Giải cứu doanh nghiệp và lực cản

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 21/04/2020

Hàng loạt gói giải cứu, hỗ trợ của các chính phủ, ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã được tung ra gần đây, để giảm tác hại của dịch Covid-19. Trong khi doanh nghiệp chờ được giải cứu từ những gói hỗ trợ này đã xuất hiện không ít lực cản.
Giải cứu doanh nghiệp và lực cản

Nhiều lực cản từ người đóng thuế

Mới đây, hãng hàng không EasyJet của Anh đã nhận được một khoản vay lớn, sau khi phải ngừng hoàn toàn các chuyến bay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, EasyJet được tài trợ bởi Quỹ Coronavirus khẩn cấp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Anh, với 600 triệu bảng Anh. EasyJet cho biết họ sẽ vay thêm khoảng 406 triệu bảng từ các ngân hàng thương mại nhằm tối đa hóa lượng tiền mặt cho công ty.

Tuy nhiên, các hãng hàng không khác có lẽ không gặp nhiều may mắn đến thế. Hơn 250 công đoàn và các nhóm môi trường đã ký một bức thư ngỏ phản đối kế hoạch giải cứu ngành hàng không. Bức thư gửi các chính phủ yêu cầu bất kỳ gói cứu trợ nào phải đi kèm với yêu cầu cải thiện điều kiện lao động tốt hơn và cắt giảm khí thải. 

Theo những người phản đối, các hãng hàng không, sân bay và nhà sản xuất đang yêu cầu các gói cứu trợ lớn từ người đóng thuế. Điều này là thiếu công bằng khi trong những thời điểm kinh doanh tốt, lợi nhuận rơi vào tay các ông chủ tư nhân, nhưng vào lúc tồi tệ như hiện nay, họ lại mong đợi công chúng, những người nộp thuế cùng chia sẻ tổn thất thông qua các gói giải cứu của chính phủ.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) gần đây đã yêu cầu các chính phủ giảm ngay các khoản phí và thuế, trì hoãn mọi kế hoạch tăng phí và thuế trong 6-12 tháng; và tạo ra các quỹ hỗ trợ để giúp các hãng hàng không khởi động lại hoặc duy trì các tuyến bay. Nếu không có các biện pháp như vậy, nhiều hãng hàng không sẽ phá sản, dẫn đến việc mất các tuyến bay và thiệt hại cho nền kinh tế, cũng như hàng nghìn việc làm bị mất.

Sẽ có những nhóm lợi ích ủng hộ việc giải cứu, nhưng cũng sẽ có vô vàn ý kiến phản đối và cho rằng nên để mọi thứ tự vận hành theo tự nhiên, theo đó doanh nghiệp nào thật sự khỏe sẽ vượt qua tác hại của dịch Covid-19, còn doanh nghiệp nào yếu sẽ chết như là một cách chọn lọc tự nhiên đối với nền kinh tế.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cách đây hơn 10 năm, nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bị thiệt hại nặng nề nhất, và nhiều chính phủ đã giang tay cứu trợ với lý do những doanh nghiệp này quá lớn nên không thể để sụp đổ, nếu không nền kinh tế có thể sụp đổ theo, nhưng lại bị rất nhiều ý kiến phản đối. 

E ngại tính công bằng

Các chính phủ có thể có những lý lẽ riêng, khi tin rằng tiền cứu trợ rót vào các công ty sẽ giúp giữ lại công ăn việc làm cho người lao động, duy trì chính sách phúc lợi. Do đó, thay vì hỗ trợ trực tiếp đến từng cá nhân trong xã hội, các gói giải cứu doanh nghiệp cũng có thể mang lại lợi ích gián tiếp cho xã hội khi ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra, một số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn và phải được hỗ trợ, nhưng vẫn mạnh tay chi thưởng cho ban lãnh đạo mỗi người hàng triệu USD. Một số doanh nghiệp sử dụng tiền cứu trợ mua lại cổ phiếu quỹ để mang lại lợi ích cho cổ đông, thậm chí dùng để trả cổ tức. Do đó, không ít người cho rằng tiền của chính phủ từ tiền thuế của dân đang được chuyển thành lợi ích cho những ông chủ của các doanh nghiệp tư nhân thông qua các gói cứu trợ.

Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng các gói cứu trợ nên sử dụng để giúp trực tiếp từng cá nhân trong xã hội đã bị ảnh hưởng nặng nề trong các cuộc khủng hoảng, thay vì giải cứu những ông chủ doanh nghiệp đã mạo hiểm kinh doanh trong thời kỳ kinh tế bùng nổ mà không có bất cứ giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả nào. 

Tính công bằng trong việc lựa chọn doanh nghiệp để giải cứu cũng là vấn đề lớn khiến các gói hỗ trợ mất nhiều thời gian để thành hiện thực. Như trường hợp tại Mỹ, hàng nghìn tỷ USD được Tổng thống Donald Trump cam kết bơm ra để kích thích nền kinh tế nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, nhưng không ít người lo ngại chỉ ưu tiên giải cứu những doanh nghiệp thân hữu, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp là người thuộc Đảng Cộng hòa.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các gói giải cứu này sẽ mất khá nhiều thời gian được thông qua trước khi dòng tiền đến được tay doanh nghiệp, vì rõ ràng Đảng Dân chủ đối lập sẽ tìm cách phản đối, hoặc chỉ đồng ý phê duyệt các gói kích thích với giá trị thấp hơn, nếu như các gói hỗ trợ này chỉ nhằm giải cứu cho các công ty mà tổng thống lựa chọn.  

Như vậy, dù những lời cam kết về các gói hỗ trợ đã sớm được đưa ra, nhưng thời gian để triển khai vào thực tế sẽ không quá sớm và hiệu quả không cao như mong đợi, khi gặp không ít lực cản từ chính các thế lực chính trị đối lập cho đến các tổ chức dân sự, những người luôn cho rằng tiền thuế của dân phải được sử dụng hiệu quả và có ích cho toàn xã hội thay vì cho bất kỳ ông chủ tư nhân nào. 

Lê Phan