc biệt "thận trọng" khi có bất cứ lệnh hạn chế đi lại quốc tế nào được nới lỏng.
(Theo Người Đồng Hành)