Doanh nghiệp xăng dầu: Khó đơn, khó kép
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:20, 24/04/2020
Tiêu thụ giảm, tồn kho nhiều
Theo Bộ Công Thương, hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đáp ứng 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã khiến các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo PVN, giá dầu tăng từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến doanh thu và khả năng kinh doanh của tập đoàn, các đơn vị thành viên và nguồn thu ngân sách quốc gia. Đầu năm nay, phương án giá dầu thô được Quốc hội phê duyệt là 60 USD/thùng, nhưng hiện nay giá dầu thô thực tế đang ở quanh mức 30-35 USD/thùng. Nếu giá dầu trung bình ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu năm 2020 của PVN sẽ mất khoảng 2,35 tỷ USD.
Cũng theo PVN, hiện nhiều lô hợp đồng của PVN sau khi nộp các loại thuế, doanh thu không đủ bù chi phí, nhưng nếu dừng sản xuất thì thiệt hại nhiều hơn vì vẫn phải trả chi phí dẫn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng. Kịch bản xấu nhất được tính đến là nếu giá dầu xuống thấp nhất, buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu.
Theo nguồn tin từ Infonet.vn, các nhà máy lọc dầu Dung Quất đang chịu áp lực từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho) lẫn đầu ra (khách hàng hủy, giãn nhận hàng do nhu cầu xuống mức rất thấp). Trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng.
Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%. Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, PVN cho biết, tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong hai tháng đầu năm 2020 là 1,356 triệu tấn. Nếu so sánh với tổng khối lượng sản xuất 2,16 triệu tấn của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (1,15 triệu tấn) và Dung Quất (1,01 triệu tấn), thì lượng nhập khẩu đã chiếm 39% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Giải pháp nào?
Đứng trước khó khăn, PVN đã kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa, thậm chí tạm dừng nhập khẩu xăng dầu để cân đối cung - cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang rất khó khăn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu.
Chấp thuận đề xuất của PVN, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp, hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện nay, doanh nghiệp xăng dầu nếu có điều kiện có thể mua dầu thô về tích trữ, PVN cho biết việc mua dầu thô để tích trữ là hợp lý. Tuy nhiên, việc nhập khẩu dầu, trữ dầu lại gặp rất nhiều khó khăn vì hiện nay, cả nước chỉ có hai kho chứa dầu thô của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, chưa có kho dự trữ dầu quốc gia, trong khi đó nếu đi thuê tàu trữ dầu thì không khả thi, nhất là trong giai đoạn này, nguồn lực tài chính còn khó khăn.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo việc trữ dầu cũng rất dễ rủi ro do biến động thị trường rất khó lường. Do đó, PVN kiến nghị Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ vay vốn giá rẻ cho tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên, có chính sách ưu đãi thuế, phí phù hợp với hoạt động khai thác dầu khí và các cơ chế tài chính khác, cho phép sử dụng số tiền gửi của tập đoàn tại một ngân hàng để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.