Ở nhà, vẫn "mở cửa"
Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 24/04/2020
Thế giới và Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trường học đóng cửa, học sinh ở nhà. Học sinh nếu may mắn còn được học online, chứ các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo phải về nhà với bố mẹ; gia đình tự chăm sóc con cái, tạm mất nền nếp ở cái lứa tuổi mà các bé cần nhất kỹ năng của những nhà giáo dục chuyên nghiệp.
Ngành giáo dục đã xã hội hóa sâu rộng, có người không chỉ kinh doanh mà còn xem giáo dục như một sự nghiệp. Chẳng hạn như Nguyễn Trí - một nữ họa sĩ có tài, về nước cách đây nhiều năm sau khi du học hội họa và là con gái của gia đình nhà văn nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tuấn - Hà Phương.
Thoạt tiên, nữ họa sĩ đã nghĩ, chẳng lẽ học hội họa về lại theo nghề dạy trẻ? Nhưng, sau khi cùng chồng xây dựng Công ty Giáo dục "Tập đoàn Nhóc", cô tâm sự: "Tôi đã sai. Giáo dục trẻ rất cần người có trình độ cao. Nền móng như viên gạch đầu tiên".
Vì điều quan trọng nhất đối với trẻ là cho tình yêu thương và tuổi thơ, nên nữ họa sĩ đã lấy slogan cho "Tập đoàn Nhóc" là "Ở đây có đủ tình yêu cho tất cả", theo như lời trong một bộ phim.
Đang phát triển tốt, bỗng Covid-19 đến; Nguyễn Trí bối rối bởi "Tập đoàn Nhóc" phải đóng cửa như tất cả các nơi khác để chống dịch. Cô đau đầu theo dõi ý kiến của những người mẹ trẻ; có người bảo nên cho con đến trường, người mắng sao không quý sinh mạng trẻ con… Rồi cũng đến giai đoạn không còn tranh cãi nữa khi cả thế giới có 4 tỷ người phải… ở nhà.
Trả mặt bằng đã thuê khá "bộn tiền" để dạy các bé đủ các môn hội họa, đồ họa, nhảy hiện đại, múa ba lê…, vợ chồng Nguyễn Trí quyết định làm tiếp. Lần này, sẽ chuẩn bị thật chuyên nghiệp cho ngôi trường "Nghệ thuật Nhóc", sẽ tái cơ cấu, và gom về một mối để chờ mở cửa (dù chưa biết chính xác lúc nào).
Mùa dịch, nhiều người trong ngành giáo dục (tư nhân) xót lỗ, chưa biết trông cậy vào đâu. Nhưng nữ họa sĩ nghĩ, hãy cứ phấn đấu cho sự bền vững trước, tài chính sẽ đến sau. Thay vì ngồi im lo ngại, hãy chấp nhận thời điểm để từ từ bước đi, và hãy cứ tích cực xây dựng đội ngũ, quan hệ với khách hàng.
Nguyễn Trí đã gặp may. Danh tiếng gia đình khiến bà chủ nhà ủng hộ nhiệt thành khi cho thuê, kể cả cho kéo dài ngày sửa chữa căn nhà. Bà chủ mừng rỡ gặp người thuê nhà tốt, tiền "xài" có thể hết, nhưng người tốt có thể đem lại phúc lợi mênh mông.
Vợ chồng Nguyễn Trí tâm niệm, lộc đi cùng phúc mới bền lâu. Lộc đi với bòn rút người khác thì sẽ cạn, nhanh chóng cạn. Nhiều phụ huynh "ở nhà" nhưng hằng ngày hóng theo hình ảnh ngôi trường xinh xinh của nữ họa sĩ đang dần hình thành với ý tưởng độc đáo.
Nguyễn Trí phối hợp với họa sỹ Nguyễn Long Thuỷ Trúc dạy trẻ con học vẽ online, chuẩn bị cho "lũ nhóc" những đồ vẽ chuyên nghiệp. Trẻ học vẽ qua online hội họa cơ bản - cách dạy mới lạ này thường ít hoặc không có tác phẩm. Các bé của Trí còn học thêm môn điêu khắc: bé tự phác thảo trên giấy sau đó tạo hình khối. Phụ huynh ở nhà, rảnh rỗi ngắm con vẽ, giúp khâu dán băng keo. Các bé ráp hình cân đối rất đúng với tỷ lệ phác thảo trên giấy. Với trẻ, đây là điều tuyệt vời đáng ngạc nhiên.
"Tôi nghĩ làm rồi sẽ vỡ ra". Từ chỗ choáng váng và bối rối, vợ chồng Nguyễn Trí không ngồi im than trời, giờ "đã qua rồi, không còn bồn chồn nữa".
Khi nào chấm dứt đại dịch cũng chưa ai biết, nên đừng mong một quyết định tuyệt đối. Cứ nương theo dòng nước và tích cực chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Trong khi cả thế giới đang "cãi cọ" xem bao giờ bỏ cách ly xã hội và ai sẽ quyết định, thì ngôi trường nhỏ bé với người mẹ trẻ đang chăm sóc ba con nhỏ đã tự mình tìm lối thoát theo hướng đưa thêm giá trị đến cho giáo dục và xã hội.
"Ngày mở cửa, việc đầu tiên tôi muốn là làm cuộc triển lãm tác phẩm hội họa của các bé" - cô giáo Nguyễn Trí mong ước.
Đúng là tinh thần doanh nhân. Dù nhỏ bé, "Tập đoàn Nhóc" của nữ họa sĩ Nguyễn Trí sẽ có nhiều cơ may khi "mở cửa". Bởi thời cơ chỉ đến với những ai biết chuẩn bị tốt.