Sau Covid-19 sẽ là thời tiết cực đoan, 'siêu bão' và hạn hán
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 27/04/2020
Ảnh chụp vệ tinh của siêu bão Florence vào năm 2018 từ NASA. |
Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEI), nhiều khu vực thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn độ Dương đều đạt nhiệt độ kỷ lục trong tháng 3/2020. Nhiệt độ cao có thể phần nào giải thích cho mùa bão dữ dội tại Đại Tây Dương, các đợt cháy rừng ở Amazon và Australia, cũng như đợt nóng kỷ lục cùng đợt bão nghiêm trọng xảy ra tại miền Nam nước Mỹ.
Dẫn lời Tiến sĩ (TS.) Phil Klotzbach thuộc Đại học bang Colorado, hãng tin Bloomberg cho biết, nhiệt độ nước ngoài khơi vịnh Mexico hiện ở mức 24,6 độ C, cao hơn 1,7 độ so với mức trung bình trong nhiều năm. Nếu nhiệt độ nước vừa nêu tại các khu vực thuộc vịnh Mexico được duy trì, nó sẽ là tác nhân khiến cho bất kỳ cơn bão nào đi qua vùng vịnh này trở nên dữ dội hơn, TS. Klotzbach nói.
Theo Trưởng bộ phận giám sát NCEI Deke Arndt, dòng nước với độ ấm kỷ lục tại vịnh Mexico này cũng đã đi vào cả các khu vực ven biển, khiến nhiệt độ trên đất liền tại những khu vực như Florida hay Miami leo lên mức kỷ lục từ trước đến nay vào tháng 3 vừa qua.
Được biết, nhiệt độ tại các đại dương trên thế giới chưa bao giờ leo lên mức kỷ lục như trong 5-6 năm trở lại đây. Theo bà Jennifer Francis - một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole ở Massachusetts, hiện tượng này "chắc chắn có liên quan đến biến đổi khí hậu". "Các đại dương đang hấp thụ khoảng 90% nhiệt lượng gây ra bởi khí nhà kính", bà Francis nói.
Trong tháng 3/2020, mức tăng nhiệt độ của nước biển trên toàn thế giới là mức cao thứ 2 kể từ tháng 3/1880, theo số liệu của NCEI. Mức tăng nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận là vào năm 2016. Đồng thời, theo dự báo bão năm 2020 của bang Colorado, 8 cơn bão có thể sẽ hình thành ngoài khơi Đại Tây Dương vào năm nay, với ít nhất một trong số đó sẽ đổ bộ vào nước Mỹ trong mùa bão kéo dài sáu tháng kể từ ngày 1/6/2020.
Cháy rừng, hạn hán, và siêu bão - cả 3 hiện tượng có thể trở nên khắc nghiệt hơn khi trái đất ấm dần lên. |
Hệ thống khí hậu Bắc cực
Bên cạnh đó, nhiệt độ toàn cầu tăng trong năm nay cũng có thể bắt nguồn từ hệ thống khí hậu khắc nghiệt xung quanh Bắc cực - nơi đã giữ lại phần lớn không khí lạnh của khu vực, ngăn không cho không khí lạnh tràn xuống phía Nam vào các vùng ôn đới. Cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước biển ấm lên.
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất cho việc các đại dương sẽ quyết định các kiểu thời tiết trên toàn cầu là sự phát triển của El Nino. Hiện tượng này xảy ra khi các dòng nước ấm bất thường ở vùng xích đạo Thái Bình Dương tương tác với khí quyển để thay đổi các kiểu thời tiết trên thế giới.
Đơn cử, ở Đại Tây Dương, El Nino gây ra những cơn gió mạnh có thể khiến cho những cơn bão nhỏ đang phát triển trở thành các siêu bão nguy hiểm. Tuy nhiên, cơ hội phát triển của El Nino trong năm nay là rất nhỏ, và các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, chính hiện tượng biến đổi khí hậu đang khiến cho tất cả đại dương trên thế giới ấm dần lên.
Link bài viết
Bão nhiệt đới dữ dội hơn
Và, nếu nhiệt độ tại Đại Tây Dương như hiện nay được duy trì trong mùa bão kéo dài 6 tháng kể từ tháng 6/2020, các cơn bão nhiệt đới có thể 'lợi dụng' sự ấm lên của nước biển để gia tăng sức phá hoại của mình.
Vào năm 2017, siêu bão Harvey vốn đã suy yếu khi băng qua bán đảo Yucatan của Mexico, nhưng khi đi qua vùng vịnh Mexico, nó đã trở thành một 'con quái vật' gây lũ lụt chưa từng có tại miền đông nam Texas, giết chết ít nhất 68 người và làm thiệt hại khoảng 125 tỷ USD. Do đó, nếu nước biển tại vùng vịnh Mexico tiếp tục nóng như hiện nay, khả năng để một 'Harvey thứ 2' xuất hiện là hoàn toàn có thể.
Thêm vào đó, cần biết rằng các đại dương cũng đóng vai trò 'dọn đường' cho các thảm hoạ cháy rừng. Trong trường hợp của Australia và Amazon, các khu vực sở hữu nhiệt độ cao ngoài đại dương có thể 'hút' mưa ra khỏi đất liền, gây ra tình trạng khí hậu khô và nặng hơn là hạn hán. Vào năm ngoái, chính việc khu vực Ấn Độ Dương ngoài khơi châu Phi nóng lên, đã biến nơi này trở thành chỗ đổ bộ của tất cả các cơn bão, khiến cho Australia bị bỏ lại trong sự khô cằn.
Đồng thời, một nghiên cứu của Giáo sư khoa học địa chất Katia Fernandez thuộc Đại học Arkansas, cũng chỉ ra mối quan hệ giữa nhiệt độ mặt nước biển ở vùng nhiệt đới bắc Đại Tây Dương với hiện tượng hạn hán cùng cháy rừng ở Amazon. Theo đó, nhiệt độ mặt nước càng cao, lượng mưa bị kéo qua Nam Mỹ đi về phía Bắc càng nhiều. Theo mô hình của Fernandes, nhiệt độ Đại Tây Dương vào tháng 3 thậm chí có thể giúp dự đoán liệu Amazon có nguy cơ bị khô và dễ rơi vào hỏa hoạn hay không.