Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu chính thức vượt 2 triệu

Bình luận - Ngày đăng : 04:00, 15/04/2020

Cập nhật đến chiều 15/4/2020, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tăng thêm 7.129 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.004.989, với 126.830 người tử vong.
Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu chính thức vượt 2 triệu

Hình ảnh một nhân viên y tế mệt mỏi bên ngoài Bệnh viện Brooklyn tại New York ngày 1/4/2020

Trong đó, hơn 90% số ca nhiễm mới được phát hiện trong 31 ngày gần nhất. Tại thời điểm này vào tháng trước, số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới mới chạm mức 170.000.

Theo WorldoMeter, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bênh và tử vong cao nhất, lần lượt ở mức 614.246 và 26.064 trường hợp. Riêng bang New York - điểm nóng của Covid-19 tại Mỹ, ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Xếp sau nền kinh tế lớn nhất thế giới về số lượng ca nhiễm bệnh là Tây Ban Nha (174.060), Ý (162.488), Pháp (143.303), Đức (132.210) và Vương quốc Anh (93.873).

Sáng cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến truyền thông thế giới chú ý khi tuyên bố đã chỉ thị cho chính quyền ít nhất tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do cách tổ chức này xử lý đại dịch Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump cho biết, WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".

Theo ông chủ Nhà Trắng, WHO đã "thúc đẩy" Trung Quốc "thông tin sai lệch" về SARS-CoV-2, và chính điều này đã khiến cho dịch bệnh bùng phát một cách mạnh mẽ.

Về phía Trung Quốc, đất nước nơi dịch Covid-19 khởi phát hiện đứng thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Song, vị trí này nhiều khả năng sẽ được thay thế bởi Iran vào tuần tới, trong bối cảnh cách biệt về số ca nhiễm giữa hai bên là 7.372, nhưng Trung Quốc hôm qua chỉ ghi nhận 89 ca mắc mới, còn con số này ở Iran lại lên tới 1.574.

Để phòng chống dịch bệnh, hiện ít nhất 20 loại vắc-xin đang được phát triển, bên cạnh nhiều cuộc thử nghiệm trên người, mà điển hình là các thử nghiệm của công ty công nghệ sinh học Moderna từ Boston (Mỹ). Song, theo giới khoa học, để cho ra một sản phẩm có thể sử dụng để tiêm chủng hàng loạt, thì ít nhất phải mất từ 12-18 tháng nữa.

Bà Marian Wentworth - Chủ tịch và CEO của một tổ chức toàn cầu phi lợi nhuận chuyên xây dựng hệ thống y tế có trụ sở tại Massachusetts cho biết: "Nếu nói đến một loại vắc-xin sử dụng cho một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trên toàn cầu thì 12-18 tháng có lẽ là đúng".

Tuy nhiên, bà đánh giá với một loại vắc-xin thử nghiệm được cho là đủ an toàn và hiệu quả để triển khai một cách hạn chế thì có thể ứng dụng sớm hơn. Vắc-xin dạng này sẽ được dùng cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như nhân viên y tế.

Việc này từng có tiền lệ với dịch Ebola khi một loại vắc-xin được ứng dụng theo quy tắc khẩn cấp do cơ quan quản lý thuốc và WHO phê duyệt. Vì thế, viễn cảnh về một loại vắc-xin triển khai trong phạm vi hạn chế là hoàn toàn có thể xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Khởi Vũ