Ba kịch bản kinh tế Việt Nam hậu Covid-19

Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 13/04/2020

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hậu dịch Covid-19.
Ba kịch bản kinh tế Việt Nam hậu Covid-19

Triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới. Ảnh: VOV

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I/2020 sáng 13/4/2020, VEPR cho biết, trong bối cảnh tăng kinh tế thế giới suy giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý I/2020 đạt mức 3,82%.  

Nhà kinh tế trưởng VEPR PGS.TS. Phạm Thế Anh thông tin, tăng trưởng khu vực dịch vụ ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Đại dịch Covid-19 đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ, nhất là ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 5,28%; chỉ số Quản lý thu mua (PMI) giảm mạnh, 41,9 điểm.

PGS.TS. Phạm Thế Anh chia sẻ, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, chỉ có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong quý II/2020; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Đây là mức độ lạc quan trong kinh doanh thấp nhất kể từ tháng 4/2012 đến nay.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 68,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 40,43 tỷ USD (giảm 2,9%). Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là khu vực chủ lực trong xuất khẩu và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD (tăng 16,2%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo giả định dịch Covid-19 không bùng phát mạnh ở Việt Nam, VEPR cho rằng, có 3 kịch bản kinh tế được xây dựng cho kinh tế Việt Nam năm 2020.

Kịch bản 1 (Lạc quan): Dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II/2020. Từ quý III/2020 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.

Kịch bản 2 (Trung tính): Dịch Covid-19 trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau Quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020. Từ quý IV/2020 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.

Kịch bản 3 (Bi quan): Dịch Covid-19 trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau Quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV/2020.

PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định, ở bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vaccine hoặc thuốc đặc trị trên thế giới. Và đặc biệt, con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn của nền kinh tế, do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

Khuyến nghị về những chính sách trong thời gian tới, VEPR khẳng định, Việt Nam cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động và có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh. Thêm vào đó, cần ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai bởi dịch Covid-19.

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ngưng hoạt động bởi dịch Covid-19, VEPR cho rằng, cần khoanh/ngưng các chi phí tài chính. Sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế, nếu doanh nghiệp còn hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng. Chính sách giãn hay thậm chí là miễn các loại thuế không có tác dụng với nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhóm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ như hoãn/miễn đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT; ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu.

Đối với nhóm các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, cần tạo điều kiện hết sức về môi trường thể chế và chính sách ngành bởi đây là nhóm "gánh đỡ" cho cả nền kinh tế trong giai đoạn này.

Ngoài ra, VEPR nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyệt, cắt giảm hoặc tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%. Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dịch bệnh; từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kinh tế giống như đại dịch Covid-19, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.

(Theo Thế giới & Việt Nam - Tựa bài do DNSG đặt lại)

Gia Thành