Thiềng Liềng ơi dậy đi thôi
Du lịch - Ngày đăng : 07:54, 18/04/2020
Nhà nổi của hàu ở Thiềng Liềng |
Nằm cách Thạnh An 6km, cách huyện lỵ 14km, có 211 hộ, gần 1.000 người, làm muối và đánh bắt thủy sản; tập trung quanh bến tàu, gần 90% là nhà tường san sát. Đảo Thiềng Liềng có ba không: không xe hơi - không bến xe - không tệ nạn. Nước ngọt được bù lỗ. Chiều dài đường độc đạo hình ô van chừng 4km, như dải lụa, điệu đàng uốn quanh ruộng muối, sông, rạch; rừng ngập mặn bạt ngàn đước, mắm, bần... và một ít cây thuốc.
Ký ức cần giờ và thiềng liềng xưa
Cần Giờ, xưa là Duyên Hải, thuộc Đồng Nai, sát nhập vào thành phố từ cuối năm 1978. Thời đó, Sài Gòn xuống Cần Giờ chỉ duy nhất tàu gỗ, mỗi ngày một chuyến, chạy chậm hơn xe đạp. Huyện không có nước ngọt. Anh em xuống Cần Giờ công tác cực hơn đi kinh tế mới. Mỗi lần về Sài Gòn là vác cả bao đồ dơ bạn bè để giặt. Có đứa bị quản lý thị trường lập biên bản vì tưởng là buôn lậu.
Tôi xuống Cần Giờ lần đầu năm 1984. Đến Thạnh An phải mặc quần đùi lội sình vào xã, đi chân đất mấy ngày. Tới Tam Thôn Hiệp, nửa đêm báo động vỡ bờ ngăn mặn. Cả xã đốt đuốc be bờ, bùn ngập ngang lưng. Trắng đêm đói lả, chỉ thèm nắm mì vụn mà không có.
Một dạng nhà xưa với vỏ lãi, phương tiện di chuyển nhưng chưa được chở khách |
Nhớ nhất là đến Thiềng Liềng bằng ghe chở nước ngọt. Sóng như muốn nhận chìm tất cả, ngồi chỗ nào cũng ướt nhẹp. Ghé căn nhà lá trống trước hở sau, được gọi là phiên hiệu. Căn nhà được ngăn tạm. Phần chính là các lớp học ngồi xoay lưng và tấm bảng đen tạm bợ. Mỗi lớp chỉ vài em. Lũ trẻ đi học theo mặt trời và thời tiết.
Phần nhỏ nhất là “phòng giáo viên” làm việc và ăn ngủ. Ba thầy trẻ măng, có tên rất dễ thương là Phước - Lộc - Thọ; cùng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thành phố, tình nguyện về Cần Giờ. Thấy cán bộ Thành đoàn ghé thăm, các thầy rối rít, quyết hy sinh con gà mái đang nuôi, gia tài lớn nhất, đãi khách VIP. Tôi năn nỉ được ăn cơm bình thường như các thầy để chia sẻ những vất vả cực nhọc thường ngày.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Thạnh như mắc cửi. Các tàu lớn đi ngang phải giảm tốc cho ghe thuyền ngang dọc. Tiếng pháo đì đùng, tiếng súng chỉ thiên chát chúa, bừng bừng khí thế như chiến trận Bạch Đằng xưa.
Cần giờ thức giấc từ lâu nhưng thiềng liềng vẫn “ngái ngủ”
Cần Giờ nay nhận không ra. Cầu Dần Xây, xây dần dần cũng xong. Không còn cảnh nơm nớp nước xuống, phải nghỉ lại. Chỉ còn phà Bình Khánh vẫn tất bật. Đường thênh thang hơn quốc lộ nhưng chất lượng kém xa vì làm ẩu. Tôi vẫn mê con đường đất đỏ trải đá cấp phối, dù hẹp, hơi bụi nhưng đẹp như mơ. Rừng đước hai bên đường lãng mạn, cố nghiêng để khách bộ hành lúc nào cũng râm mát. Huyện đã có nước ngọt từ lâu.
Đường trên đảo nối các khu dân cư dài chừng 4km, đẹp như tranh |
Xã Thạnh An nhà cửa chen chúc xô bồ, không kém Sài Gòn. Thiềng Liềng xưa toàn nhà lá, nền đất; chỉ vài chục hộ. Giờ toàn nhà xây, có cả biệt thự. Từ năm 2016, có điện lưới quốc gia; có đường bê tông nông thôn mới. Chỉ có rừng là tương đối nguyên vẹn.
