Chăm sóc 'xế yêu' trong mùa dịch
Công nghệ - Ngày đăng : 04:41, 22/04/2020
Khử khuẩn tại nhà
Có rất nhiều bộ phận trên xe cần phải được vệ sinh và khử khuẩn trong thời điểm này. Để không bị sót, hãy nghĩ về quá trình từ bộ phận đầu tiên bạn chạm vào khi lên xe cho đến bộ phận cuối cùng trước khi ra ngoài. Đầu tiên là chìa khóa và thiết bị điều khiển từ xa, tay nắm cửa ngoài xe, tay nắm cửa trong xe, hệ thống nút khóa/chốt cửa xe, dây đai an toàn và chốt an toàn.
Tiếp đó là nút bấm khởi động xe, gương chiếu hậu, nút điều khiển gập gương và lên kính tự động, nút điều chỉnh hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí, núm điều chỉnh radio và màn hình cảm ứng SYNC, cần số, phanh tay, vô lăng và các nút bấm trên vô lăng, cần điều khiển tín hiệu và cần gạt nước, núm điều chỉnh đèn pha…
Muốn xe ít bẩn, khi lái xe trong điều kiện trời mưa, hoặc trong mùa dịch bệnh nên ưu tiên chế độ lấy gió trong nhằm tránh hơi ẩm lọt vào xe gây ẩm mốc và làm hư hỏng hệ thống điều hòa. Điều này cũng sẽ hạn chế phần nào sự lây nhiễm vi khuẩn gây hại vì không khí bên trong chỉ luân chuyển theo một vòng tuần hoàn khép kín.
Bên cạnh đó, nên kiểm tra, thay lọc gió điều hòa và vệ sinh dàn lạnh. Hệ thống điều hòa trên ô tô là một bộ phận rất quan trọng trên xe, đảm bảo không khí lưu thông và điều tiết nhiệt độ trong xe giúp người ngồi được đảm bảo đủ oxy trong quá trình xe di chuyển.
Vệ sinh khoang nội thất cần những dụng cụ chuyên dụng |
Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ và thay thế đúng lúc để duy trì bộ lọc sạch sẽ là rất quan trọng đối với mỗi chiếc xe và sức khỏe của chủ xe. Người dùng xe phải vệ sinh hệ thống đường ống, cửa gió theo định kỳ để có môi trường an toàn nhất.
Dùng sản phẩm chuyên dụng
Các chuyên gia cũng cho rằng, làm sạch bằng nước rửa chén và xà phòng không thể loại bỏ được mầm bệnh hoàn toàn. Vệ sinh bằng các dung dịch này có thể giết chết vi khuẩn, làm giảm lượng vi trùng nhưng vẫn tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa, nước rửa chén và xà phòng là những chất tẩy rửa mạnh, có thể ảnh hưởng đến màu sơn và giảm chất lượng nước sơn. Tốt nhất, nên sử dụng hóa chất chuyên dụng để tiêu diệt vi khuẩn, virus và các loại nấm. Đây là bước cuối cùng không thể thiếu sau khi làm sạch và vệ sinh mà các chủ xe phải lưu ý.
Khi sử dụng các sản phẩm chuyên dụng để làm sạch xe, không được phun trực tiếp lên bề mặt như bảng điều khiển... Hãy xịt dung dịch vào một chiếc khăn bông, rồi lau chùi bề mặt và dùng máy hút bụi loại bỏ bụi bẩn từ ghế vải, lớp ốp bọc trần xe. Và đừng quên lau rửa các bề mặt mà bạn thường xuyên chạm vào bên ngoài xe, đặc biệt là tay nắm cửa.
Với các bề mặt cứng như nút nhựa và núm vặn có thể được lau sạch bằng khăn diệt khuẩn không có chất tẩy trắng, hoặc khăn bông cùng dung dịch khử trùng. Đối với những xe được trang bị hệ thống giải trí và điều khiển SYNC có màn hình cảm ứng hãy lựa chọn các công cụ vệ sinh chuyên dụng dành cho đồ điện tử.
Sau khi làm sạch và khử trùng chiếc xe của mình, hãy rửa tay thật kỹ để đảm bảo rằng các hóa chất này không còn bám trên tay.
Các hãng xe đang tăng cường dịch vụ vệ sinh và khử khuẩn xe trong mùa dịch |
Dịch vụ chuyên nghiệp
Nếu cảm thấy các công đoạn vệ sinh, khử trùng xe quá khó khăn và rắc rối, chủ xe có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ của các hãng hoặc các garage chuyên nghiệp để nhờ hỗ trợ.
Hiện nay, các đại lý ủy quyền và trung tâm dịch vụ của các hãng đều nhận làm các dịch vụ vệ sinh, khử khuẩn cho xe. Trong đợt dịch này, các trung tâm dịch vụ của Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam… đều tăng cường dịch vụ vệ sinh xe cho khách hàng. Mới đây, Toyota Việt còn phát hành bộ hướng dẫn tự vệ sinh và chăm sóc xe tại nhà với 10 cách chăm sóc xe khi không sử dụng.
Ngoài ra còn có các garage chuyên về dịch vụ bảo dưỡng, vệ sinh xe… Để đảm bảo an toàn cho nội thất xe thì việc hút bụi, vệ sinh bề mặt da, thảm sàn, bảng điều khiển, ghế ngồi, bề mặt kính… cần các dung dịch hóa chất phù hợp theo khuyến nghị của nhà sản xuất. Vì vậy, khi sử dụng các dịch vụ khử khuẩn ở các garage bên ngoài, chủ xe cũng nên tìm hiểu kỹ về các vật dụng và dung dịch khử khuẩn.
Cụ thể, nên biết về nguồn gốc của sản phẩm được sử dụng để vệ sinh, khử khuẩn như thế nào? Chất lượng ra sao? Máy phun có kiểm soát được lượng hóa chất phun vào khoang nội thất? Nguy cơ ảnh hưởng đến vật liệu chi tiết trong xe, và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng và người vận hành thiết bị. Sản phẩm hóa chất kèm theo có đạt chất lượng về tiêu chuẩn an toàn hay không?
Vệ sinh xe thường xuyên để đảm bảo an toàn trong mùa dịch |