Ruộng muối nhờ kỹ thuật mới nên đỡ cực nhọc. Dùng tấm nhựa lót ruộng, tiết kiệm từ thời gian thu hoạch, năng suất lao động, sản lượng và không để đất ngộp nước mặn. Xưa chỉ bán muối thô nay có thêm muối ớt, muối tôm, muối tiêu, muối chữa bệnh...
Một góc ruộng muối ở Thiềng Liềng |
Dân đảo còn nuôi hàu cửa sông. “Nhà” hàu xưa bằng tôn fibro cũ hoặc vỏ ô tô. Nay dùng xi măng trộn cát, tráng thành miếng vuông, cỡ hai bàn tay, gọi là giá thể, kết nhau bằng dây cước nhựa. “Nhà” mới, gọn nhẹ, hàu lớn nhanh, dễ thu hoạch và chất lượng hơn.
Từ Sài Gòn có xe buýt xuống Cần Thạnh (72km). Tàu về Thạnh An 14km, mỗi ngày 7 chuyến. Tàu từ Thạnh An đi Thiềng Liềng 6km, mỗi ngày 2 chuyến. Trên đảo có tổ du lịch với 3 homestay dạng nhà nghỉ, chừng 40 chỗ ngủ, bên cạnh nhà dân. Việc ăn uống dễ dàng hơn. Khách phượt đến đảo chủ yếu chụp ảnh selfie, ăn hải sản, câu cua, bắt cá... Số ít trekking xuyên rừng, lên núi Giồng Chùa, có bàn chân Tiên. Giồng Chùa là khối đá andezit, một loại macma nguồn gốc núi lửa, giữa rừng ngập mặn, cao hơn 10m; là điểm cao nhất TP.HCM.
Thiềng liềng ơi dậy đi thôi
Đầu tháng 3/2020, tôi trở lại, Thiềng Liềng hơi chảnh nhưng phổng phao và đẹp hẳn ra. Thích nhất là chạy xe đạp trên đường làng đẹp như tranh. Buổi tối vàng trăng, dạo chơi với tri âm thì hơn thượng giới. Gió luôn hào phóng, vồ vập, thổi tan rít chịt. Thi thoảng, vài nhà vườn giăng sẵn võng, chờ đợi, níu chân. Những diêm dân dạn dày mưa nắng hồn nhiên, hiếu khách, thân thiện.
Đạp xe quanh đảo |
Đảo có nhiều thứ để trải nghiệm. Làm diêm dân, chế biến các loại muối, câu cua, săn cá bống, cá thòi lòi đến trekking xuyên rừng, chèo xuồng khám phá sông rạch. Làm “nhà” cho hàu, tìm hiểu quy trình sinh trưởng của hàu, rất thú vị.
Từ việc đón bình minh, tiễn hoàng hôn, chờ trăng, đợi sao cho đến chuyện đi bộ, chạy thể dục quanh đảo, mặc áo phao ra sông Thị Vải hay Lòng Tàu, làm đặc công nhái, tha hồ vùng vẫy... Món ngon trên đảo không nhiều nhưng chất lượng khỏi chê. Hàu và thủy hải sản được chế biến nhiều cách, tùy gu, dân dã hay hiện đại đều có. Thiềng Liềng còn giữ được nhiều nét của làng quê bình yên, chân mộc; chưa bị độ thị hóa một cách tàn nhẫn. Chỉ tiếc là chỗ ở chưa thoải mái. Homestay và nhà dân đều bí rị. Dân phố thị và khách Tây cần những căn nhà lộng gió, bạn với trăng sao, giữa thiên nhiên hào sảng. Hơi lo vì thấy rác, dù chưa nhiều.
Nếu biết làm du lịch cộng đồng với các homestay chuẩn, Thiềng Liêng sẽ là điểm vàng cho du lịch thư giãn, giảm stress, chữa bệnh, trải nghiệm độc đáo với diêm dân vùng sông nước. Trước mắt, dọc đường làng, nên trồng thêm hoa giấy, không tốn nước, ít chăm sóc, càng nắng hạn càng rực rỡ.
Ngũ "phượt thủ" trên đỉnh Giồng Chùa |
Thay vì phải xuống Cần Thạnh, chỉ cần đến bến tàu Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, đi ca nô hoặc vỏ lãi thẳng về Thiềng Liềng; rút ngắn được 26km đường bộ, 9km đường thủy. Cano nhanh nhưng đắt gấp 5 vỏ lãi (tắc ráng). Lạ là vỏ lãi Cần Giờ chưa được cấp phép, trong khi các tỉnh miền Tây chở du khách hà rầm cả chục năm hơn? Sự vô lý này nhờ các nhà quản lý trả lời và giải quyết dùm.
Thiềng Liềng ơi, dậy đi thôi, khách nóng ruột lắm rồi!